Xu hướng chiến thuật ở World Cup 2022

MINH VIỆT
Từ 09:07 ngày 19-12-2022
World Cup 2022 trên đất Qatar chứng kiến những xu hướng rất rõ rệt của bóng đá thế giới. Đó là các cầu thủ đang dứt điểm tốt hơn, những cầu thủ chạy cánh chiếm vai trò quan trọng và đặc biệt là kiểm soát bóng không còn nhiều ý nghĩa…

Cầu thủ chạy cánh có vai trò quan trọng hơn

Năm 2010, Tây Ban Nha vô địch thế giới với tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình là 65%. Đáng chú ý, 31% thời gian là họ tấn công ở trung lộ, đặc biệt là khu vực 20m cuối cùng bên phần sân đối phương. La Roja năm đó với dàn tiền vệ đẳng cấp như Xavi, Iniesta…, tập trung vào những pha bóng đánh thẳng mặt trung lộ. 

Tuy nhiên, một xu hướng dễ nhận thấy ở World Cup 2022 là các đội bóng tập trung vào tấn công cánh nhiều hơn so với trung lộ. Điều này đã manh nha ở kỳ World Cup 2018, và càng rõ ràng hơn ở giải đấu trên đất Qatar. 

Ví dụ, năm 2018, tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình/trận của Tây Ban Nha là 74%. Tuy nhiên, chỉ 23% các pha tấn công là tập trung vào trung lộ. Còn ở kỳ World Cup 2022, có 3 đội bóng có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình/trận hơn 60% là Tây Ban Nha, Anh và Bồ Đào Nha. Nhưng trung bình chỉ có 25% số các pha lên bóng của họ là tới từ trung lộ. 

Quan sát lối chơi của các đội ở giải đấu này sẽ dễ nhận thấy các đội bóng cửa dưới có xu hướng chơi phòng ngự số đông, bịt kín đường vào trung lộ. Morocco là đội theo trường phái này khi họ có tiền vệ đánh chặn chơi rất hay từ đầu giải là Sofyan Amrabat. Các đối thủ của Morocco, từ Bỉ, Croatia, Tây Ban Nha rồi sau đó là Bồ Đào Nha, đều thất bại trong việc tìm được vào khung thành đội tuyển châu Phi qua trung lộ. Thế nên họ buộc phải tìm phương án tấn công từ hành lang biên. Và đây là lý do khiến vai trò của các cầu thủ chạy cánh ngày càng quan trọng. Nên nhớ, bàn thắng mở tỷ số của Pháp trước Morocco cũng tới từ một pha tấn công bên hành lang biên phải. 

Ở vòng 1/8, Tây Ban Nha  (áo sáng) cầm bóng tới 76% nhưng  không ghi được bàn thắng nào  vào lưới Morocco trong 120 phút

Argentina hay Anh cũng là những đại diện cho thấy vai trò ngày một quan trọng của những cầu thủ chạy cánh. Bàn thắng mở tỷ số của Argentina trước Hà Lan cũng tới từ một pha bóng mà wing-back lệch phải của họ là Molina leo biên, nhận đường chọc khe của Messi rồi lập công. Hay như đội tuyển Anh thì hành lang biên phải của họ là mũi công nguy hiểm nhất với sự cơ động của Bukayo Saka. Kylian Mbappe là cầu thủ chạy cánh quá xuất sắc. Tất cả đều nằm trong xu hướng của World Cup 2022 với những cầu thủ chạy cánh toả sáng. 

Kiểm soát nhiều bóng không để làm gì

Một xu hướng khác dễ nhận thấy là kiểm soát bóng nhiều không còn mang ý nghĩa quan trọng. Trong 2 kỳ World Cup 1966 và 1970, không đội tuyển nào có thời gian kiểm soát bóng nhiều hơn 56%. Cũng không có đội tuyển nào chạm cột mốc kiểm soát bóng 60% cho tới khi Colombia thực hiện được điều này ở World Cup 1994. Tới năm 2018, cả Tây Ban Nha và Đức đều kiểm soát bóng trung bình/trận là 70%. 

Tuy nhiên, tại Qatar, chỉ còn duy nhất Tây Ban Nha là đội kiểm soát bóng chạm cột mốc 70%. Năm 2006, có 13 số đội tham dự VCK World Cup có thời gian kiểm soát bóng ít nhất là 51%. Năm 2022, có 15 đội có thời gian kiểm soát bóng trung bình ít nhất 51%. Tuy nhiên, chỉ 9 trong số đó là góp mặt ở vòng knock-out. Đan Mạch, Đức, 2 đội tuyển có thời gian kiểm soát bóng là 59,8% đều đã bị loại ngay từ vòng bảng. Trong khi đó, có 6 đội tuyển cầm bóng chưa tới 38% thì đã có tới 4 là lọt vào vòng loại trực tiếp (Morocco, Nhật Bản, Ba Lan và Australia). Một con số ấn tượng khác. Điểm số trung bình/trận của những đội có thời gian cầm bóng trên 50% là 1,4. Con số tương tự của những đội tuyển cầm bóng dưới 50% là 1,2. Tức là cũng không phải chênh lệch nhiều. 

Tây Ban Nha trận gặp Morocco cầm bóng lên tới 76%, nhưng số bàn thắng kỳ vọng chỉ là 1,1. Trong khi đó, với 24% thời lượng kiểm soát bóng, con số tương tự của Morocco đã là 0,7. Hay như trận Bồ Đào Nha - Morocco cũng vậy. Bồ Đào Nha sút 9 quả, kiểm soát bóng 73%, số bàn thắng kỳ vọng chỉ là 0,9. Trong khi đó, Morocco chỉ cầm bóng có 27%, nhưng số bàn thắng kỳ vọng lại là 1,4.  

“Morocco chẳng làm gì cả. Họ chỉ có đứng phòng ngự”, Rodri nói sau trận thua của Tây Ban Nha trước Morocco. Nhưng đó là xu thế của kỳ World Cup này. Những đội kiểm soát bóng nhiều như Tây Ban Nha, Đức đều bị loại sớm. Trong khi 2 đội tuyển vào chơi trận chung kết là Pháp, Argentina đều đại diện cho trường phái thực dụng, không cần cầm bóng nhiều. 

“Chỉ có 1 trái bóng, và bạn cần phải kiểm soát nó”, Johan Cruyff trước đây từng nói câu nổi tiếng này. Nhưng bóng đá giờ khác xưa nhiều rồi. Chẳng cần có bóng cũng có thể giành chiến thắng và kiểm soát bóng nhiều cũng chẳng để làm gì cả. 

Đức, Brazil là những kẻ phung phí nhất
Đức trong trận gặp Nhật Bản có số bàn thắng kỳ vọng của họ là 3,1. Nhưng thực tế Đức chỉ ghi được 1 bàn. Còn Brazil trong trận gặp Croatia thì số bàn thắng kỳ vọng của họ là 2,6, nhưng cũng chỉ ghi được 1 bàn. Ngược lại, Croatia là đội chỉ có chỉ số bàn thắng kỳ vọng là 0,6 trận gặp Brazil, nhưng họ vẫn ghi được 1 bàn và loại các vũ công samba ở tứ kết. 

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x