Bóng Đá Plus trên MXH

HLV Miura: Tinh thần thép trong dáng vẻ thư sinh
11:14 ngày 25/02/2015
Ông là người ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG vào một giai đoạn khó khăn bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, nhưng rốt cục, con tàu lúc nào cũng chòng chành không làm cho vị thuyền trưởng ngả nghiêng theo nó. Trong bão tố, Toshiya Miura vẫn vững vàng, và chèo lái con thuyền bóng đá theo kim chỉ nam của mình.
    BÓNG ĐÁ VIỆT, THẦY NGOẠI & “ĐÁ NGẦM”
    Sân Jurong một ngày tháng 9/1996, trong giờ nghỉ giải lao, HLV người Đức Weigang thét vào mặt các tuyển thủ: “Các anh bán trận này bao nhiêu”? Hôm ấy, Việt Nam hòa Lào trong một trận cầu đầy nghi vấn.

    “Nhạc trưởng” Hồng Sơn mất tích. Trung vệ dập Hữu Thắng liên tục chuyền hỏng để rồi phải nhận thẻ đỏ với một pha vào bóng thô bạo. Sau này, ông Weigang đã phải nói một câu chua chát: “Chúng ta muốn thành tích, nhưng cũng phải biết các tuyển thủ muốn gì”.

    Đó là một câu chuyện cho thấy sự phức tạp của chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, và thậm chí là của bóng đá Việt Nam nói chung, với một câu khái quát nổi tiếng: “Ghế HLV có 4 chân, thì cầu thủ nắm 3 chân”.

    Nhìn lại danh sách các ông thầy ngoại hiếm hoi đã từng thành công trong lịch sử bóng đá Việt Nam, thì ngoài tài năng chuyên môn, họ cần thêm một yếu tố quan trọng nữa: Sự “hiểu biết” về bóng đá Việt Nam. Hiểu biết những chỗ lắt léo và thích ứng với những đặc trưng của nền bóng đá này.


    HLV Henrique Calisto và Alfred Riedl là những người được cho là hiểu bóng đá Việt Nam nhất, và cũng là những người thành công nhất từ trước tới nay. Nhưng chính ông Riedl vào năm 1999 cũng không thể kiểm soát nổi phòng thay đồ đội tuyển: Tiền vệ Vũ Minh Hiếu hồi đó đã chia sẻ với truyền thông về tình trạng vây cánh giữa Thể Công và Công An Hà Nội trên tuyển, khiến anh và Tuấn Thành bị cô lập.

    CÁCH LÀM VIỆC MỚI CỦA ÔNG MIURA

    Không phải uốn mình theo vòng quay đôi khi rất trái khoáy và tránh né những bãi đá ngầm, ông Miura đưa con tàu thẳng tiến với lớp bảo vệ là những nguyên tắc sắt đá của chính mình: 1) Lối chơi phải nhanh và trực tiếp; 2) Cầu thủ phải đủ thể lực để chạy 11-12 km mỗi trận; 3) Các cầu thủ đều có cơ hội như nhau trên tuyển, không phụ thuộc vào tên tuổi của họ và 4) Giá trị tối thượng ở đây là giá trị của lao động và tập thể.

    Ông tuyên bố trong một bài trả lời phỏng vấn kênh JSports của Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái rằng “tôi loại khỏi đội tuyển những cầu thủ không chịu chạy”. Ông cố gắng thay đổi thói quen “chơi bóng chầm chập, rê dắt kiểu Brazil” của cầu thủ Việt Nam bằng cách luôn hối thúc họ chuyền nhanh và chơi ít chạm bất cứ khi nào bóng tới chân. 


    Ông sẵn sàng loại những “công thần” như Vũ Phong, Quốc Anh, cho đội trưởng Lê Tấn Tài và cả tiền đạo “con cưng” của bóng đá Việt Nam là Lê Công Vinh ngồi ghế dự bị khi cần thiết. Ông kiệm lời, ít khi hò hét, nhưng riêng câu chuyện về thói quen chạy 20 vòng sân (tương đương 6 km) của HLV người Nhật Bản giữa trưa nắng sau khi kết thúc mỗi buổi tập là một bài học không thể trực quan hơn cho các cầu thủ về giá trị của lao động và khổ luyện.

    Đó là cách làm việc hiện đại, thẳng thắn và trực tiếp. Ông Miura không cố làm một “người bản địa” ở đây, mà mang đến một khuôn mẫu mới và gò tất cả vào đó: “Ở Nhật, ông Miura thường xuyên bị các CĐV chỉ trích vì lối chơi thiên về phòng ngự phản công, và đôi khi có cầu thủ phàn nàn về sự nghiêm khắc của ông ấy, nhưng ông ấy không bao giờ thay đổi điều đó, dù điều gì có xảy ra đi chăng nữa” - Takashi Morimoto, một cựu nhà báo thể thao Nhật Bản hiện đã chuyển qua làm nghề môi giới cầu thủ và HLV, nhận xét. “Với triết lý ấy, ông ấy đã thành công cùng Omiya, nhưng lại thất bại khi dẫn dắt Kofu và Kobe. Nhưng ông ấy không bao giờ thay đổi”.

    Có lẽ sự cứng rắn ẩn sau vẻ ngoài điềm đạm ấy đã giúp HLV người Nhật Bản không những đứng vững được trong một giai đoạn nhiều biến cố của bóng đá Việt Nam, mà còn xây dựng được niềm tin vào tương lai cho đội tuyển này, bằng một phương pháp làm việc có thể khiến những người trong cuộc cảm thấy lo ngại cho ông, nhưng không thể không nể phục ông. 

    THÂN THIỆN NHƯNG KHÔNG VỒ VẬP
    Các HLV ngoại trước đây luôn có những cầu thủ thuộc dạng “tâm phúc”, thậm chí được ưu ái khác người ngay cả khi có phong độ không tốt. Ngược lại, ông Miura dù gần gũi học trò, nhưng rất lạnh lùng khi điền tên ai đó vào danh sách đá chính.

    HLV Tavares đã từng lưu giữ ấn tượng mạnh từ Lê Huỳnh Đức trong lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam (năm 1995) đến nỗi 9 năm sau, ông vẫn không đành lòng gạt anh lên ghế dự bị tuyển, ngay cả khi Huỳnh Đức đã rất chậm chạp vì tuổi tác. HLV Alfred Riedl có 3 học trò cưng ở đội U23 Việt Nam vào năm 2005: Hậu vệ cánh phải Hải Lâm, trung vệ Bật Hiếu và tiền đạo Văn Quyến. Đó là ba người được trao nhiều cơ hội nhất, dù phong độ nhất thời có lúc rất tệ, đặc biệt là Văn Quyến. 

    Vì Hải Lâm, ông Riedl từng từ chối hai cầu thủ chơi rất tốt thời điểm ấy (2005) là Văn Nhiên và Hoàng Thương. Vì Văn Quyến, cơ hội của các chân sút khác như Công Vinh đã từng bị giới hạn đến nỗi tiền đạo họ Lê từng thổ lộ với báo chí về ý định “xin rời khỏi đội tuyển vì tôi đã chơi rất cố gắng, nhưng không được ông Riedl đoái hoài”.


    Cho đến thời của ông Henrique Calisto thì Công Vinh lại là cầu thủ “con cưng” bất chấp mọi hoàn cảnh. Thế nên mới có chuyện năm 2010, Công Vinh xin tạm rời tuyển vì chấn thương nhưng phải cho đến khi xem kỹ “bệnh án” của cầu thủ, ông Calisto mới đồng ý. 

    Sau này, Thành Lương và Trọng Hoàng là những người được coi là “my son” (con trai) của ông Calisto ở tuyển. HLV người BĐN cũng từng nói không giấu diếm rằng trong một tập thể, có những cá nhân “cần phải được quan tâm đặc biệt”.

    Ngay cả Karl-Heinz Weigang, người đã từng quát các học trò trong phòng thay đồ rằng “các anh bán bao nhiêu?” cách đây 18 năm cũng không giấu được thiện cảm khi nói về Hữu Thắng, một nhân vật dính nhiều nghi ngờ vào thời điểm ấy. Ông thầy người Đức cũng thường kể lại câu chuyện Hữu Thắng đã suýt mất ngón tay vì giành phần... bê khung thành trong các buổi tập. Trong mắt ông Weigang, thì Hữu Thắng luôn là một người nhiệt tình, giàu trách nhiệm.

    HLV Miura đem đến cảm giác hoàn toàn khác: Ông gần gũi, mà cũng rất xa cách. Ông sẵn sàng mời các tuyển thủ đi ăn, tặng giày cho họ, vỗ về họ, nhưng chưa bao giờ bộc lộ thiện cảm riêng với cầu thủ nào. Ông thân thiện, nhưng không bao giờ vồ vập. 

    Ông đối xử với tất cả công bằng, ngoài đời và cả trên sân cỏ. Ông đã từng gây tranh cãi với hàng loạt quyết định nhân sự trước và sau khi AFF Suzuki Cup 2014 diễn ra, nhưng rốt cục, tất cả đều đã bị thuyết phục, bởi những quyết định của ông không bao giờ nhuốm màu cảm tính. 

    Và khi đưa ai đó lên ghế dự bị, ông cũng không bao giờ giải thích. Có thể vì đơn giản rằng ông thấy điều đó có lợi cho tập thể vào thời điểm ấy. Và ở đội tuyển Việt Nam, không ai được phép đứng trên lợi ích tập thể.

    Mỗi cách làm việc có điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng rõ ràng, phương pháp quản trị của ông Miura rất khác biệt so với các ông thày ngoại trước đây của bóng đá Việt Nam. 

    “Tôi loại những cầu thủ không chịu chạy”
    Đây là chia sẻ của HLV Miura với truyền thông Nhật Bản về cách thức ông lựa chọn cầu thủ cho ĐTQG: “Ở Nhật, nếu bạn bỏ qua một cầu thủ nào đó khi triệu tập ĐTQG, thì người hâm mộ sẽ đàm tiếu rằng tại sao không chọn anh ta? Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, do không có cầu thủ thích hợp với tiêu chuẩn của tôi, nên tôi triệu tập cầu thủ vào ĐTQG theo phương pháp loại trừ. Tôi loại những cầu thủ không chịu chạy”. 

    HLV người Nhật Bản nắm bắt rất nhanh nhược điểm của các cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung: “Nếu ở thế tấn công, cầu thủ  thường chơi với tràn đầy sinh lực, nhưng họ thường không đảm nhiệm công việc mình không thích là phòng thủ. Đặc trưng của bóng đá Đông Nam Á là cầu thủ không thích phải chạy và phòng thủ nhiều. 

    Theo đánh giá ở Nhật 30 năm trước, thì cầu thủ được cho là giỏi chỉ những khi cầm bóng trình diễn khả năng kỹ thuật của mình. Nhưng bây giờ, quan niệm đó đã thay đổi và mẫu cầu thủ như thế không thể xem là chuyên nghiệp được. Tôi cảm thấy sẽ là bất công nếu loại các cầu thủ có thể chạy ở một mức độ nào đó để hỗ trợ đồng đội, và các cầu thủ có thể thi đấu tốt khác. Dù vậy, nhưng con đường phía trước vẫn còn rất khắc nghiệt”.

    AN NGỌC LINH • 11:14 ngày 25/02/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay