Đoạn clip kéo dài 48 giây của Enzo Fernandez và các đồng đội của anh đã gây ra tranh cãi và sự phẫn nộ trên toàn thế giới bóng đá, thậm chí kích động sự thù địch, và gieo rắc năng lượng tiêu cực. Các cầu thủ Argentina đã hát những lời xúc phạm đội tuyển Pháp, nhắm trực tiếp vào các cầu thủ có gốc Phi trong đội áo Lam.
Mọi chuyện có vẻ đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Cầu thủ 23 tuổi đã xin lỗi, nhưng Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) muốn áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Thể thao Pháp Amélie Oudéa-Castéra đã mô tả chuyện này là “đáng thất vọng”. Trên tài khoản X của mình, bà đề cập đến tài khoản của FIFA, yêu cầu cơ quan quản lý bóng đá thế giới có “động thái”.
Ở Argentina, các chính trị gia cấp cao cũng đã lên tiếng. Phó Tổng thống của nước này, bà Victoria Villarruel, đã bảo vệ Fernandez và đội tuyển, đáp trả gay gắt rằng người Argentina sẽ không chấp nhận lập luận của một quốc gia “thực dân”.
"Không một quốc gia thực dân nào sẽ được phép đe dọa chúng tôi vì một bài hát hoặc vì đã dám thuật lại những sự thật mà họ không muốn thừa nhận” - Villarruel đăng.
“Argentina là một quốc gia có chủ quyền và tự do. Chúng tôi chưa bao giờ có thuộc địa hay công dân hạng hai. Chúng tôi chưa bao giờ áp đặt lối sống của mình lên bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi cũng sẽ không chịu để họ làm điều đó với chúng tôi... Enzo, tôi ủng hộ bạn, Lionel Messi, cảm ơn vì mọi thứ! Người Argentina hãy ngẩng cao đầu lên”.
Tất nhiên là mọi chuyện đã đi quá xa và nếu hỏi Enzo rằng anh có nghĩ đến mọi thứ phức tạp liên quan đến lịch sử, chế độ, hay quá khứ thực dân… câu trả lời thật lòng nhiều khả năng là không, vì cà khịa lẫn nhau chính là một phần của bóng đá, và các cầu thủ thường không đủ sâu sắc để hiểu chuyện này có ý nghĩa lớn nhường nào (nếu hiểu biết chắc họ đã không làm!). Nhưng hành vi của anh là sai trái vì nó đã gián tiếp tấn công một nhóm người mà anh không hề quen biết, thậm chí ít nhận thức về họ.
Enzo đơn giản chỉ muốn… cà khịa, nhưng bao kẻ thắng trận khác. Còn nhớ vào năm 2014, sau khi thắng trận chung kết World Cup, 6 cầu thủ Đức đã cà khịa Argentina bằng một màn ăn mừng nhại lại vũ điệu Gaucho chế giễu những người chăn bò Argentina. Tất nhiên là những người Argentina cũng phản ứng: tờ báo Ole cho rằng người Đức đã tỏ ra “thượng đẳng”, khi ăn mừng lố lăng như vậy.
Và bây giờ, sau khi thắng trận, người Argentina lại cà khịa một đội tuyển khác. Câu chuyện giờ nghiêm trọng hơn vì nó liên quan đến một vấn đề vô cùng nhạy cảm của chủ nghĩa “phải đạo chính trị” trên toàn thế giới: phân biệt chủng tộc. Cũng là cà khịa về vấn đề liên quan đến dân tộc, nhưng “Gaucho” (cao bồi Argentina) không nhạy cảm như chuyện màu da.
Phải đạo giờ gần như đã trở thành một “giáo phái” sẵn sàng tiêu diệt mọi chủ thể dám vi phạm nó. Năm 2020, một giáo sư ở Đại học California đã bị điều tra vì dám dùng từ “Negro”, một từ có tính miệt thị người da màu. Nhưng bối cảnh ở đây là gì? Khi giảng bài, ông đã đọc từ đó từ lá thư nguyên gốc “Letter from Birmingham Jail” của luật sư Martin Luther King, một nhà đấu tranh vĩ đại dành cả đời chống lại phân biệt chủng tộc! Nhưng những người quá “phải đạo” thì sẵn sàng lờ đi bối cảnh!
Tất nhiên là Enzo Fernandez đã sai rành rành, và bài viết này không phải một lời bào chữa. Thông điệp tốt nhất chúng ta có thể rút ra ở đây là trong một thế giới quá phải đạo, thì các vấn đề được nó lựa chọn để tô đậm có thể huỷ diệt sự nghiệp của bất kỳ ai.
Ở một thế giới song song khác, vấn đề có thể ít nghiêm trọng hơn, và đây có thể chỉ là một bài hát cà khịa sau một chiến thắng. Nhưng vì đây là thế giới mà “phải đạo chính trị” và sự lan truyền quá nhanh của mạng xã hội đòi hỏi những người nổi tiếng phải thận trọng hơn, vì chính hình ảnh và miếng cơm manh áo của họ, thì tôi cũng không có gì bất ngờ, nếu sự nghiệp của Enzo Fernandez kết thúc ở đây, chỉ sau một lần vui miệng cho lưỡi đi chơi hơi xa.