Chiến thắng 3-1 của B.Bình Dương trước đội đầu bảng Sài Gòn FC được HLV Park Hang Seo theo dõi trực tiếp trên khán đài. Đương nhiên, những gương mặt chơi rất nổi trội trong đội hình đội bóng đất Thủ như hậu vệ phải Hồ Tấn Tài hay tiền đạo Nguyễn Tiến Linh nhận được sự chú ý của nhà cầm quân Hàn Quốc. Nhưng một cái tên khác, dù âm thầm hơn khi không hiện diện trên bảng tỷ số nhưng vẫn là linh hồn trong lối chơi của B.Bình Dương cũng đã thể hiện dấu ấn của mình, đó là Tô Văn Vũ.
“Tôi vẫn cố gắng từng ngày để được HLV Park Hang Seo để ý”, Văn Vũ - người đeo tấm băng đội trưởng của B.Bình Dương mùa này chia sẻ. “Tôi khát khao được thể hiện mình trong màu áo đội tuyển quốc gia”.
Khoảng 1 năm về trước, Văn Vũ từng được HLV Park Hang Seo trao cơ hội. Đó là lần hiếm hoi chàng tiền vệ sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở Quảng Xương, Thanh Hóa được hít thờ bầu không khí đội tuyển. Nhưng có lẽ, vì quá bất ngờ và có phần ngợp, Văn Vũ đã không thể vào guồng quay của ông Park.
Rời đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh chấn thương và chưa kịp thể hiện mình, một cầu thủ… “hiếu thắng” như Văn Vũ chẳng thể chấp nhận mình chỉ dừng lại như thế.
Cuộc đời của Văn Vũ trước đó trải qua nhiều khổ đau. Anh từng phải đi đánh giày, bán báo, đá phủi để nuôi sống bản thân mình. Anh từng hụt giấc mơ vào Học Viện HAGL Arsenal JMG năm 2007, cùng thời điểm của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… vì quá tuổi. Nhưng Văn Vũ không vì thế mà từ bỏ giấc mơ. Để đến bây giờ, anh đã và đang là linh hồn mới nơi đất Thủ.
Với tấm băng đội trưởng trên cánh tay, Văn Vũ là nguồn cảm hứng trong những đợt lên bóng của B.Bình Dương. Khả năng xoay sở tốt, động tác xử lý bóng bất ngờ để vượt qua đối thủ hay những pha tỉa bóng nghệ thuật một cách ngẫu hứng vốn là đặc trưng của Văn Vũ mang đến những nét mềm mại cho B.Bình Dương trong nhiều trận đấu.
Vấn đề của Văn Vũ có lẽ nằm ở sự thích nghi và thể lực ở môi trường tầm cỡ ĐTQG. Anh sẽ phải cạnh tranh với những cầu thủ hàng đầu Việt Nam như Tuấn Anh, Hùng Dũng hay Quang Hải. Bên cạnh đó, áp lực và thể lực là thách thức với Văn Vũ.
“Được gọi tập trung, tôi thấy buồn nhiều hơn, vì dính chấn thương và chịu nhiều áp lực. Trong các bài tập thể lực, tôi đã không vượt qua được”, Văn Vũ trải lòng cách đây 1 năm. “Năm lớp 10, tôi bị gãy tay nên bây giờ vẫn còn di chứng, vì vậy tập tạ rất khó. May là trợ lý Lee young-jin nhận thấy vấn đề, biết được vấn đề nên trao đổi với thầy Park.
Sau bữa ăn, thầy gọi tôi ở lại. Thầy nói tôi bị chấn thương thì nên ở lại để chữa trị cho khỏi, rồi sau này có cơ hội sẽ lên để thử sức. Cuộc nói chuyện chưa đầy 10 phút đã làm tôi thay đổi suy nghĩ của mình. Lúc đầu tôi đã nghĩ quẩn vì sợ không tập được. Và tôi đã ở lại, điều đó là rất đúng. Tôi cảm ơn thầy Park rất nhiều, thầy đã truyền động lực, cảm hứng cho tôi”.
Từ nay đến khi đợt tập trung dự kiến vào tháng sau của ĐTQG Việt Nam, Văn Vũ có thể chơi 5 trận đấu nữa. Và nếu thể hiện tốt, chưa biết chừng, ông Park sẽ lại mở ra cơ hội cho chàng trai luôn nỗ lực vượt qua khó khăn của số phận.
XEM THÊM
Tân GĐKT Nhật Bản đụng người tiền nhiệm Gede ở giải trẻ quốc gia
Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Tiến Dũng không mất tiền học đại học