Lốc lại nổi trong lòng ĐT Hà Lan

ĐỨC VIỆT
Từ 11:00 ngày 10-06-2014
Nỗi lo Hà Lan chưa đá đã tự làm suy yếu mình ở những giải đấu lớn lại hiển hiện khi tiền vệ Arjen Robben và hậu vệ Bruno Martins Indi xô xát nhau ngay trên sân tập.

INDI TỐ ROBBEN… ĂN VẠ
Robben đã lăn lộn trên sân tập ở Rio de Janeiro đầy đau đớn sau một pha vào bóng của Indi. Nhìn cứ như thể Robben sắp mất World Cup đến nơi. Sau đó, ngôi sao của Bayern bật dậy, đòi “hỏi tội” hậu vệ trẻ của Feyenoord. Indi cũng chẳng vừa. Anh hầm hè bật lại “đàn anh” lớn hơn mình 8 tuổi.

Cảnh lời qua tiếng lại, kèm những pha vào bóng mang tính ăn miếng, trả miếng giữa Robben và Indi không lọt khỏi ống kính của các phóng viên ảnh theo sát buổi tập của ĐT Hà Lan. 

Vào phòng họp báo sau buổi tập kể trên, Indi chẳng những không phủ nhận chuyện xích mích với Robben. Anh còn gián tiếp cáo buộc Robben giở cả bài ăn vạ với chính đồng đội của mình: “Arjen là chuyên gia đột phá giỏi. Nhưng tôi nghĩ là hôm nay anh ấy đã ngã vờ”.

Khi có phóng viên hỏi về xích mích giữa anh và Robben, Indi thừa nhận: “Các anh đã quan sát chính xác. Chúng tôi đã nổi khùng với nhau”.

Một hậu vệ mới 22 tuổi và chỉ có 13 lần khoác áo ĐTQG dám công khai “bật” ngôi sao 30 tuổi với kinh nghiệm 75 lần khoác áo ĐTQG ngay trên sân tập rồi còn mạnh miệng tố “đàn anh” ăn vạ. Hà Lan vẫn khiến người ta phải đặt ra câu hỏi to đùng về sự gắn kết nội bộ của họ.


LỐC TRONG LÒNG HÀ LAN
Có thể Robben chỉ ngã vờ, chỉ đau vờ. Nhưng vấn đề đặt ra sau tình huống va chạm ấy lại rất thật: không bất hòa nội bộ, không phải Hà Lan. Xưa nay, hiếm có giải đấu lớn nào mà Hà Lan không nổi lốc trong lòng chính mình.

Johan Cruyff từng lý giải ông không dự World Cup 1978 vì nỗi lo gia đình ông bị đe dọa bắt cóc. Nhưng lại có giả thiết cho rằng Cruyff bỏ World Cup 1978 vì không hài lòng với công tác an ninh của đội nhà.

Năm 1990, Hà Lan tham dự World Cup với vị thế ĐKVĐ EURO. Chỉ có điều, các trụ cột như Marco van Basten, Ronald Koeman và Frank Rijkaard lại tẩy chay HLV Thijs Libregt. Thế mới có chuyện, LĐBĐ Hà Lan phải đột ngột sa thải Libregt và thay bằng HLV Leo Beenhakker ngay trước khi World Cup 1990 khai mạc.

Đến năm 1994, Ruud Gullit đùng đùng bỏ ĐT Hà Lan ngay sát thềm kỳ World Cup trên đất Mỹ vì bất đồng không thể dung hòa với HLV Dick Advocaat.

EURO 1996, Edgar Davids bị tống cổ về nhà sau khi công khai chỉ trích HLV Guus Hiddink đã bỏ rơi anh ở trận đấu vòng bảng với Thụy Sỹ.

Năm 2008, Clarence Seedorf tuyên bố không cùng Hà Lan dự EURO vì “không ưa nổi” HLV Marco van Basten. Cũng dịp EURO 2008, tiền đạo Robin van Persie và tiền vệ Wesley Sneijder xô xát nhau trên sân tập.

World Cup 2010, khi Van Persie bị thay ra trong trận gặp Slovakia, các phóng viên của kênh truyền hình Hà Lan NOS cho biết họ nghe thấy Van Persie trách móc HLV Bert van Marwijk: “Người ông nên thay ra là Sneijder chứ không phải tôi”.

“Bệnh mãn tính” lục đục nội bộ của Hà Lan có lẽ đã chẳng bị nhớ lâu, nhớ dai và mổ xẻ kỳ này qua kỳ khác như thế nếu như họ chạm được tới đỉnh vinh quang cao nhất ở World Cup. Kỳ này, nói dại mồm, lỡ Hà Lan tiếp tục thất bại thì biết đâu người ta sẽ mổ xẻ lại… tình huống va chạm giữa Robben và Indi.

“Đáy vực” EURO 2012
Hà Lan đã nhiều lần thất bại vì bất đồng nội bộ. Trong đó, thất bại tệ hại nhất phải kể đến EURO 2012. Đó là sự kiện bóng đá lớn đầu tiên trong lịch sử, Hà Lan bị loại ngay từ vòng bảng mà không giành nổi điểm nào. Robben đã phải công khai thừa nhận chuyện lục đục trong phòng thay đồ đội nhà sau khi họ thua cả 3 trận trước Đan Mạch, Đức và Bồ Đào Nha.

26,5. Với độ tuổi trung bình 26,5, Hà Lan là đội tuyển trẻ thứ 8 tại World Cup 2014. Trẻ hơn Hà Lan chỉ có Ghana, Nigeria, Bỉ, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Đức và Australia. Cùng với đó, Hà Lan xếp thứ 9 trong danh sách các đội tuyển có số lần khoác áo ĐTQG trung bình của các tuyển thủ ít nhất tại World Cup 2014. Trung bình mỗi tuyển thủ Hà Lan chỉ có 28,7 lần khoác áo ĐTQG.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x