Bóng bàn đến Trung Quốc thế nào?
Bóng bàn đối với Trung Quốc được thế giới ví von là “Vạn lý trường thành trong thể thao”, nhờ tính phổ biến và sự thống trị. Trong 3 kỳ Olympic gần nhất, các VĐV Trung Quốc đã giành toàn bộ các HCV bóng bàn. 4 năm trước tại Olympic Bắc Kinh, thậm chí toàn bộ các huy chương bóng bàn đều thuộc về nước chủ nhà.
Sự thống trị của Trung Quốc khiến nhiều người lầm tưởng bóng bàn là môn thể thao khởi nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế thì bóng bàn lại là phát minh của người Anh từ thế kỷ 19. Mục đích ra đời của nó là để “các tầng lớp thượng lưu có một môn giải trí sau bữa tối”.
Phải mãi tới đầu thế kỷ 20, một chủ cửa hàng tạp hóa tại Thượng Hải mới mang môn thể thao này về Trung Quốc. Theo một số tài liệu thì ông này đã mang bóng bàn về Trung Quốc từ Nhật Bản. Đến năm 1916, chiếc bàn thi đấu tiêu chuẩn đầu tiên xuất hiện tại Thượng Hải. Vào thời điểm đó, cũng giống như Anh, bóng bàn chỉ dành cho giới thượng lưu tại Trung Quốc.
Môn thể thao này bắt đầu mở rộng được tầm bao phủ của nó vào những năm 1930 và điểm khởi phát cho sự bùng nổ ấy lại là từ những trại lính. Trong cuốn sách “Red Star Over China” của Edgar Snow, tác giả người Mỹ miêu tả lại những trận bóng bàn diễn ra giữa binh lính tại các doanh trại quân đội.
29 năm sau khi bóng bàn len lỏi vào các doanh trại quân đội, nó chính thức trở thành một niềm tự hào trong một cộng đồng nhỏ người Trung Quốc, sau khi tay vợt Rong Guotuan trở thành nhà vô địch thế giới vào năm 1959. Dù là người đầu tiên mang vinh quang về cho bóng bàn Trung Quốc trên trường thế giới, nhưng tên tuổi của Rong Guotuan ít khi được nhắc tới. Bởi cuộc cách mạng văn hóa (1966 - 1976) đã kết thúc sự nghiệp của Rong.
Dùng bóng bàn để… ngoại giao
Bóng bàn không chỉ mang tới cho Trung Quốc những vinh quang ở sân chơi thế giới, nó thậm chí còn được lựa chọn để cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia vào thập niên 70. Trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu giữa Trung Quốc và Liên Xô, và sự căng thẳng trong mối quan hệ Washington – Moscow, Trung Quốc đã sử dụng bóng bàn cực kỳ hiệu quả để xoa dịu sự căng thẳng.
Theo lời mời của Trung Quốc, 15 tay vợt bóng bàn Mỹ đã đến Trung Quốc vào ngày 10/4/1971 – chuyến đi đánh dấu sự khởi đầu của quá trình “tan băng” trong quan hệ giữa 2 quốc gia này. Tiếp theo đó là chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger và cuối cùng là sự có mặt của tổng thống Richard Nixon vào năm 1972.
Tuy nhiên, cũng phải chờ đến năm 1988, bóng bàn mới thật sự bùng nổ và trở thành môn thể thao số 1 tại Trung Quốc. Năm đó, đoàn thể thao Trung Quốc tham dự Olympic Seoul và giành được 5 HCV. 2 trong số 5 HCV quý giá đó thuộc về bóng bàn.
Kể từ đó, bóng bàn len lỏi vào từng gia đình Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới từng bị chỉ trích vì căn bệnh thành tích, khi ép rất nhiều VĐV còn quá trẻ phải hành xác để đổi lấy thành tích trong tương lai. Tuy nhiên, bóng bàn được người Trung Quốc yêu mến vì nó rất dễ tập, dễ tiếp cận và cũng dễ kiếm ra tiền.
Huyền thoại bóng bàn Trung Quốc Deng Yaping – tay vợt giành được nhiều chức vô địch hơn bất kỳ VĐV thể thao nào ở Trung Quốc (4 HCV Olympic và 18 lần vô địch thế giới) cho biết, cô chỉ đơn thuần là tập luyện như những người bình thường khác để trở nên vĩ đại. Các tay vợt bóng bàn Trung Quốc ngày càng trở thành thần tượng của nhiều người. Trong một bài kiểm tra văn năm 2008, một học sinh Trung Quốc thậm chí đã miêu tả lại cảnh tượng tay vợt Go Ma Lin bước đi trong tiếng hò reo của hàng nghìn fan và mơ ước trở thành tay vợt bóng bàn.
Lùi giải bóng bàn VĐTG Juan Liu đại diện cho ĐT Mỹ |
XEM THÊM
Việt Nam, ông lớn mới nổi của làng eSports