Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Toàn cảnh TTCN Hè 2023: Saudi Arabia hút máu cả châu Âu”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: https://bongdaplus.vn/bong-da-the-gioi/toan-canh-ttcn-he-2023-saudi-arabia-hut-mau-ca-chau-au-4096542309.html
Mùa Hè 2022, một kỳ chuyển nhượng xa hoa đã tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Premier League. 20 CLB đã chi tổng cộng 1,91 tỷ bảng, nhiều hơn 34% so với kỷ lục kỳ chuyển nhượng mùa Hè trước đó từng được thiết lập năm 2017. Cộng thêm kỳ chuyển nhượng mùa Đông, tổng cộng 2,8 tỉ bảng đã được chi. Đó là những con số mà chưa giải đấu nào đạt được trước đây, đủ để giúp Premier League bỏ xa các đối thủ ở phần còn lại của châu Âu.
Nhưng hóa ra đó chỉ là sự khởi đầu. Mùa Hè này, số tiền chuyển nhượng còn lớn hơn nữa, và hầu hết được giao dịch trong tháng 6. 17 ngày còn lại trước khi thị trường đóng cửa - ngày 1/9 - 20 CLB Premier League đã chi 1,76 tỷ bảng. Với việc Romeo Lavia đã sẵn sàng gia nhập Chelsea với giá 58 triệu bảng và Michael Olise chuẩn bị theo anh đến phía Tây London, có nhiều khả năng tổng số tiền sẽ vượt qua ngưỡng 2 tỉ bảng.
Đây là thời đại lạm phát của Premier League, và chúng ta rất khó có thể nhìn thấy kết thúc của nó. Một bản hợp đồng trị giá 10 triệu bảng hiện được coi là "con muỗi" và một hợp đồng trị giá gần 80 triệu bảng, như thương vụ đưa Josko Gvardiol từ RB Leipzig đến Man City cũng “nhỏ như con thỏ”.
Việc Declan Rice gia nhập Arsenal với giá 105 triệu bảng và Moises Caicedo sắp chuyển đến Chelsea với giá kỷ lục mới ở Premier League là 115 triệu bảng cũng không khiến ai động tâm nữa. Các thông số của thị trường chuyển nhượng liên tục thay đổi khiến chúng ta tê liệt với những con số.
Và chính nhóm CLB sẵn sàng mạo hiểm đã khiến Premier League trở thành gã khổng lồ trên thị trường chuyển nhượng. Không giống như các giải đấu hàng đầu khác như La Liga, Ligue 1, Bundesliga hay Serie A, ngay cả “xóm nhà nghèo” của Premier League gồm Crystal Palace, Everton, Fulham, Luton Town, Nottingham Forest và Sheffield United đã chi hơn 50 triệu bảng ở Hè này.
Tính trung bình, mỗi CLB ở Premier League đã chi 89 triệu bảng. 10 năm trước, mức trung bình này là 31,5 triệu bảng, còn năm 2010 chỉ là 18 triệu bảng. Đã có 33 cầu thủ được các CLB Premier League mua với giá 20 triệu bảng trở lên trong mùa Hè này. Tiền vệ Jude Bellingham, người được Real Madrid ký hợp đồng với giá 86 triệu bảng, là tân binh duy nhất ở La Liga phù hợp với tiêu chí đó. Ở những nơi khác ở Tây Ban Nha, tiền đã cạn kiệt trong một mùa Hè tĩnh lặng.
Còn ở Premier League, nơi mức độ chi tiêu có cơ hội tăng lên mức trần mới vào mùa Hè năm ngoái trước hợp đồng phát sóng mới 3 năm. Doanh thu bổ sung được đảm bảo từ một lượng lớn tiền bản quyền truyền hình ở nước ngoài, và như mọi khi, thu nhập cao hơn đồng nghĩa với chi tiêu cao hơn trên thị trường chuyển nhượng.
Premier League vẫn chưa công bố số liệu chính thức về số tiền mà các CLB nhận từ mùa giải 2022/23. Nhưng người ta đã dự đoán rằng, Man City - với tư cách nhà vô địch - sẽ bỏ túi 180 triệu bảng, tăng từ 153 triệu bảng so với mùa 2021/22. Các CLB đều nhận tiền hậu hĩnh, và họ sẽ chi để được ở lại mảnh đất này.
Điểm không chắc chắn duy nhất ở Premier League là giá trị của thỏa thuận bản quyền truyền hình trong nước tiếp theo, sẽ được gia hạn sau mùa giải 2024/25. Nhưng cho đến lúc đó, có một sự đảm bảo chắc chắn rằng vòi bơm sẽ tiếp tục hoạt động. Người ta ước tính rằng chu kỳ hiện tại sẽ chứng kiến 2,9 tỷ bảng doanh thu truyền hình được trả cho 20 CLB tham dự Premier League mỗi năm.
Tiến sĩ Dan Plumley, một chuyên gia tài chính thể thao và giảng viên tại Sheffield, cho biết: “CLB sẵn sàng chi tiêu nhờ nguồn doanh thu truyền hình, một nguồn lợi vô biên. Mô hình Champions League mới bắt đầu từ mùa giải 2024/25 sẽ mang lại nhiều doanh thu hơn cho các CLB lớn. Chúng ta không nên ngạc nhiên trước xu hướng này. Đó là sự phục hồi sau những năm đại dịch, và điều đó luôn được các CLB lớn nhất dẫn đầu. Chelsea đã chi tiêu lớn nhưng Arsenal, MU, Man City và Liverpool cũng chơi lớn. Dường như 100 triệu bảng là mức giá mới cho những cầu thủ hàng đầu”.
Các sự kiện trong 12 tháng qua đã góp phần tạo ra một chuẩn mực mới. Thương vụ chuyển nhượng trị giá 106 triệu bảng của Chelsea với Enzo Fernandez của Benfica hồi tháng 1 đã thực sự thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các tiền vệ trung tâm, và tạo cơ hội cho West Ham và Brighton định giá Rice và Caicedo vào Hè này. Bất cứ đề nghị nào ít hơn 100 triệu bảng sẽ không thể giúp bạn mua được một tiền vệ trung tâm ra hồn. Đó hoàn toàn không phải lỗi của Chelsea, nhưng việc CLB này chi tiêu vượt quá 500 triệu bảng cho hai kỳ chuyển nhượng mùa trước đã góp phần bóp méo cục diện.
Hè này, Chelsea vẫn đang thiết lập mức độ chi tiêu bạo tay mới. Sau đó là tác động không thể phủ nhận từ giải Saudi Pro League. Dòng tiền mới này đã giúp các CLB Premier League cân bằng sổ sách để mua quân. Chelsea, Liverpool, Man City, Wolves, Newcastle và MU đều đã bán cầu thủ cho các CLB Saudi Arabia trong mùa Hè này với tổng số tiền là 190 triệu bảng. Số tiền đó không xuất hiện ở 12 tháng trước. Hiếm khi nào các cầu thủ ngoài 30 tuổi, hưởng lương cao được xuất khẩu ồ ạt sang Trung Đông như thế.
Saudi Pro League có thể gây ra những nguy hiểm lớn trong những năm tới, nhưng giai đoạn bành trướng thương hiệu của nó đã cung cấp tài chính cho các CLB Premier League. Liệu Liverpool có thể bán Fabinho, người sẽ bước sang tuổi 30 vào tháng 10, cho bất kỳ ai khác ngoài Al-Ittihad với giá 40 triệu bảng? Liệu có CLB nào ngoài Al-Hilal sẵn sàng trả cho Wolves 47 triệu bảng để có Ruben Neves? Tiền của người Saudi đã giải quyết vấn đề và khuyến khích các CLB mua sắm.
Chelsea gần như chắc chắn sẽ viết những tấm séc lớn nhất cho kỳ chuyển nhượng thứ ba liên tiếp, với việc giành được Caicedo đã đưa họ gần tới khoản chi 300 triệu bảng. Arsenal, á quân mùa giải trước, cũng đã cam kết chi khoảng 200 triệu bảng trong nỗ lực biến mùa 2023/24 thành năm của họ.
Vào thời điểm này năm ngoái, cũng có trường hợp của Leicester City, đội chỉ mở sổ séc để ký hợp đồng với Wout Faes từ Reims với giá 15 triệu bảng vào ngày giao dịch cuối cùng, kéo mức chi tiêu trung bình của Premier League xuống. Và họ đã vô tình trở thành một lời cảnh báo hơn là một hình mẫu để nhân rộng, sau khi xuống hạng Championship vào tháng 5/2023.
Burnley thăng hạng, Bournemouth trụ hạng đã lập tức chi tiêu để tránh rơi vào vết xe đổ Leicester. Chỉ có Luton Town - đội bóng đang lo xây SVĐ mới - hay Sheffield United là không mạnh tay chiêu mộ. Everton cũng vậy, nhưng đó là sự cần thiết hơn là sự lựa chọn.
Câu hỏi đặt ra là bao giờ làn sóng mới này chấm dứt? Có lẽ là không bao giờ.
Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Toàn cảnh TTCN Hè 2023: Saudi Arabia hút máu cả châu Âu”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: https://bongdaplus.vn/bong-da-the-gioi/toan-canh-ttcn-he-2023-saudi-arabia-hut-mau-ca-chau-au-4096542309.html