Bóng Đá Plus trên MXH

Sir Alex Ferguson: 'Tôi đã nghĩ Man United không thể vô địch'
09:20 ngày 25/05/2021
Alex Ferguson đã chia sẻ rất nhiều khía cạnh chưa từng được biết đến trong cuộc đời ông trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. Từ thời trai trẻ ở Scotland, giai đoạn huy hoàng cùng Man United, trải nghiệm cận tử khi mắc xuất huyết não, đặc biệt là về trận chung kết Champions League năm 1999 và sự ngưỡng mộ dành cho Steven Gerrard.

    CẢM GIÁC CẬN TỬ VÀ NỖI SỢ HÃI MẤT TRÍ NHỚ

    “Tôi nằm trên giường với nỗi cô đơn, bắt đầu tự hỏi rằng Đức Chúa và Thiên Đàng là có thật hay không. Đó là cảm giác đáng sợ của kẻ đang chờ chết”, Sir Alex Ferguson nhớ lại thời điểm 3 năm về trước, khi ông bị xuất huyết não và đã bước một chân đến cửa tử. Nhà quản lý bóng đá vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Anh đã bắt đầu cuộc trò chuyện như vậy.

    Rất nhiều lớp hồi ức được khai mở dần theo cuộc phỏng vấn. Đó là ký ức về xưởng đóng tàu ma quái ở Glasgow; cuộc sống nghèo khổ của những cậu bé ở Govan; nỗi đau về chủ nghĩa bè phái tại Rangers; ngọn lửa quyết tâm và sự thay đổi mà ông đã tạo ra ở Aberdeen; đồng thời tua lại 27 năm vinh quang nhưng đầy gian khó cùng Man United.

    Và tất nhiên, trong cuộc phỏng vấn dành cho bộ phim tài liệu do chính người con trai Jason Ferguson của ông cầm máy, Sir Alex cũng chia sẻ cả những cảm xúc dành cho bố mình, về quãng thời gian mối quan hệ giữa hai người rạn nứt và được hàn gắn lại bởi bóng đá, tình cảm của ông với người vợ thân yêu Cathy.

    Jason Ferguson, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu đầy cảm động và hấp dẫn về cuộc đời của cha mình cũng tham gia vào cuộc phỏng vấn. Anh sẽ cho khán giả cái nhìn về sự kiện đau buồn vào thứ Bảy ngày 5/5/2018. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy chìm đắm trong nỗi sợ hãi kinh hoàng của Alex Ferguson rằng ông có thể bị câm và mất trí nhớ.

    “Đó là một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Sau ca phẫu thuật, tôi bị mất tiếng hoàn toàn. Dù vẫn còn sống nhưng tôi bắt đầu nghĩ: Chết tiệt, đời mình thế là héo. Tôi đã khóc. Dù được phẫu thuật thành công nhưng sâu bên trong tôi là sự trống rỗng vô cùng tận. Các bác sĩ chưa từng nói đến những nguy cơ này”.

    Alex Ferguson đã không thể nói bất kỳ điều gì trong 10 ngày. Chuỗi ngày im lặng đó sẽ ám ảnh ông vĩnh viễn, nhưng nỗi sợ mất trí nhớ còn kinh khủng hơn vậy nhiều. Mở đầu bộ phim tài liệu “Sir Alex Ferguson: Never Give In” là cảnh người đàn ông 79 tuổi này thẫn thờ khi được con trai đặt một câu hỏi để kiểm tra trí nhớ.

    Sir Alex Ferguson đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài vì chảy máu não

    Sau khi trả lời đúng tên con đường có nhà hộ sinh nơi ông chào đời, nhớ được chính xác ngày kết hôn của mình, ông già Ferguson tỏ vẻ đầy tự tin khi được hỏi cầu thủ nào là người ghi bàn thắng đầu tiên trong nhiệm kỳ huấn luyện của ông tại Man United.

    “John Sivebaek”, ông khẳng định chắc nịch khi nhớ lại bàn thắng của hậu vệ cánh người Đan Mạch vào lưới QPR vào ngày 22/11/1986. Ông nhắc lại ngày sinh của các con trai và mỉm cười khi được yêu cầu nêu tên của người đại diện đã môi giới ông đến CLB Aberdeen từ năm 1978 đến năm 1986. “Đó là Harry Hines”.

    - “Bố có nhớ gì về Thứ Bảy, ngày 5/5/2018 không?”, Jason hỏi.

    Một khoảng lặng thật dài, và dù đã cố gắng để nhớ lại, nhưng rồi ông thốt lên cay đắng: “Không gì cả”.

    Một cuộc phỏng vấn độc quyền với Alex Ferguson là cực kỳ hiếm ở hoàn cảnh này và tất nhiên nó đi kèm với một số quy định. Ông sẽ không trả lời các câu hỏi về tình hình hiện tại của Man United, về gia đình Glazer hay Phó chủ tịch Ed Woodward, hoặc mọi thứ có liên quan tới scandal European Super League.

    Tuy nhiên, dù bỏ qua các chủ đề đương đại phức tạp, chúng ta vẫn còn có nhiều trang sách chưa được mở trong cuộc đời Sir Alex Ferguson để khám phá. Chẳng hạn như tại sao ông lại hoảng loạn trước nguy cơ mất trí nhớ.

    “Là một HLV, trí nhớ có vai trò rất quan trọng trong nghề này. Ngày nay, có thể thấy nhiều HLV thích ghi chép diễn biến của trận đấu đang diễn ra. Tôi không bao giờ làm điều đó. Tôi ghim mọi thứ vào bộ não và sử dụng nó một cách hiệu quả khi bước vào phòng thay đồ để truyền đạt với các cầu thủ. Không thể hiểu tại sao một HLV có thể cắm mặt ghi chép và để lỡ một bàn thắng?”, ông giải thích.

    Jason và ông bố nổi tiếng bắt đầu thực hiện các cuộc ghi âm phỏng vấn vào năm 2016 và mất 18 tháng để tái hiện cuộc đời của Sir Alex Ferguson. Jason biết rằng đây sẽ là công việc khó khăn nhưng xứng đáng để làm.

    Anh đã nhận được sự hỗ trợ từ Andrew Macdonald, nhà sản xuất của bộ phim “Trainspotting” và hàng loạt bộ phim truyện nổi tiếng. Bên cạnh đó còn có sự góp sức của John Battsek, một nhà làm phim tài liệu có nhiều tác phẩm xuất sắc khác.

    “Thật kỳ lạ. John và Andrew đã liên hệ với tôi, và sau 1 năm trao đổi, họ cho rằng tôi nên là đạo diễn của bộ phim. Tôi đã rất ngạc nhiên và lo lắng bởi đó là một vai trò quan trọng và sự thật là tôi chưa từng làm phim. Tôi nói rằng mình cần 24 giờ để suy nghĩ.

    Sir Alex Ferguson đã phải mất tới 9 tháng mới có thể hồi phục

    Đêm hôm sau, câu trả lời của tôi là ‘OK, tôi đồng ý. Chúng ta làm thôi’. Tôi lập tức phác thảo ra những ý tưởng đầu tiên và đi ngủ lúc 1h30 sáng. Vài tiếng sau, khoảng 6h30 sáng, điện thoại trong phòng tôi đổ chuông, và mẹ tôi báo rằng bố bị đột quỵ”.

    Trong bộ phim tài liệu, chúng ta có thể nghe thấy đoạn ghi âm thời điểm Jason nói chuyện với tổng đài cấp cứu 911. Khi được hỏi “Bệnh nhân còn thở không?”, anh nhìn cha mình và nghẹn ngào nói “Vẫn còn thở nhưng tình trạng của ông ấy rất tồi tệ”.

    Sau đó, bác sĩ hỏi tên bệnh nhân, Jason đã do dự một chút, rồi quyết định dùng tên cúng cơm là Alexander Ferguson để đảm bảo quyền riêng tư cho bố mình trong hoàn cảnh nguy kịch.

    “Bố tôi được đưa vào bệnh viện Salford Royal. Ông nằm bất tỉnh trên giường bệnh với các loại dây, ống tiêm nối vào cơ thể, xung quanh là rất nhiều máy móc. Bệnh viện đã chuẩn bị mọi thứ để tiến hành phẫu thuật. Hai bác sĩ giải phẫu thần kinh đã trao đổi với tôi tình bệnh tình của bố.

    Tôi chỉ biết thốt lên tên của Chúa khi họ nói: Ông nhà đã 76 tuổi và bị xuất huyết não rất nặng. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức nhưng anh và gia đình hãy chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất. Chúa ơi!”, Jason kể lại và cho biết thêm rằng thời điểm đó, bố mình chỉ có 20% cơ hội sống sót.

    Nhưng Sir Alex Ferguson vẫn luôn là một chiến binh từ khi còn là một cậu bé ở Govan cho đến lúc thống trị bóng đá Anh. Dù vừa mới trải qua cơn bạo bệnh, ông chỉ lo lắng một điều duy nhất: “Tôi hy vọng là không có vấn đề gì với trí nhớ của mình”. Và ông lẩm bẩm một từ lặp đi lặp lại: “Nhớ lại... Nhớ lại... Nhớ lại đi nào”.

    Alex mỉm cười và nói từ tốn: “Nhà trị liệu ngôn ngữ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Cô ấy thật phi thường. Tôi được yêu cầu viết ra tất cả tên của các thành viên gia đình và các cầu thủ tôi đã từng cùng làm việc. Sau đó, cô ấy giúp tôi nhớ lại thông qua các bài kiểm tra về tên các loài động vật.

    Dần dần, tôi đã có thể nói trở lại, nhưng điều quan trọng là trí nhớ của tôi vẫn ổn. Cô ấy yêu cầu tôi viết thư cho những người thân của mình. Tôi đã viết cho bà xã Cathy, dù rằng nó giống bức tranh nguệch ngoạc của một đứa trẻ hơn là một bức thư”.

    “Bố đã viết thư cho mẹ tôi, cho tôi, các em tôi và các cháu. Về cơ bản, nội dung các bức thư đó giống như một lời tạm biệt”, Jason mô tả.

    Alex đã hồi phục một cách chậm chạp và khó khăn. Khi được hỏi đã mất bao lâu để có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, người đàn ông 76 tuổi này rướn người lên phía trước và nói với chất giọng trầm ấm, pha nét hóm hỉnh quen thuộc: “Tôi đã không được phép uống một ly rượu nào trong suốt 9 tháng, quá chán”.

    Ông già gân cũng thổ lộ sự khó chịu khi không được lái xe trên đường cao tốc hoặc vào ban đêm như trước đây. Những hạn chế này đã đeo đẳng ông suốt gần 3 năm qua. Nhưng dù sao, bệnh nhân người Scotland cũng đang đi đúng hướng.

    NỖI ĐAU Ở GLASGOW RANGERS

    Glasgow vẫn là nền tảng cơ bản của cuộc đời Alex và trong bộ phim tài liệu có những thước phim quý giá quay xưởng đóng tàu nơi cha của ông từng làm việc. Thực tế, Alex Ferguson và bố mình đã tuyệt giao trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1963.

    Đó là giai đoạn Alex thi đấu cho CLB St Johnstone và mâu thuẫn bắt đầu xảy ra: “Bố tôi luôn muốn lên kế hoạch cho sự nghiệp bóng đá của tôi, còn tôi không thích việc này. Chính điều đó đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách giữa bố con chúng tôi”

    Thời điểm ấy, Alex thừa nhận mình đã lạc lối một chút. Vì không phải lúc nào cũng được đá cho đội A nên ông đã bắt đầu chơi bời, nhậu nhẹt vào các tối thứ Sáu. Khi người bố yêu cầu ông phải có ý thức kỷ luật hơn, Alex đã cãi lại. Ông bố đã nổi giận: “Mày cứ sống theo cách của mày đi”.

    Thế là Ferguson đã đi vào thị trấn trong cơn tức giận, say xỉn, quậy phá và cuối cùng phải ngồi ở đồn cảnh sát cả một đêm. “Tôi đã muốn đầu hàng. Sự nghiệp bóng đá của tôi chẳng đâu vào đâu cả”, Sir Alex thừa nhận.

    Gần cuối giai đoạn ảm đạm đó, Alex lại bỏ một trận đấu của đội dự bị. Ông đã nhờ bạn gái của anh trai mình gọi điện cho HLV trưởng, giả làm mẹ của ông và nói rằng ông bị cúm nên không để thi đấu. Vị HLV của St Johnstone đã nghi ngờ và gọi cho mẹ của Alex, khiến bà nổi cơn tam bành.

    Sir Alex lập hat-trick trong màu áo St Johnstone trước Rangers và hàn gắn mối quan hệ với người cha

    Ferguson kể lại với vẻ thích thú: “Đó là ngày thứ Sáu, một ngày trước khi trận đấu diễn ra. Chúng tôi không có phòng tắm trong nhà mà chỉ có một toilet. Vì vậy, tôi đã đi tắm chung với đám bạn và trở về nhà lúc bảy giờ tối. Mẹ tôi đã chờ sẵn và nổi điên lên ngay khi tôi vừa ló mặt: Gọi điện thoại xin lỗi HLV ngay và luôn. NGAY BÂY GIỜ!

    Tôi vẫn nhớ số điện thoại của ông ấy là Stanley 269. Tôi muốn giọng mình nghẹt nghẹt giống như đang bị cúm nên lót chiếc khăn tay lên ống nói khi gọi điện. Stanley biết tỏng trò mèo đó, và chỉ nói ngắn gọn: “Ngày mai đá với Rangers ở Inbrox, cậu sẽ ra sân. Đang có một đống cầu thủ chấn thương rồi đấy”.

    Dựa lưng vào thành ghế, Alex mỉm cười: “Tôi đã ghi 3 bàn và đời tôi đã thay đổi nhờ cú hat-trick đó”.

    Điều này cũng đã hàn gắn mối quan hệ rạn nứt của hai bố con Ferguson. “Tối hôm đó tôi trở về nhà ngay bởi sân Inbrox chỉ cách nhà tôi vài trăm mét. Mẹ tôi tỏ ra rất hào hứng còn bố tôi vẫn ngồi bên lò sưởi với cuốn cách của ông như mọi khi. Lúc nào ông ấy cũng đọc sách. Mẹ tôi nhắc khéo: Con nói gì với bố đi chứ. Tôi lại gần ông và hỏi: Bố thấy thế nào? Ông đáp: Ổn đấy con trai”.

    Alex cười lớn. Thế là không còn “chiến tranh lạnh” nữa, hai bố con đã hoà giải một cách thật tự nhiên. “Chúng tôi lại là một đội”, ông nói.

    Ferguson được Rangers mời ký hợp đồng. Đây là CLB mà ông đã hâm mộ ngay từ khi còn bé. Giờ đây, ông trở thành cầu thủ bóng đá đắt giá nhất ở Scotland. Tuy vậy, 2 năm chơi cho Rangers (1967-1969) là quãng sự nghiệp không mấy vui vẻ của Alex bởi tình trạng chia bè kết phái ở đây.

    Jason nhấn mạnh rằng trải nghiệm bầm dập này đã khiến bố mình bị tổn thương và thúc đẩy ông tiến lên phía trước. “Tôi biết ông đã rất tự hào khi được khoác áo Rangers, và nỗi buồn của ông khi phải chia tay CLB sau khi thua một trận chung kết tranh cúp vô địch, và chính ông bị biến thành vật tế thần”.

    Alex đã sớm bị một giám đốc của Rangers hỏi rằng liệu cuộc hôn nhân của ông và Cathy có được tổ chức trong một nhà thờ Công Giáo hay không. Khi biết nó được tổ chức trong một văn phòng đăng ký kết hôn bình thường, vị giám đốc này tỏ vẻ “thông cảm”, nhưng Alex vẫn rất tức giận.

    “Tôi đã khiến vợ mình mất giá khi để ông ta hỏi câu đó. Lẽ ra, tôi phải chặn họng ông ta ngay lập tức. Cathy là một tín đồ Công Giáo sùng đạo, còn tôi theo đạo Tin Lành. Kết hôn tại một văn phòng đăng ký là điều hoàn toàn bình thường. Lẽ ra tôi cần phải quyết đoán hơn vì cô ấy.

    Tôi thấy đau khi Rangers quyết định để tôi ra đi. Trong 4 tháng trời, tôi không được ra sân một lần nào. Tôi cứ tập luyện một mình đến khi bị bán sang Falkirk. Nhưng khi đã chơi cho một CLB như Rangers, tôi đã thấm mọi tiêu chuẩn trăm năm của họ và sử dụng nó hữu ích cho sự nghiệp quản lý bóng đá sau này”.

    Quãng thời gian ở Rangers lại không hề đẹp đẽ như Sir Alex từng nghĩ và mơ mộng...

    Vậy Sir Alex cảm thấy thế nào khi đội bóng cũ Rangers vừa giành chức vô địch đầu tiên sau 10 ở mùa giải?

    “Lần duy nhất tôi thực sự ủng hộ Rangers là khi họ đấu với Celtic. Đó là một trận đấu lớn. Jason là một fan bự của Celtic. Tôi thích gọi điện để trêu chọc nó khi Celtic bị Rangers đánh bại.

    Nhưng tôi rất ngưỡng mộ Steven Gerrard, người đã dẫn dắt Rangers tới thành công hôm nay. Cậu ta thực sự xuất sắc cả trong và ngoài sân cỏ. Một cuộc phỏng vấn tai nạn với báo chí thôi cũng có thể khiến bạn bay ghế. Nhưng Steven đã rất tuyệt vời. Luôn đĩnh đạc, giữ cái đầu lạnh và các câu trả lời đều hợp lý. Những cuộc họp báo của Steven thật tuyệt vời”.

    27 NĂM TẠI MAN UNITED

    Alex Ferguson chính thức trở thành HLV của CLB Manchester United vào tháng 11 năm 1986 và bộ phim tài liệu này đã tái hiện mạnh mẽ giai đoạn đầu khó khăn tại CLB mà giờ đây tôn kính ông như một vị thánh. Gia đình ông cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề.

    Jason thừa nhận rằng: “Ở đây, mọi thứ đều lớn hơn so với Aberdeen, từ tầm vóc của CLB, quy mô sân bóng cho đến sự quan tâm của các phương tiện truyền thông. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy đội bóng của bố tôi thực sự rơi vào tình cảnh bất lợi chỉ sau một thất bại.”

    Chúng ta sẽ thấy cảnh Jason cùng với người em sinh đôi là Darren và anh trai là Mark đã nói chuyện với bố trong căn bếp nhỏ. “Tình hình không ổn bố à. Bố sẽ không thể thành công ở đây. Chúng ta sắp toi rồi”.

    Ông Alex trấn an những người con trai đang muốn đưa gia đình quay trở lại Aberdeen rằng ông sẽ xoay chuyển được tình thế. Mark nghĩ rằng bố mình chỉ ảo tưởng sức mạnh. Còn Jason, khi đó 16 tuổi, đã nghĩ gì: “Thật vô lý khi bố cứ tin vào một kết cục có hậu ở thời điểm đó”.

    Sir Alex đã có 3 mùa giải đầu rất chật vật ở Man United

    Hẳn là Alex đã rất đau đầu khi bà Cathy cũng không hạnh phúc ở Manchester. “Tôi nhận ra điều đó nhưng chúng tôi đã đạt được những bước tiến lớn trong bộ phận đào tạo cầu thủ trẻ. Matt Busby đã xây dựng lại CLB trong những năm 1950 và 1960 với những cầu thủ trẻ xuất sắc. Tôi cũng muốn làm như vậy.

    Khi nói về Man United, người ta thường nhắc đến những cầu thủ vĩ đại như Cristiano Ronaldo và Roy Keane. Nhưng tinh thần của CLB trong thời của tôi được tạo nên từ lứa 1992 huyền thoại gồm David Beckham, Ryan Giggs, Paul Scholes, anh em nhà Neville. Tôi biết chúng tôi đang đi đúng hướng. Tôi chỉ cần thêm sự ủng hộ từ BLĐ mà thôi”.

    Và thành công nào cũng cần phải có thời gian, phải không nào? Nhưng thật sảng khoái khi có một nhóm CĐV luôn đến sân tập hàng ngày để cổ vũ chúng tôi. Trong số đó có một người là bưu tá về hưu, Norman Williamson. Ông ấy là một fan cuồng nhiệt, người liên tục nói với tôi: Cậu sẽ ổn thôi con trai. Cậu đang làm điều đúng đắn”.

    Thật tuyệt khi có Norman làm CĐV, và những người bạn khác của ông ấy cũng tuyệt vời. Họ bắt đầu theo dõi đội trẻ và ban đầu chỉ có 50 khán giả. Những cậu bé chạy trên sân còn trên khán đài là những người cha, người chú hoặc những hàng xóm.

    Sau đó, có hàng nghìn người đến xem bọn trẻ thi đấu vào sáng thứ Bảy và đến Old Trafford vào buổi chiều. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. Đôi lúc Alex thấy mệt và cần được nghỉ ngơi. Nhưng cả tháng 12 năm 1989, đội bóng của ông không thắng nổi một trận nào, chỉ toàn hoà và thua.

    “Sau đó, lễ bốc thăm vòng ba FA Cup diễn ra. Chúng tôi sẽ gặp Nottingham Forest. Lạy Chúa! Nottingham là đội đá cúp tốt nhất dưới thời Brian Clough. Man United đã có mặt và CĐV rất lo lắng bởi đội hình của chúng tôi sứt mẻ nghiêm trọng.

    Nhưng bạn biết không? Chính những CĐV đã giành chiến thắng. Họ đã tạo nên một bầu không khí cuồng nhiệt không thể tin nổi. Trong suốt trận đấu, họ đã hô hào và thúc giục chúng tôi. Manchester United đã chiến thắng. Nó đã thay đổi mọi thứ”.

    - “Norman Williamson có ở đó không?”

    - “Chắc chắn rồi! Ngày chúng tôi giành được chức VĐQG lần thứ 19, ông ấy đã đến sân tập vào sáng thứ Hai và dành cho tôi cũng như các cầu thủ những cái ôm thật chặt. Norman qua đời ngay đêm hôm đó và tôi chắc chắn rằng ông là một CĐV Man United hạnh phúc”, Alex nói

    Có khi nào Alex Ferguson nghi ngờ bản thân trong những năm tháng chật vật đó không?

    “Khi đội bóng thua liên tục và NHM giơ lên biểu ngữ: ‘Ba năm chỉ toàn lời bào chữa và mọi thứ vẫn tệ hại. Cút đi Fergie’, bạn sẽ phải nhìn lại chính mình. Các buổi tập vẫn ổn, tôi vẫn tương tác tốt với các cầu thủ. Chủ tịch CLB vẫn ủng hộ tôi. Huyền thoại Bobby Charlton thường xuống sân và nói với tôi rằng: Đừng quá lo lắng, cậu sẽ làm được.

    Tôi vẫn được rất nhiều người ủng hộ nhưng cánh báo chí thì chỉ muốn dìm tôi xuống. Ví dụ như có một gã nhà báo khó ưa làm việc cho tờ Sunday People. Chúng tôi vừa vô địch FA Cup năm 1990, vậy mà hắn viết thế này: ‘Ông đã chứng minh là mình có thể giành được một chiếc cúp. Giờ thì biến về Scotland đi’.

    Đừng bao giờ quá chú ý đến giới truyền thông. Một số người trong số họ gọi tôi là một thiên tài vĩ đại. Tôi cũng không thèm quan tâm.

    Tôi nhớ trận đấu đầu tiên của tôi trên sân khách với tư cách là HLV, năm 1974, khi còn dẫn dắt East Stirlingshire. Chúng tôi đã bị Albion Rovers đánh bại 2-5. Tôi về nhà vào tối hôm đó và tự nhủ: Nếu không rèn giũa cho các cầu thủ tinh thần cứng rắn, mình sẽ không bao giờ có thể trở thành một HLV hàng đầu. Tôi luôn cố gắng giúp họ có được trạng thái tâm lý cao nhất.

    Tôi đã rất may mắn. Aberdeen có một số cầu thủ mạnh mẽ. Còn ở Man United, tất cả các cầu thủ đều là chiến binh. Ronaldo khỏi phải nói nhiều, tinh thần chính là yếu tố tiên quyết giúp cậu ấy thành công.

    Người đóng vai trò quan trọng trong quá trình này là Eric Harrison, HLV đội trẻ của Man United, người đã khiến cho các học trò trở nên rắn rỏi hơn. Ông luôn nói với các cầu thủ trẻ như sau: Nếu không có tinh thần mạnh mẽ, không bao giờ bạn có thể đá cho đội một”.

    Nhưng khi được hỏi về trận đấu kinh điển năm 1999, khi Man United ghi 2 bàn trong 3 phút cuối cùng để đánh bại Bayern Munich 2-1 và giành Cúp Bạc Champions League danh giá, Alex đã nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng Man United có cơ hội. Tôi đã nghĩ về thất bại và sau đó sẽ động viên các cầu thủ ra sao. Nhưng rồi, chính chúng tôi mới là những nhà vô địch”.

    Mùa giải 1998/99 là quả ngọt của Sir Alex trong suốt quá trình huấn luyện trước đó cùng MU

    Phần xúc động nhất của bộ phim là khi Alex đọc bức thư ông viết trong bệnh viện cho Cathy, người vợ đã chia ngọt sẻ bùi cùng ông suốt 55 năm. Đó là một bức thư đầy lòng biết ơn ông dành cho vợ mình và bày tỏ một chút hối tiếc vì ông đã phải dành quá nhiều thời gian cho công việc.

    “Thực sự đó là một lời cảm ơn, bởi vì, ở giai đoạn đó, tôi vẫn không chắc mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, tôi sẽ sống hay chết”. Jason quay lại cảnh cuối cùng trong phim, sau khi Man United vừa đánh bại Bayern: “Trong vòng 30 giây kể từ khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, bố tôi ngước nhìn lên. Bố đang tìm mẹ tôi”.

    “Tôi chỉ xem bộ phim khi nó đã hoàn thành. Tôi chưa bao giờ tham gia vào quá trình thực hiện nó. Nhưng khi xem nó lần đầu tiên, tôi đã khóc. Nó rất xúc động và tôi nghĩ Jason đã làm một công việc tuyệt vời”, Alex Ferguson nói về bộ phim của con trai mình.

    - Bộ phim có khiến ông cảm thấy tự hào vì tất cả những gì mình đã làm với tư cách một nhà quản lý?

    - Chắc chắn rồi. Nó khiến tôi nhìn lại mọi thứ đã trải qua và suy ngẫm: Chúa ơi, tôi đã có một hành trình thật tuyệt. Tôi thật may mắn. Tôi đến Aberdeen đúng thời điểm, khi còn là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, năng động và hiểu cần phải làm gì để biến Aberdeen thành một đội bóng lớn.

    Họ phải lật đổ Rangers và Celtic. Thử thách rất đơn giản. Đánh bại hai đội bóng để giành được mọi thứ ở Scotland. Với Man United là phải hạ gục Liverpool. Hai đội bóng, hai thử thách, một ở Scotland, một ở Anh, vậy thôi. Và đó là những gì tạo nên sự nghiệp của tôi.

    Sir Alex gặt hái rất nhiều danh hiệu trong sự nghiệp

    KHÔI NGUYÊN (dịch) • 09:20 ngày 25/05/2021

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay