Bóng Đá Plus trên MXH

Huyền thoại cầu lông Peter Gade: 'Văn hóa & truyền thống là quan trọng'
10:19 ngày 22/06/2020
Chưa bao giờ cựu danh thủ Peter Gade có ý nghĩ, rằng cầu lông Đan Mạch không có đối thủ. Vậy mà qua bao đời nay, Đan Mạch vẫn luôn là một cường quốc cầu lông thế giới. Theo Gade, nguyên nhân quan trọng nằm ở văn hóa và truyền thống của cầu lông Đan Mạch.

    Tài năng, sự khổ luyện, đam mê, khoa học kỹ thuật. Đâu là yếu tố quan trọng nhất để vươn đến thành công? Người ta hỏi Peter Gade như thế, và tay vợt Đan Mạch từng giữ vị trí số 1 thế giới lập tức bỏ qua yếu tố...khoa học kỹ thuật. Gade khẳng định: cầu lông hiện thua rất xa so với nhiều môn thể thao khác trong việc vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu phân tích, nghiên cứu, huấn luyện. Hoặc nội trong môn cầu lông thì Đan Mạch có thể thua xa nước khác như Mỹ về mặt công nghệ.

    Sự khổ luyện là miễn bàn, hiển nhiên rồi. Ngoài ra, phải có truyền thống, có hẳn một nền văn hóa cầu lông. Nhờ vào điều này, bạn mới có đủ niềm đam mê và những chiến lược dài hơi trong việc phát triển cầu lông. Gade nói về kinh nghiệm cụ thể của bản thân: “Càng làm việc với nhiều VĐV khác nhau, tôi càng thấy rằng thật ra thì không có quy luật hay khuôn khổ cụ thể nào. Có rất nhiều trường hợp riêng biệt, hoàn toàn khác nhau”. Nhưng vì sao rút cuộc thì thế giới cầu lông... vẫn chỉ như thế? Vì sao không có nhiều cường quốc mới xuất hiện trong môn thể thao khá lâu đời này? Có lẽ đấy là vì người ta còn thiếu tầm nhìn dài hơi, hoặc không thật sự đam mê do thiếu truyền thống.

    Suốt khoảng chục năm, Peter Gade hầu như không hề thất bại, trước mọi đối thủ châu Âu. Nhưng đấy không phải là ngôi sao cầu lông duy nhất của Đan Mạch. Cùng thời với Gade còn có Peter Rasmussen, không hề thua sút về danh tiếng. Trước họ là Poul-Erik Hoyer-Larsen, Morten Frost... Sau họ, vẫn có Viktor Axelsen, Anders Antonsen nổi lên trong thế hệ mới nhất. Đấy chính là vấn đề truyền thống. Không riêng gì giới hâm mộ, mà điều quan trọng là chính các VĐV trẻ luôn có những cột mốc cụ thể để họ noi theo, hướng đến. Đấy lại là cái thiếu quan trọng đối với nhiều nơi giàu mạnh, có tiềm năng và tương lai đáng kể, nhưng không vươn lên được trong môn cầu lông.

    Khi Gade bình luận rằng Pháp có tiềm năng lớn, và sẽ đến một lúc nào đó cầu lông Pháp thật sự cất cánh, thì đấy chẳng qua chỉ là cách nói lịch sự: nước Pháp chưa phải là cường quốc cầu lông do chưa có truyền thống đáng kể trong môn này?

    Peter Gade đúc kết cầu lông Đan Mạch vẫn rất mạnh là do có chiến lược dài hơi qua các thế hệ

    Làm sao để nhìn ra tiềm năng của một tay vợt trẻ? Cách của Gade là nhìn vào ánh mắt của tay vợt ấy, khi cậu ta đứng trước hoàn cảnh khó khăn. Kinh nghiệm chung, muốn nói là “bí quyết” cũng được: xuất phát điểm càng khó khăn, càng dễ trui rèn một tay vợt giỏi sau này. Đấy không nhất thiết cứ phải là hoàn cảnh nghèo khổ, khiến nhân vật trong cuộc phải chống chọi với cuộc sống khó khăn ngay từ những năm tháng đầu đời, để vươn lên. Khó khăn còn có thể là một hoàn cảnh, môi trường... hùng mạnh về cầu lông. Tay vợt trong cuộc đã phải thường xuyên đương đầu với những tay vợt lớn tuổi hơn, già dặn hơn, khi còn ở độ tuổi thật trẻ. Các tay vợt trẻ vươn lên trong hoàn cảnh như vậy thường có ý chí, tinh thần thi đấu rất quật khởi, và đấy chính là đặc điểm quan trọng dẫn đến những thành công sau này.

    Người ta từng xếp Peter Gade chung nhóm với các tay vợt hàng đầu thế giới torng thời gian gần đây, như Lin Dan (Trung Quốc), Taufik Hidayat (Indonesia), Lee Chong Wei (Malaysia). Một mặt, Gade khẳng định Lin Dan là đối thủ sừng sỏ nhất mà anh từng đương đầu, dù nói chung thì Gade luôn thích so tài với mọi tay vợt vừa nêu. Mặt khác, dù thành công đến mức độ nào đi nữa, thì cũng chẳng ai thoát được quy luật tự nhiên là sẽ đến lúc phải dừng lại. Gade nói: “Tôi không thể bàn về chuyện của các tay vợt khác. Phần mình, tôi có cảm giác rằng đã làm hết những gì phải làm. Tôi nghe được cả cơ thể lẫn tâm trí mình, nói rằng “đã đến lúc nghỉ ngơi”. Thế là tôi nghỉ. Sẽ là điều tuyệt vời nhất, khi bạn dừng lại mà không có chút nuối tiếc nào”. Đấy là Peter Gade, đã tỏa sáng, chinh phục, và đã rút lui trong viên mãn.

    Học viện cầu lông Peter Gade
    Sáu năm sau khi giải nghệ, Peter Gade khai trương “Học viện Cầu lông Peter Gade” vào tháng 6/2018 tại Gentofte, ở ngoại ô Copenhagen (Đan Mạch). Triết lý và mục tiêu của Học viện Cầu lông Peter Gade là đem lại những cách nhìn mới, cũng như tạo ra một môi trường, văn hóa mới, trong việc huấn luyện cầu lông. Về mặt ý tưởng thì thật ra, chính những người tham gia (học viên, HLV, đối tác) - chứ không phải bản thân Peter Gade - sẽ định nghĩa mô hình của học viên này.

    Peter Gade là ai?

    Sinh ngày 14/12/1976, Peter Gade là ngôi sao cầu lông số 1 châu Âu trong thế hệ của mình. Trong hơn chục năm ngự trị đỉnh cao (1998 - 2010), Peter Gade đã 5 lần vô địch đơn nam châu Âu, 5 lần vô địch đồng đội nam/nữ phối hợp và 3 lần vô địch đồng đội nam (các giải này đều được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần). Anh đã nhiều năm chiếm giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng cầu lông thế giới.

    XEM THÊM

    Lewis Hamilton giàu nhất giới thể thao tại Anh

    Federer, Serena & kẻ thù thời gian

    Bạo lực & tội ác, những góc khuất của sumo

    Kinh Thi • 10:19 ngày 22/06/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay