“Bắt mạch” lực lượng U17 UAE
Hai trận hoà đáng khen trước U17 Australia và U17 Nhật Bản giúp U17 Việt Nam tạm thời đứng thứ 3 bảng B - VCK U17 châu Á 2025, với 2 điểm. Cục diện của bảng đấu giúp thầy trò HLV Cristiano Roland có cơ hội lọt vào top 2 đội đầu bảng, qua đó giành vé dự VCK U17 World Cup 2025 tại Qatar, diễn ra vào cuối năm nay.
Điều đó xảy ra khi U17 Việt Nam giành chiến thắng trước U17 UAE. Cần nói thêm, xuyên suốt hành trình vòng loại cho đến hiện tại, thầy trò HLV Cristiano Roland mới chỉ thắng đúng 1 trận trước U17 Myanmar với tỷ số 2-0. Trước 4 đối thủ còn lại gồm Kyrgyzstan, Yemen, Australia và Nhật Bản, U17 Việt Nam đều hoà. Nói như vậy để thấy rằng, sự chuyển đổi về chiến thuật cũng như tâm lý, phục vụ cho mục tiêu tấn công để chiến thắng mang tính mấu chốt với U17 Việt Nam.
Liên quan đến U17 UAE, đối thủ của U17 Việt Nam tại trận “chung kết” tranh vé dự U17 World Cup 2025. 21 trong 23 cầu thủ của đội tuyển này đang thi đấu trong nước. Hai cái tên còn lại là Jayden Adetiba đang chơi cho đội trẻ Arsenal (Anh) và Abdalla Hatem đầu quân ở Al-Ahly (Ai Cập). Tuy nhiên, cả 2 cầu thủ này đều chỉ là kép phụ trong tính toán của HLV Majed Al Zaabi. Đây cũng không phải là điều bất ngờ khi Jayden Adetiba mới chỉ 15 tuổi. Còn Abdalla Hatem cũng mới bước sang tuổi 16.
U17 UAE có chiều cao trung bình 177,17 cm, xếp thứ 8 trên 16 đội trong danh sách tham dự VCK U17 châu Á 2025. Với tầm vóc không quá vượt trội, U17 UAE chủ trương xây dựng lối chơi tận dụng tốc độ, kỹ thuật và tập trung vào tấn công biên. Trong đó, hai “mũi khoan” gồm Mohamed Gamal (số 7, tiền đạo trái) và Mohamed Buti (số 11 , tiền đạo phải) đáng gờm. Ngoài khả năng bứt tốc quãng ngắn tốt, cả Buti và Gamal đều có thể tung ra những cú sút bất ngờ từ xa. Ngoài ra, Mayed Khamid - trung phong mang áo số 9 của U17 UAE tuy không nhanh và khéo léo. Song bù lại, với chiều cao 1m87 và thể hình lực lưỡng, Khamid rất mạnh trong tì đè, làm tường cho đồng đội.
Điểm yếu của U17 UAE
U17 UAE đã thủng lưới 4 bàn trước U17 Nhật Bản. Đội tuyển này cũng suýt chút nữa chịu bàn thua trước U17 Australia, nếu cột dọc không cứu nguy một vài lần trông thấy. Bộ tứ vệ của U17 UAE gồm Salem Esam (hậu vệ phải), Ibrahim Yusuf, Suhail Al Noubi (trung vệ) cùng Fahad Khalil (hậu vệ trái) mắc khá nhiều sai lầm. Khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên thường để lộ, dẫn tới để đối phương thoát xuống. Khả năng đọc tình huống, đeo bám cầu thủ đối phương của các trung vệ như Ibrahim Yusuf, Suhail Al Noubi khá chậm chạp. Họ thường bị hút theo tình huống dẫn tới để cầu thủ Nhật hay Australia có khoảng trống trước cầu môn để dứt điểm bóng bổng hoặc tận dụng các pha dứt điểm từ tuyến hai.
Đây có thể xem là cơ hội cho U17 Việt Nam. Trên thực tế, đại đa số các tình huống tấn công của “Những chiến binh trẻ sao Vàng” đều hướng về cánh phải. Đó là lúc Việt Long bằng sở trường tốc độ và kỹ thuật sẽ tìm cách đưa bóng hướng xuống đáy biên. Cầu thủ này sẽ nỗ lực tạt bóng vào trước khu vực 5m50 để Thiên Phú, Duy Khang hay Văn Bách, Gia Bảo băng vào dứt điểm cắt mặt.
Ý đồ này chưa thể tạo ra hiệu quả khi U17 Australia và Nhật Bản đều can thiệp đúng lúc. Song trước một hàng thủ bị động trong các pha xuống biên và không chiến như U17 UAE, U17 Việt Nam có cơ sở để tạo ra bàn thắng từ miếng đánh này.
6 trên 7 bàn thắng mà U17 Việt Nam có được từ vòng loại, giao hữu quốc tế đến VCK cho đến nay đến trong hiệp 2. Có thể điều đó cũng sẽ lặp lại ở trận đấu với U17 UAE. Nhất là khi HLV Roland khá giỏi trong khâu đọc trận đấu và thay người hợp lý.