Mùa giải 2020/21 đang trôi đi trong thê thảm đối với Barca. Có thể Champions League đem lại đôi chút sự hứng khởi song giải đấu danh giá nhất châu Âu mới ở giai đoạn vòng bảng. Hơn nữa, thước đo sự ổn định của một đội bóng là thành tích tại giải VĐQG và màn trình diễn của thầy trò Ronald Koeman lại cực kỳ tệ hại.
Sau 8 lần ra sân, thầy trò Ronald Koeman có số trận thắng bằng số trận thua (3 trận) và 2 trận hòa, một sự cân đối đáng buồn cho đội bóng là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Kết quả ấy đẩy Barca xuống tận vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng với vỏn vẹn 11 điểm, kém đội đầu bảng 9 điểm, khởi đầu tệ hại nhất suốt 25 năm qua của gã khổng lồ xứ Catalan.
Điều đáng nói, Barca kém xa đỉnh bảng không chỉ vì kết quả. Cách thầy trò Koeman để thua tại Wanda Metropolitano cũng nói lên nhiều điều. Trước đối thủ vốn là con mồi quen thuộc, Barca chỉ còn là cái bóng mờ, không còn kiểm soát bóng áp đảo, trong khi thầy trò Simeone không còn chỉ rình rập phản công mà còn phần nào thể hiện sự lấn lướt.
Nếu ví von Barca là gã khổng lồ thì cơ thể cường tráng của gã khổng lồ ấy đang ngày càng héo hon hao gầy vì vô số căn bệnh trầm kha. Ngoài sân cỏ, đội chủ sân Nou Camp hiện còn không có một ban lãnh đạo chính danh, sau khi Chủ tịch Bartomeu từ chức. Nói cách khác, Barca hiện là đội quân vô chính phủ.
Trên sân cỏ, một ngôi sao mất tích (Griezmann), một ngôi sao khác mất hút (Messi), một ngôi sao mới nổi biến mất vì chấn thương (Ansu Fati), các đội trưởng thứ hai, thứ ba và thứ tư (Busquets-Pique-Sergi Roberto) đều gặp chấn thương. Một đội hình héo hon như vậy, gã khổng lồ xứ Catalan không suy kiệt mới là chuyện lạ.
Đi sâu hơn vào vấn đề của Barca, nếu ngoài sân cỏ, cuộc khủng hoảng thượng tầng được xác định do sự yếu kém trong khả năng quản lý, điều hành và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài của bộ phận chóp bu, thì bên trong sân, nguyên nhân nào khiến Barca ngày càng đi xuống?
Có lẽ đã đến lúc Barca đối diện sự thật về sự vĩ đại quá đỗi của Messi. Đó chính là nút thắt khiến ban lãnh đạo lẫn ban huấn luyện Barca bối rối không dám đưa tay ra gỡ. Messi tạo cảm giác anh vĩ đại hơn cả thánh địa Nou Camp, rằng nếu anh ra đi, cầu trường trở nên trống rỗng còn đội bóng bị biến thành chán ngắt.
Thế nên, các đời chủ tịch Barca cố công chiều chuộng La Pulga bằng cách phá vỡ mọi quy tắc và giới hạn về lương. BLĐ Barca không dám lắc đầu với yêu sách của Cristiano Ronaldo như Chủ tịch Florentino Perez, hay từ chối đề nghị tham lam từ David Alaba của BLĐ Bayern Munich.
Trong ngắn hạn, những quyết định ấy làm tổn thất lực lượng nặng nề, mà sự lao đao của Real trong 1-2 năm trở lại đây là bằng chứng. Nhưng về trung và dài hạn, những quyết định "nhẫn tâm", vì hội tụ đủ sự nhẫn nại và tâm huyết ấy, giúp đội bóng duy trì trước thể chế và kết cấu ổn định lâu dài.
Bóng đá suy cho cùng là một thể thao tập thể, Man City, Liverpool hay chính Bayern Munich đâu cần Messi hay Ronaldo để trở thành kẻ thống trị. Đi sâu hơn vào mặt chuyên môn trên sân cỏ, khi Messi hiện diện trên sân cỏ, Koeman hay những người tiền nhiệm đều phải đưa bóng thông qua anh trong mọi ý đồ tấn công.
Thế nên đối đầu với Barca là công việc... đơn giản nhất đối với các HLV, vì công việc duy nhất của họ là tìm cách phong tỏa Messi. Ngày Messi sa sút như tại Wanda Metropolitano đêm qua, công việc ấy càng đơn giản. Và tần suất sa sút của La Pulga đang ngày càng dày đặc, khi áp lực khiến anh trở nên mệt mỏi, thất thần.
Lật ngược vấn đề, sự vĩ đại quá đỗi của Messi khiến các đời HLV không đủ dũng cảm gạt bỏ đôi chân mệt mọi của siêu sao người Argentina để xây dựng dàn hợp xướng mới tại Nou Camp. Từ sự lặng thinh đến cái cau mày, Barca đang ngày càng trầm cảm cùng Messi.