Tình yêu vượt khoảng cách
Lần đầu tiên Maradona chứng kiến Jordan thi đấu qua sóng truyền hình, ông đã luôn muốn gặp vua bóng rổ. Đó là một ngày mùa Hè 1992, lúc Maradona đang ở Sevilla chấp hành án phạt vì dùng doping. Buồn tủi phải “bó gối” tù túng trong khi các đồng đội tung hoành trên sân cỏ, Maradona chỉ biết mở ti vi giết thời gian.
Từ bên kia bờ Đại Tây Dương, Jordan cùng ĐT bóng rổ Mỹ đặt chân đến Barcelona với sứ mệnh thống trị môn bóng rổ Olympic. Một nhiệm vụ không thể khác với những người gánh trên mình niềm tự hào là quốc gia khai sinh môn bóng rổ. Cao lớn và mạnh mẽ, Jordan khiến Maradona phải mê mệt với những đường bóng của ông.
“Kỳ World Cup tới, tôi sẽ khiến cậu ta phải háo hức đến gặp mình”, Maradona quả quyết nói với những người thân về dự định kết giao với Jordan. Ông đã thực hiện thành công một nửa dự định: ĐT Argentina giành vé đến Mỹ dự World Cup và Maradona là đội trưởng. Nhưng rốt cuộc, tất cả chỉ là một kế hoạch dở dang.
Một lần nữa, Maradona dính vào đại án sử dụng doping và ông vĩnh viễn không bao giờ trở lại đấu trường bóng đá đỉnh cao được nữa. Đó thực sự là một điều đáng tiếc với Maradona, không chỉ ở trên phương diện thể thao. Vướng phải bê bối tại Mỹ đồng nghĩa với việc ông không thể gặp Jordan, người mà ông ngưỡng mộ hơn cả những vĩ nhân từng gặp trong quá khứ.
Dính vào doping cũng có nghĩa là cánh cửa trở lại xứ cờ hoa đóng sập. Khắp các bang ở Mỹ thống nhất không cho Maradona nhập cảnh vì ông là đại diện cho ma túy – kẻ thù lớn nhất của quốc gia này. Mọi đề nghị xin thị thực vào Mỹ của Cậu bé vàng sau đó đều bị từ chối. Điều duy nhất Maradona có thể làm là nghĩ về nước Mỹ từ khoảng cách vài trăm km mỗi lần tới Cuba nằm điều trị. Nói tới Cuba, cũng phải nhắc lại lãnh tụ Fidel Castro luôn đón tiếp Maradona như một người bạn tri kỷ, và cũng là người cứu ông khỏi lưỡi hái Tử thần hồi năm 2000.
Hoàn thành giấc mơ
Trong danh sách những người bạn thân thiết của Maradona, không ít nhân vật là nguyên thủ quốc gia. George Bush “con” và Barack Obama đều niềm nở tiếp đón Cậu bé vàng, nhưng những cuộc gặp mặt đó đều diễn ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Rốt cục phải mất đến 20 năm kể từ ngày bước vào đường hầm và không còn xuất hiện ở World Cup, Maradona mới được đặt chân đến xứ cờ hoa. Lý do nước Mỹ chấp nhận visa của ông cũng mang đậm chất ngẫu hứng.
“Cháu trai tôi muốn đến Disneyland, nên tôi phải đi cùng chứ chả nhẽ để nó đi một mình ư? Hãy cho tôi cơ hội để trở thành người ông, người cha trong gia đình”, Maradona “cầu cứu” trên tờ Clarin. Cậu bé Benjamin cuối cùng đã biến giấc mơ của ông trở thành hiện thực. Thực ra ban đầu chính phủ Mỹ đã từ chối đề nghị của Maradona, nhưng bằng cách nào đó, yêu cầu này cuối cùng cũng được chấp thuận. Quả thực, không ai ngoài Maradona có thể làm được điều đó.
Nhưng với một quốc gia nổi tiếng thực dụng như Mỹ, mọi thứ đều diễn ra trên nguyên tắc có đi có lại. Maradona không chỉ đến Mỹ đưa cháu đi chơi, mà còn kín lịch tham dự các hội nghị và diễn thuyết. Một trong những nơi có vinh dự tiếp đón Maradona là Đại học Harvard. Tất nhiên, ông không thể bỏ qua cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với thần tượng cuộc đời là Michael Jordan.
Khách sạn Bốn Mùa tại thành phố Boston là địa điểm gặp gỡ. Cả hai phải dùng nhà bếp khách sạn để trò chuyện vì không muốn những gì họ chia sẻ với nhau bị phơi trên mặt báo. Tiết lộ duy nhất từ ông vua bóng rổ chỉ là ngay cả ông cũng muốn gặp Maradona từ lâu nhưng không có cơ hội. Jordan thậm chí còn nghĩ đến chuyện bí mật bay sang Argentina gặp tri kỷ, dù điều đó chưa bao giờ được thực hiện.
Maradona đã giữ kín nội dung cuộc trò chuyện với Jordan cho đến khi cuối đời và hẳn Jordan cũng sẽ làm điều tương tự. Điều ấn tượng duy nhất trong cuộc hội ngộ giữa họ, theo một số trợ lý tin cẩn chứng kiến, là việc Maradona đã cầm một cái tẩu thuốc ném thẳng vào Jordan. Một hành động đúng chất “điên” của Maradona.
Thần tượng Federer
Ngoài bóng rổ, Maradona còn rất yêu thích quần vợt. Cũng giống như phần lớn NHM tennis vốn say mê lối đánh tấn công duy mỹ, thần tượng của ông là Roger Federer. Cậu bé vàng từng dành những lời tốt đẹp nhất dành cho Tàu tốc hành: “Chào bậc thầy quần vợt, cỗ máy đánh bóng, như cách mà tôi vẫn thích gọi cậu. Cậu đã, đang, và sẽ luôn là tay vợt vĩ đại nhất. Không một ai thi đấu như cậu cả. Nếu có điều gì không ổn trong cuộc sống, đừng ngại nhờ tôi giúp đỡ”.
Dàn sao quần vợt gửi lời tạm biệt Maradona
Một trong những tay vợt đầu tiên lên tiếng trước sự ra đi của Maradona là người đồng hương Juan Martin del Potro. Anh viết: “Tôi cảm thấy dường như ông đã trở lại nơi ông vốn thuộc về. Đó là thiên đường. Với tôi, ông luôn sống mãi. Yên nghỉ nhé”. Tay vợt số 9 thế giới Diego Schwartzman còn “bật mí” một chi tiết thú vị: cái tên của anh được cha mẹ đặt cho vì họ ngưỡng mộ Maradona. Nadal cũng nói di sản bóng đá Maradona để lại sẽ sống mãi.