Dồn dập lịch thi đấu giữa ĐTQG và U23
Dịch Covid-19 vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ là đảo lộn kế hoạch thi đấu của các ĐTQG, trong đó có vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng ở thời điểm hiện tại, lịch thi đấu mà AFC kỳ vọng cũng như dự trù diễn ra vẫn sẽ áp dụng thể thức sân nhà, sân khách như thông lệ. Cụ thể, 10 lượt đấu của vòng loại này sẽ bắt đầu vào ngày 2/9 tới đây. Tính từ đó cho đến hết năm 2021, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 còn diễn ra thêm 5 lượt trận nữa bao gồm các ngày: 7/9, 7/10, 12/10, 11/11 và 16/11.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, Covid-19 sẽ khó lòng đẩy lùi một cách tuyệt đối ngay trong năm 2021. Việc di chuyển giữa các quốc gia vẫn phải đảm bảo quy định thực hiện cách ly với thời gian nhất định (tuỳ theo yêu cầu của từng chính phủ mỗi quốc gia). Đồng nghĩa, các đối thủ hay thậm chí là chính thầy trò Park Hang Seo sẽ phải cách ly tối thiểu là 7 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Nếu lịch thi đấu của ĐT Việt Nam yêu cầu Quế Ngọc Hải và các đồng đội thi đấu ở sân khách trong tháng 10, đó sẽ là một tin không vui với HLV Park Hang Seo. Bởi như vậy, như phân tích kể trên, ông sẽ mất tới ít nhất là 7 ngày cách ly khi đội tuyển về nước. Nên nhớ rằng theo kế hoạch, từ ngày 23 đến 31/10, U23 Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại U23 châu Á 2022. Với khoảng thời gian chỉ là 11 ngày, tính từ hết lượt trận thứ 4 vòng loại World Cup (12/10) cho đến trận ra quân vòng loại U23 châu Á 2022, HLV Park Hang Seo khó lòng có được sự chuẩn bị đủ tốt cho đội U23 Việt Nam thi đấu ở vòng loại giải trẻ châu Á.
Có nên để trợ lý Kim Han Yoon thay thầy Park?
Riêng trong 3 tháng cuối năm 2021, đội tuyển Việt Nam phải đá tối đa là 14 trận bao gồm vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020. Với AFF Suzuki Cup 2020, HLV Park Hang Seo phải đối diện với áp lực thành tích bảo vệ ngôi vô địch. Còn tại vòng loại World Cup 2022, nhà cầm quân Hàn Quốc phải đứng trước một thử thách lớn chưa từng có trong 4 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Với những mặt trận có tính chất khác nhau, HLV Park Hang Seo cũng phải đau đầu tìm lối chơi sao cho phù hợp với tình hình của đội tuyển. Thậm chí, nhà cầm quân Hàn Quốc có thể phải chuẩn bị hai chiến thuật đối nghịch, một là phòng ngự phản công với tâm thế cửa dưới khi Việt Nam đương đầu với các đội tuyển mạnh ở vòng loại World Cup, và hai là chiến thuật kiểm soát bóng khi Việt Nam với vị thế cửa trên lúc đối đầu với những đội dưới cơ trong khu vực. Rõ ràng, công việc ở đội tuyển Việt Nam chiếm thời lượng không nhỏ đối với HLV Park Hang Seo. Và rõ ràng, nếu như nhà cầm quân Hàn Quốc đã căng mình “xay bột” mà vẫn phải “bế em” U22 Việt Nam thì xem chừng đó là thử thách quá sức đối với ông Park.
Nên nhớ, dưới HLV Park Hang Seo, hai phó tướng, đặc biệt là ông Kim Han Yoon đã theo sát nhiệm vụ huấn luyện đội U22 Việt Nam. Vị trợ lý này hoàn toàn có thể gánh vác việc cầm quân U22 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á nhằm giảm tải cho HLV Park. 4 năm trước, Thái Lan cũng từng áp dụng mô hình này để Kiatisak Senamuang dồn toàn lực cho vòng loại World Cup cùng ĐTQG. Và với tình thế của HLV Park Hang Seo trong những tháng tới, chuyện trợ lý Kim thay ông Park đảm nhận việc dẫn dắt đội U22 Việt Nam cũng là phù hợp.