Hơn 40 năm trước, nếu một trận đấu hòa sau 120 phút, đội chiến thắng sẽ được quyết định bởi phương thức dựa hoàn toàn trên may mắn, đó là tung đồng xu. Nhưng vào năm 1978, các quy tắc được thay đổi để phân thắng bại, ít nhất theo nghĩa nào đó, phụ thuộc vào kỹ năng. Loạt luân lưu ra đời từ đó.
Kể từ năm 1982, World Cup đầu tiên mà loạt sút luân lưu xảy ra cho đến nay, có tới 26 trận tại giải đấu này được định đoạt bởi khả năng “đấu súng” của 2 đội. Ngoài ra, có tới 7/18 đội trên đường lọt vào 9 trận chung kết từng đá luân lưu. Có 2 trận chung kết được quyết định bởi luân lưu là World Cup 1994 (Brazil vs Italia) và World Cup 2006 (Italia vs Pháp).
Định dạng đá luân lưu là đơn giản. Hai đội thay phiên nhau sút từng loạt. Trong 5 loạt sút đầu, đội nào ít sút trượt hơn sẽ giành chiến thắng. Nếu sau 5 lượt mà chưa phân thắng bại, kết quả sẽ dựa trên từng lượt sút một cho đến khi có đội sút trúng và đội kia sút trượt. Về cơ bản, việc thắng trên loạt luân lưu phụ thuộc vào kỹ năng của cầu thủ. Thế nhưng, dựa trên thống kê, vẫn có những cách để cải thiện thắng lợi trên loạt đấu cân não này.

Cú sút penalty quyết định mang về chiếc cúp thế giới năm 2006 cho Italia
Đầu tiên, nếu được, hãy chọn sút đầu tiên, theo lời khuyên của tiến sĩ Ignacio Palacios-Huerta thuộc Trường Kinh tế London. Sau khi phân tích dữ kiệu về 1.000 cú sút luân lưu ở World Cup và các giải đấu khác, tiến sĩ Palacios-Huerta phát hiện ra rằng đội bóng sút lượt đầu tiên có tỉ lệ chiến thắng 60%. Có lẽ vì thế, FIFA đang thử hệ thống sút luân lưu tương tự như tennis, đội A sút trước rồi đến đội B (AB rồi BA rồi AB…), gọi ABBA.
Sau khi quyết định đội nào sút trước, HLV các đội sẽ chọn cầu thủ thực hiện các quả 11m. HLV thường chọn cầu thủ tốt nhất cho các lượt đá đầu tiên rồi tệ dần cho các lượt cuối. Theo thống kê, các cầu thủ thực hiện thành công trung bình 75%. Thế nhưng, tỷ lệ này khác nhau ở các lượt sút. Sút đầu tiên sẽ thành công nhiều hơn. Tỷ lệ thành công ở loạt thứ 4 của đội sút đầu là 70% trong khi đội sút sau chỉ là 56%.
Tiến sĩ Palacios-Huerta đã đưa ra nhận định về tầm quan trọng của các lượt sút: Lượt sút đầu và thứ 5 là quan trọng nhất, lượt sút thứ 3 là ít nhất. Vì thế, các HLV nên để các cầu thủ có kỹ năng sút penalty tốt nhất và có thần kinh thép cho lượt sút đầu và cuối.
Khi trình tự cầu thủ được lựa chọn thì vấn đề tiếp theo cầu thủ sút vào vị trí nào trong khung thành. Bóng được đặt ở khoảng cách 11m so với khung thành rộng 7,3m và cao 2,4m. Một quả bóng được sút tốt sẽ đến vạch vôi chỉ trong nửa giây, nghĩa là thủ môn sẽ phải bay người trước theo hướng mà anh ta nghĩ cầu thủ sẽ sút.

Sút lên cao thủ môn khó bắt nhưng lại dễ bị vọt xà
Nếu cầu thủ sút về phía nửa trên khung thành, thủ môn sẽ khó bắt được khi chỉ 3% số cú sút như thế bị thủ môn cản phá. Thế nhưng, 18% số cú sút lên cao sẽ không trúng khung thành so với chỉ 5% số cú sút như thế tầm thấp. Tổng lại, số cú sút lên nửa cao khung thành sẽ thành công 79% so với 72% số cú sút ở nửa dưới.
Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy sự khác biệt về hướng sút trái-phải. Các cầu thủ thuận chân trái thường sút về phía tay phải của thủ môn và ngược lại. Trung bình, các cầu thủ đá theo hướng nói trên thường xuyên hơn 25% so với hướng ngược lại (là hướng mà cầu thủ thuận chân trái sút về bên trái thủ môn). Thủ môn biết sở thích này của cầu thủ và sử dụng nó để cản phá.
Cuối cùng, nghiên cứu chỉ ra rằng người Đức có tâm lý tốt nhất trên chấm 11m. Họ sút thành công 86% số cú sút penalty, tốt nhất trong số các đội tuyển. Ngược lại, đội Anh yếu bóng vía nhất với tỷ lệ thành công chỉ 66%.