Tháng 10/2020, LĐBĐ Thái Lan công bố gói bản quyền truyền hình kéo dài 8 năm (2021-2018) ở giải đấu trong nước cũng như ĐTQG nước này lên đến gần 9.000 tỷ đồng. Có nghĩa mỗi năm bóng đá Thái Lan nhận hơn 1.100 tỷ đồng. Giới truyền thông Thái Lan cho biết, thu nhập chính của các CLB chiếm hơn 90% từ tiền bản quyền truyền hình. Đấy là những con số biết nói và nó chứng minh tại sao Thai League được đánh giá là hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Nói về độ hấp dẫn, chất lượng thì V.League hay các giải đấu khác ở khu vực không thua kém quá nhiều so với Thai League. Vậy tại sao số tiền thu về từ bản quyền truyền hình lại bị bỏ xa đến vậy? Công tác tổ chức và chiến lược tiếp thị hẳn sẽ được đưa ra nói đầu tiên. Rõ ràng, những năm qua mọi thứ đã được cải thiện, nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Bản quyền truyền hình cũng giống như đi bán một sản phẩm. Nó được định giá dựa trên chất lượng sản phẩm. Chất lượng ở đây bao gồm rất nhiều tiêu chí: tính cạnh tranh, số lượng, chất lượng trận đấu, mặt sân, khán đài hay sự quan tâm của truyền thông, dư luận…
Ở góc độ này phần nào đó cho thấy chỉ một số đội bóng Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí đã đề cập. Phần còn lại, dù cố gắng nhưng vẫn bị bỏ lại sau lưng và dường như đang bị phân tầng. Ở Thái Lan, các đội bóng rất ý thức việc xây dựng hình ảnh, bản sắc chuyên nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa, trên sân là những màn đối đầu toé lửa, nhưng bên ngoài là những cuộc đối thoại để vun đắp cho “nồi cơm chung”.
Bản quyền truyền hình chẳng khác gì miếng bánh “dát kim cương”, nhưng để bán được nhiều tiền, đấy không chỉ là chuyện riêng của BTC mà còn là sự cộng hưởng của các CLB thay vì “lợi ích nhóm” hay mạnh ai nấy làm.