Không ai phủ nhận tiền vệ phòng ngự Moises Caicedo là cầu thủ kém chất lượng. Thế nhưng, làm thế nào để Brighton bán anh cho Chelsea với giá 115 triệu bảng thì lại là một kỳ quan giao dịch. Khó ai có thể tưởng tượng được rằng, cầu thủ mới chỉ thi đấu 45 trận ở Premier League lại có giá trị tương tương GDP của đảo quốc Tuvalu.
Đó là một sự điên rồ của bóng đá thời kim tiền, bởi không chỉ một mình Chelsea sẵn sàng chi hơn 100 triệu bảng cho cầu thủ này, mà cả Liverpool cũng hậm hực khi thấy mức giá 105 triệu bảng của mình bị Brighton cao tay từ chối. Liverpool may mắn, đen đủi vì không mua được Caicedo, hay lại là một tay cò mồi đẩy giá trong thương vụ của con buôn Brighton?
Nếu Caicedo là Kylian Mbappe hay Erling Haaland thì đã đi một nhẽ. Đây đều là những cầu thủ tài năng hàng đầu thế giới, trên người đóng chi chít những dấu kiểm định chất lượng như Champions League, Premier League, World Cup… Trong khi đó, Caicedo không có gì ngoài những thống kê chuyên môn và niềm tin.
Chính vì thế, Caicedo đang trở thành đề tài đàm tiếu ở Premier League và thế giới, bị chính HLV Pochettino và các CĐV Chelsea nghi ngờ về năng lực. Anh mới thi đấu cho Chelsea được vài ba trận, nhưng đã 2 lần trở thành “thằng hề của tấn trò đời”. Trong thất bại cay đắng trước Fulham, chính anh là tác nhân khiến Chelsea bị thủng lưới bởi kỹ năng xử lý bóng tầm thường.
Phải chăng Caicedo đang bị sốc vì bị gắn mác bom tấn 115 triệu bảng, hay bị choáng ngợp ở một đội bóng có mục đích là vô địch Premier League, Champions League thay vì trụ hạng? Phải chăng Caicedo chỉ thi đấu tốt khi là một cầu thủ bình thường, đứng trong một tập thể bình thường, không bị soi mói? Hay anh thực sự là một cầu thủ bị thổi phồng giá trị để nhằm trục lợi. Bởi bằng cách gì mà một cầu thủ được Brighton mua với giá 4 triệu bảng cách đây 3 năm - hợp đồng đã khiến Caicedo và gia đình cảm thấy được đổi đời - lại biến thành đơn hàng trị giá 115 triệu bảng.
Sự tăng giá không phải 100% hay 300% mà là 4.000% là một điều không tưởng trong thương mại. Nó chỉ xuất hiện trong những khoảnh khắc điên rồ mà kẻ bán là một tay thao túng tâm lý tuyệt vời, còn kẻ mua bị rơi vào một cạm bẫy nham hiểm, tinh vi. Chelsea không phải là tay mơ trên thị trường chuyển nhượng, cho dù họ có rất nhiều tiền, chẳng bao giờ tính mức độ tiêu thụ xăng khi đã chơi siêu xe cả. Nhưng xưa nay, trong giới bóng đá, chỉ có kẻ giàu ăn thịt kẻ nghèo (bằng cách hút máu cầu thủ hay ngoạm miếng bánh bản quyền truyền hình), chứ chẳng bao giờ có chuyện người nghèo “chăn dắt” người giàu cả.
Nhưng nhìn vào các thương vụ bán của Brighton, chúng ta đều thấy ngay một mẫu số: hàng của họ đều có giá cao, đều bị thổi phồng năng lực và đều trở thành phế phẩm ở bến đỗ mới. Đặc biệt, Chelsea có vẻ rất thích bị Brighton “đánh thuốc” trong những năm gần đây.
Trước Caicedo, Chelsea đã dính phải một món hàng lởm của Brighton là hậu vệ trái Marc Cucurella trị giá 55 triệu bảng, nhưng không dùng được và đang lăn lóc trên băng ghế dự bị. Hồi đầu tháng 8, Chelsea cũng mua thủ môn Robert Sanchez của Brighton với giá 20 triệu bảng + 5 triệu bảng phụ phí. Thật sự, theo dõi Sanchez, chúng ta thấy thủ môn này bắt bóng thua xa Kepa (cho Real mượn).
Rõ ràng, không thể phủ nhận Brighton giỏi trong việc bán và mua (thậm chí mượn) cầu thủ. Việc cả hai đại gia Chelsea và Liverpool đều ham thính sản phẩm của Brighton đã nói lên điều đó. Họ mua cầu thủ giá rẻ, thậm chí gần như miễn phí như Evan Ferguson hay Kaoru Mitoma (2 triệu bảng) rồi thổi giá sau 1-2 năm sử dụng để bán gấp hàng trăm hay hàng nghìn lần.