Cựu tuyển thủ Bơi Lội Võ Trần Trường An: Chạm tay vào nỗi nhớ

Đỗ Tuấn
13:07 ngày 04-01-2022
Võ Trần Trường An là cái tên lẫy lừng của làng bơi Việt Nam những năm 90 thế kỷ trước. Dẫu xuất hiện không lâu, nhưng Trường An là “kình ngư” nữ để lại những dấu ấn đậm nét cho thể thao Việt Nam suốt một thời gian dài.
Cựu tuyển thủ Bơi Lội Võ Trần Trường An: Chạm tay vào nỗi nhớ

Sau “kình ngư” Nguyễn Thị Kiều Oanh thì Võ Trần Trường An là cái tên khiến tất cả những ai yêu mến bộ môn bơi của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đều phải nhớ đến. 

Còn nhớ, tại giải bơi VĐQG 1992 ở hồ bơi Yết Kiêu (TP.HCM) đã xuất hiện một tay bơi nữ mới 11 tuổi, nhưng thành tích rất ấn tượng khi chỉ chịu thua đàn chị Kiều Oanh ở các nội dung bơi tự do và bơi bướm, còn lại cô chẳng thua kém ai và đó là “kình ngư” Võ Trần Trường An. Ấn tượng với các khán giả là một Trường An bé xíu, tóc cắt ngắn như con trai và đen nhẻm, nhưng bơi tốc độ đúng là… hú hồn. Cũng sau giải VĐQG năm ấy, Trường An được gọi vào đội tuyển bơi Việt Nam và là tuyển thủ nhỏ tuổi nhất cùng các đàn anh đàn chị như Trương Hải Phong, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Thị Phương…

Hồi ấy, dẫu đội tuyển bơi Việt Nam cũng có những chuyến tập huấn ngắn hạn tại nước ngoài, nhưng thành tích vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, dẫu có “làm trùm” ở các giải trong nước, Trường An và đồng đội vẫn chưa thể tranh đoạt huy chương ở SEA Games. Đại hội thể thao lớn nhất mà Trường An và đoàn thể thao Việt Nam được góp mặt là Olympic Atlanta 1996 tại Mỹ. 

Nhớ năm đó, thể thao Việt Nam vẫn bị xếp trong dạng kém phát triển, nên hầu hết những người được góp mặt tại Thế vận hội đều theo suất đặc cách. Vì vậy ở Olympic 1996, đội tuyển bơi Việt Nam có 2 tuyển thủ góp mặt là Trương Ngọc Tuấn và Võ Trần Trường An. Lúc ấy Trường An mới 15 tuổi và cô là tuyển thủ nhỏ tuổi nhất của thể thao Việt Nam có mặt ở một kỳ thế vận hội cho đến tận bây giờ…

Cuối năm ngoái, gặp lại nhau, hỏi lý do nào Trường An chia tay đội tuyển bơi sớm như thế (1998)? Trường An cho biết do bất đồng với một HLV bơi của ĐTQG nên khi ông này lên nắm đội là cô xách va-li về nhà luôn dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Sau đó, Trường An còn tiếp tục thi đấu cho đơn vị TP.HCM thêm một mùa giải và cuối năm 1999 cô chính thức nói lời chia tay “đường đua xanh” trong sự tiếc nuối của rất nhiều người thuộc giới chuyên môn.

“Kình ngư” Trường An (khoanh tròn) trong ĐT bơi Việt Nam những năm 90 thế kỷ trước

Về phụ gia đình buôn bán ở chợ Bến Thành, nhưng thực sự đấy không phải ý nguyện của Trường An. Cô chia sẻ: “Thời đó, nghề VĐV rất vất vả và hầu hết là gia đình phải hỗ trợ rất nhiều bọn em mới có thể theo đuổi được đam mê, nên em quyết định chia tay để về nhà phụ cha mẹ trong công việc. Tuy nhiên, buôn bán ở chợ thực sự không phải là môi trường và sở thích của em. Đến năm 2015, lúc cha mẹ lớn tuổi, em đã đề nghị mẹ nhượng lại sạp để nghỉ ngơi, còn em được theo đuổi công việc yêu thích”.

Công việc yêu thích của Trường An là cuối tuần tham gia các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở những mái ấm tình thương. Bên cạnh đó, cô duy trì hoạt động của nhóm thiện nguyện “Gia đình tâm thiện bụi đời” do chính cha mẹ thành lập từ những năm 90. Hàng năm, nhóm thiện nguyện của Trường An vẫn luôn tổ chức các đợt cứu trợ các tỉnh bị bão lụt, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô cùng mọi người lại chung tay với những người dân TP.HCM hỗ trợ những mảnh đời khốn khó. 

Trường An bày tỏ: “Lâu nay, em và mọi người vẫn nối tiếp để duy trì hoạt động của “Gia đình tâm thiện bụi đời”. Ngoài việc đó là nhóm thiện nguyện của cha mẹ thành lập, việc làm thiện nguyện khiến em cảm thấy vui và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, việc dạy các lớp bơi miễn phí cũng là cách giúp em gắn kết với những đồng đội cũ và để nhớ về một thời đã qua”.

Vài ngày trước, ngồi cùng Trường An và cựu tuyển thủ Phương Trang của nội dung bơi bướm tại một quán nhỏ ở TP.HCM, chúng tôi đã có quá nhiều kỷ niệm để ôn lại cùng nhau về một thời đã xa của chính mình và của bơi lội Việt Nam. Khi ấy, tất cả đều thừa nhận những ngày tháng cũ dẫu có rất khó khăn, nhưng vẫn là kỷ niệm đẹp nhất chẳng ai có thể quên. Hôm ấy, tôi hỏi Trường An rằng nếu hiện giờ em vẫn còn theo nghiệp thể thao thì sao nhỉ? Trường An đã cho biết: “Nếu vẫn còn theo nghiệp thể thao, có lẽ em sẽ là một HLV, nhưng em đã bỏ nghề hơn 20 năm rồi. Dẫu như thế, những ngày tháng của đời VĐV luôn là thời điểm đẹp nhất trong cuộc đời và em sẽ không bao giờ quên được”.

Có những người đã chia tay sự nghiệp thể thao đỉnh cao từ lâu, rất lâu rồi, nhưng trong tim họ vẫn là những ký ức không phai và mỗi khi chạm tay vào lại thấy đâu đó những nỗi nhớ.

Chẳng còn bao nhiêu kỷ niệm cũ
Trong sự nghiệp VĐV, Võ Trần Trường An đã đoạt rất nhiều huy chương các loại tại các giải đấu trong nước, nhưng cô chẳng còn giữ được bao nhiêu cho riêng mình. Trường An cho biết, ngoài một ít tặng cho phòng truyền thống của Liên đoàn bơi lội TP.HCM, việc sửa nhà cũng khiến cô thất lạc rất nhiều huy chương. “Ngày xưa huy chương của bọn em đoạt được tại các giải VĐQG toàn là huy chương hàng chợ được mạ vàng hoặc sơn bạc rất xấu, nên thực sự cũng không mấy người để ý mà lưu lại”, Trường An bày tỏ rất thẳng thắn.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x