Khi mới bắt đầu sự nghiệp cầm quân, Pep Guardiola chỉ sử dụng 1 tiền vệ trụ. Cụ thể, trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3 mà ông áp dụng ở Barca, Sergio Busquets là người được chiến lược gia người Tây Ban Nha lựa chọn và đặt niềm tin.
Đến khi chuyển sang dẫn dắt Bayern Munich, Pep Guardiola đẩy hậu vệ Joshua Kimmich lên đá tiền vệ trung tâm. Đó có thể xem là một phát kiến. Tuyển thủ Đức đã thi đấu rất thành công trong vai trò mới mẻ này.
Nhận thấy bóng đá ngày càng phát triển về chiến thuật và 1 tiền vệ trụ kiểu như Busquets ở Barca là không đáp ứng được yêu cầu, Pep bố trí Bastian Schweinsteiger hỗ trợ Kimmich “dọn dẹp” ở khu vực giữa sân. Bayern Munich khi đó chuyển sang thi đấu với 1 tiền vệ trụ rưỡi.
Tiếp tục, ở Man City mùa trước, Pep Guardiola chọn Rodri đá tiền vệ trụ. Trên thực tế, trong gần nửa đầu của mùa giải, Man Xanh chỉ có duy nhất ngôi sao người Tây Ban Nha “càn quét” ở tuyến giữa. Nhưng sau đó, Guardiola tiếp tục có thêm phát kiến. Ông đẩy trung vệ John Stones lên đá tiền vệ trung tâm.
Một lần nữa, trong hệ thống chiến thuật của Pep Guardiola, người ta lại thấy sự tồn tại của một tiền vệ trụ rưỡi trong đội hình. Stones hỗ trợ rất tốt Rodri cả trong vai trò tranh cướp và phân phối bóng, vừa xuất sắc khi lùi về phần sân nhà làm nhiệm vụ phòng ngự. Không hề quá lời nếu nói rằng, việc đẩy Stones lên đá tiền vệ là quyết định mang tính bước ngoặt của Pep, tạo tiền đề cho “cú ăn ba” vĩ đại của Man City ở mùa giải 2022/23.
Bộ óc kỳ tài của Pep Guardiola cũng biến những hậu vệ cánh trong đội hình thành những ngôi sao đa năng. Từ việc sử dụng những hậu vệ cánh thuần như Dani Alves hay Joao Cancelo, ông để họ phát triển thành hậu vệ cánh lai tiền vệ. Đó là những ngôi sao như Philipp Lahm hay David Alaba, Oleksandr Zinchenko hay Kyle Walker – những người khi cần sẵn sàng bó vào khu trung tuyến để hỗ trợ các tiền vệ trung tâm làm nhiệm vụ tranh cướp bóng và phát triển tấn công.
Ngay cả trong cách khai thác sử dụng các tiền đạo cũng vậy, Pep Guardiola không bao giờ cho phép các học trò hài lòng với một vị trí thi đấu. Erling Haaland ở mùa trước là ví dụ điển hình. Khi mới đến Man City, chân sút người Na Uy gần như chỉ hợp với duy nhất vai trò đá cắm. Anh từng khiến Pep Guardiola lắc đầu ngao ngán, thậm chí từng có giai đoạn thay đổi cả hệ thống thi đấu của đội bóng thành Manchester để chạy theo lối chơi của Haaland.
Nhưng cùng với thời gian, Pep đã đào tạo Haaland thành một trung phong hiện đại thi đấu rất toàn diện. Chân sút người Na Uy hoạt động rộng hơn, sẵn sàng đá giãn biên, và khi cần thiết cũng sẵn sàng lùi sâu để tranh cướp bóng và kiến tạo bóng cho đồng đội. Thống kê cho thấy, ở mùa giải 2022/23, Haaland có tới 9 đường chuyền thành bàn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, với Pep Guardiola, bắt bộ óc phải liên tục tư duy và thay đổi là cách duy nhất để tồn tại và thích nghi với sự thay đổi của thời cuộc.
Đây là bài viết thuộc Big Stories “Vì sao Pep có nhiều 'đệ tử' là HLV giỏi, còn Sir Alex thì không?”
Quý độc giả có thể xem thêm các bài khác thuộc Big Stories này tại link sau: https://bongdaplus.vn/bong-da-the-gioi/big-story-vi-sao-pep-guardiola-co-nhieu-de-tu-la-hlv-gioi-con-sir-alex-thi-khong-4073742308.html