Stamford Bridge, mồ chôn những số 9
“Lịch sử chỉ ra những số 9 thường gặp khó ở Chelsea. Đây là nơi không dễ dàng cho những tiền đạo toả sáng”, Thomas Tuchel nói sau màn thể hiện của Romelu Lukaku trong trận đấu với Crystal Palace tại Premier League mùa trước, khi tiền đạo người Bỉ chỉ chạm bóng vỏn vẹn… 7 lần cả trận. Kể từ sau đó, vị trí của Lukaku thường xuyên là ghế dự bị.
Mùa Hè năm ngoái, Lukaku đã trở lại Chelsea với giá chuyển nhượng 97,5 triệu bảng, là bản hợp đồng kỷ lục của The Blues. Kỳ vọng là rất lớn, nhưng chỉ 11 tháng sau, Chelsea buộc phải để Lukaku quay lại Inter và đó là sự thừa nhận thất bại của đội chủ sân Stamford Bridge ở thương vụ này. Một trong những số 9 được ca ngợi là hay nhất thế giới thời điểm Hè năm ngoái, người đã ghi 64 bàn sau 95 trận trong 2 mùa ở Serie A, đã phải rời The Blues với vỏn vẹn 15 bàn thắng, cùng với đó là bài trả lời phỏng vấn gây bão trên Sky Sports Italia vào tháng 12/2021. Tóm lại, Lukaku là thương vụ thất bại toàn diện của Chelsea.
Nhìn lại lịch sử mới thấy The Blues không phải mảnh đất lành cho những số 9. Bởi Lukaku không phải trung phong đầu tiên tới Stamford Bridge và trở thành nỗi thất vọng. Trong 2 thập kỷ qua, rất nhiều số 9 tài danh khác đã chôn vùi sự nghiệp tại miền đất dữ này.
Fernando Torres là một ví dụ. Ngôi sao người Tây Ban Nha từng là một trong những tiền đạo hàng đầu ở Premier League khi đá cho Liverpool. Nhưng khi sang Chelsea, El Nino chỉ ghi được 45 bàn sau 171 trận. Andriy Shevchenko cũng vậy. Người từng giành Quả bóng vàng ở Milan được đích thân chủ cũ Roman Abramovich đưa về The Blues. Nhưng Sheva không bao giờ thể hiện được phong độ bùng nổ như tại Milan. Anh chỉ ghi 22 bàn trong 77 trận ở Chelsea.
Rồi Alvaro Morata cũng là cái tên lớn khác gây thất vọng với chỉ 24 bàn/72 trận. Còn rất nhiều những tiền đạo khác nữa trở thành thảm hoạ chuyển nhượng như Gonzalo Higuain (5 bàn/18 trận), Radamel Falcao (1 bàn/12 trận)… Olivier Giroud không đáng bị coi là thương vụ thất bại, nhưng tiền đạo người Pháp cũng chỉ có 17 bàn/75 trận cho Chelsea và về cơ bản cũng không đáp ứng được kỳ vọng.
Gần 20 năm qua, chỉ có Didier Drogba và Diego Costa là những số 9 có thành công ở Stamford Bridge. Và chừng đó là quá ít nếu biết rằng Chelsea đã đầu tư không tiếc tay để mang về rất nhiều trung phong có số má.
Hệ thống và lối chơi khiến các số 9 thất bại?
Tới đây, câu hỏi đặt ra là vì sao các số 9 lại thường thất bại ở Chelsea? Có nhiều lý do dẫn tới điều này. Ví dụ như Shevchenko không tỏa sáng được ở The Blues là do cầu thủ này dính chấn thương liên miên và những năm tháng đỉnh cao đã cống hiến hết cho Milan. Trường hợp của Morata lại là vấn đề tâm lý. Tiền đạo này đã có khởi đầu không tệ ở Stamford Bridge, nhưng cái chết của người bạn thân đã khiến một người từng suýt phải điều trị trầm cảm, yếu đuối về tâm lý như Morata đánh mất phong độ từ đầu năm 2018.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất dẫn tới các số 9 thất bại ở Chelsea ngày càng nhiều những năm gần đây nằm ở vấn đề hệ thống và lối chơi. Maurizio Sarri rồi Thomas Tuchel đều là những HLV theo trường phái pressing, kiểm soát bóng, thực hiện rất nhiều đường chuyền ngang dọc sân. Trong cách chơi này, những tiền đạo cánh hoặc số 9 ảo, hoặc thậm chí là wing-back (như Reece James, Ben Chiwell) được tạo ra môi trường phù hợp để tỏa sáng hơn là số 9.
Hãy so sánh Kai Havertz và Lukaku là thấy rõ. Tiền đạo người Đức đã vượt mặt Lukaku để trở thành số 9 yêu thích trong nửa sau mùa 2021/22 nhờ anh đóng góp vào lối chơi tích cực hơn khi vừa có thể đá trung phong, vừa sẵn sàng chơi số 9 ảo. Số đường chuyền trung bình/trận của Lukaku ở Premier League là 17,47 trong khi con số tương tự của Havertz cao hơn rất nhiều, lên tới 32,98.
Tại Inter, Lukaku được sự hỗ trợ của Lautaro Martinez trong sơ đồ 3-5-2. Anh không phải chơi xoay lưng với khung thành, được phát huy sở trường là những pha bứt tốc rồi dứt điểm. Còn tại Chelsea, Lukaku được hỗ trợ bởi 2 tiền vệ công phía sau nên không gian chơi bóng cũng bị co hẹp. Ngoài ra, Lukaku cũng được Tuchel yêu cầu chơi tựa lưng hậu vệ đối thủ để làm bóng 2. Tóm lại, hệ thống của Inter đặt Lukaku vào trung tâm lối chơi hơn là hệ thống của Tuchel tại Chelsea.
Xin nhắc lại, lối chơi The Blues những năm gần đây tạo điều kiện cho tiền đạo cánh tỏa sáng và đó là lý do vì sao Eden Hazard dù đã rời Chelsea 3 năm nhưng tới giờ vẫn là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho họ tại Premier League tính từ mùa 2017/18, với 28 bàn.
Chelsea chơi tốt hơn với Havertz đá số 9
Các số liệu đều đang chỉ ra The Blues khi Havertz đá số 9 chơi tấn công hiệu quả hơn khi Lukaku đá số 9. Họ ghi bàn nhiều bàn hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn, sút nhiều hơn.
CHELSEA VỚI LUKAKU VÀ HAVERZ ĐÁ SỐ 9 Ở PREMIER LEAGUE 2021/22
24 - Sau Eden Hazard thì người ghi bàn nhiều nhất cho Chelsea tại Premier League tính từ mùa 2017/18 tới nay là Mason Mount với 24 bàn, cũng là một tiền vệ công.