13 ngày sau thảm họa hàng không tại Munich, những CĐV bắt xe bus đến sân Old Trafford để theo dõi trận đấu ở vòng 5 FA Cup giữa Man United và Sheffield Wednesday.
Lúc này, HLV Matt Busby vẫn nằm trong một bệnh viện ở Đức để chiến đấu với tử thần. Những tinh hoa của đội bóng đã sang bên kia thế giới sau vụ tai nạn máy bay. CĐV Man United đứng đầy các góc phố dẫn đến Old Trafford, im lặng và chìm trong tang thương.
Bìa của tờ chương trình trận đấu diễn ra vào buổi chiều tháng Hai năm 1958 đó viết: “United sẽ tiếp tục tiến lên”. Phòng thay đồ của đội bóng, 11 tủ đồ cá nhân bị để trống. Danh sách thi đấu có 11 cái tên vắng bóng. Thế nhưng khi trận đấu bắt đầu, những CĐV Man United đã tìm thấy giọng nói của mình. Một hành trình dài từ tro bụi Munich đã bắt đầu.
52 năm sau, năm 2010, thủ quân vĩ đại Eric Cantona sải bước trên mặt cỏ tại sân tập cũ của Cliff. Cầu thủ người Pháp đã giải nghệ hơn một thập kỷ trước đó, và được ca ngợi là một trong những đội trưởng giỏi nhất của United. Ông đang làm một bộ phim tài liệu về câu lạc bộ.
Một người bước về phía Eric, đó là Norman Williams – một CĐV đã có 90 năm hâm mộ Man United. Norman cười rạng rỡ khi chạm mặt Eric “Ta yêu cậu, Eric, thật vui khi còn được gặp cậu”. Hai người ôm ầm lấy nhau. Một ông già và một trung niên đang toan về già.
Những cầu thủ thuộc thế hệ học trò của Sir Alex như Cantona có quan hệ mật thiết với CĐV
Chúng ta có thể tự hỏi: Eric có biết Norman không? Tại sao họ lại ôm nhau như những người bạn cũ? Câu trả lời rất đơn giản. Khi Sir Alex vẫn còn là HLV, ông đã từng mời Norman cùng với Jim Kenway và Bill McGurr – 2 CĐV Man United trọn đời khác đến xem Eric Cantona và đồng đội tập luyện.
Những CĐV này có mặt ở sân tập mỗi thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, ngồi yên ghế đặt dọc đường biên xem các cầu thủ tập luyện. Thỉnh thoảng, Sir Alex cho dừng tập, cùng các cầu thủ đến bên họ thăm hỏi, tán chuyện và cười đùa cùng nhau, cũng như kể về những kỷ niệm của Man United.
Với những cầu thủ trẻ, những điều trên có vẻ thật ngớ ngẩn. Tại sao các CĐV, những người chỉ đơn thuần là khách hàng đem đến doanh thu cho đội bóng, lại có thể đánh cắp thời gian quý giá của HLV và cầu thủ? Việc tiếp xúc với những con người đó đem lại điều gì ích lợi?
Câu trả lời là: Nhờ những điều nhỏ nhặt như thế mà Sir Alex xây dựng được văn hóa cho Man United, biến đây thành đội bóng thành công, có lượng CĐV to lớn và trung thành. Những CĐV trọn đời như Norman chính là di sản và nhân chứng lịch sử của đội bóng.
Trong hồi ký của mình, Sir Alex viết: “Tôi đã mời những CĐV đó đến xem chúng tôi tập vào mỗi thứ Hai và thứ Sáu bởi vì họ chính là linh hồn và trái tim của CLB. Tôi nói với các cầu thủ trẻ, các tân binh rằng các cậu không chỉ đại diện cho CLB bóng đá, các cậu phải thi đấu vì mọi người, vì các CĐV, vì màu áo, vì CLB và vì lịch sử của chúng ta”.
Bởi họ tuân theo thứ văn hóa của Alex Ferguson, vốn bắt nguồn vì CĐV và lịch sử CLB
David Beckham cũng đã thừa nhận: “Khi thi đấu cho Man United, tôi cảm thấy một phần trong mình là lịch sử của CLB, có liên họa chặt chẽ đến thảm họa Munich”. Còn Phil Neville nói: “Khi ta bước đi trên mặt sân Cliff hay Old Trafford, ta sẽ bị ngợp trong một thứ còn lớn hơn chính bản thân mình”.
Sau khi Sir Alex giải nghệ, những lớp HLV mới, những lớp người mới đã đến. Nền tảng văn hóa của Sir Alex dần dần bị phai nhạt, tinh thần của đội bóng bị đổi màu, và cùng theo đó là sự suy thoái. Như một cái cây bị bứng khỏi mảnh đất thân quen, đem trồng ở nơi mới. Tàn lụi.
“Tinh thần đồng đội là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. Khi bạn hiến dâng cuộc đời cho ai đó, bạn sẽ được nhận lại nhiều cuộc đời khác, từ những người anh em trong đội. Không ai ở đội bóng có thể chiến thắng nếu không có sự hỗ trợ của người khác”, Sir Alex nói về cốt lõi văn hóa Man United.
Triết lý này được Sir Alex áp dụng từ khâu chiêu mộ tân binh và truyền bá trong từng buổi tập. Ông biết làm thế nào để biến một tập thể nát rượu, đàng điếm thành một CLB thành công nhất nhì châu Âu trong kỷ nguyên hiện đại. Và sự thành công đó được duy trì trong một quãng thời gian dài.
Nó khác xa thế hệ cầu thủ bây giờ, giàu có, nôi tiếng nhưng thất bại
Người học trò Gary Neville kể lại: “Tại sao tôi đã thi đấu như thế suốt sự nghiệp của mình? Bởi vì tôi đã được Sir Alex dạy điều đó khi còn là một đứa trẻ, và dạy suốt cuộc đời tôi. Hãy tiếp tục chiến đấu khi vẫn còn thời gian, không được buông bỏ hay nhụt chí. Cho đến lúc chết. Đấy là cách chúng tôi đánh bại Bayern Munich năm 1999”.
Kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu, Man United chìm trong suy thoái. Họ chiêu mộ cầu thủ một cách hời hợt. Họ trả những khoản lương kếch sù. Họ khuếch trương công việc làm ăn, họ cần một giám đốc điều hành giỏi kiếm tiền hơn là giúp đội bóng xây dựng lực lượng tốt, thi đấu tốt để nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh cho các CĐV.
Bây giờ, không ai có trọng trách ở Man United hiểu rõ được văn hóa Alex Ferguson. Dưới thời của ông, Man United là một bộ lạc chiến binh hùng hậu khiến mọi kẻ địch phải khiếp vía: Steve Bruce, Cantona, Beckham, anh em nhà Neville, Paul Scholes, Roy Keane.
Còn bây giờ, những Paul Pogba đắt giá nhưng ích kỷ và vô lễ, những cầu thủ đến và đi chỉ vì tiền chứ không phải niềm tự hào được choàng tấm áo đỏ. Họ nhận lương ngất ngưởng, ứng xử như các ngôi sao nhưng không thể nhớ mặt hay tên của một CĐV. Thật đáng buồn.
Ông già 90 tuổi Norman William thổn thức: “Đội bóng, HLV, các cầu thủ đã làm nên ý nghĩa của cuộc đời tôi. Họ đã giúp chúng tôi đập nát được sự kiêu ngạo của lũ Liverpool về thành tích vô địch quốc gia trong thập niên 1908. Nhưng bây giờ, những con người ấy đã đâu rồi?”.