Thành quả ấy cũng là minh chứng cho một giai đoạn hoàng kim kéo dài gần 4 năm của HLV Kiatisak với ĐT Thái Lan, bao gồm những chiến tích như:
Top 4 ASIAD 2014; Huy chương vàng SEA Games 2015, 2017; vô địch AFF Suzuki Cup 2014, 2016 và cuối cùng là lọt vào vòng loại cuối World Cup 2018.
Nhưng xin được nhấn mạnh từ “cuối cùng”. Bởi nỗ lực đưa Thái Lan vượt ranh giới Đông Nam Á để hướng ra châu Á của HLV Kiatisak lại vô tình trở thành đoạn kết buồn cho chính ông và đội tuyển xứ Chùa vàng. Những người đứng đầu bóng đá Thái Lan khi ấy quá ảo tưởng vào sức mạnh của đội nhà. Họ nghĩ “Bầy voi chiến” đã đủ sức đương đầu với những ông lớn châu Á nên bày tỏ sự thất vọng khi Thái Lan thua trận và rũ bỏ công sức trước đó của Kiatisak.
“Zico Thái” rời ĐT Thái Lan không kèn không trống. Bong bóng ảo tưởng Thái Lan ở tầm cỡ châu Á kể từ đó đến nay vỡ tan trong những thất bại cay đắng liên tiếp. Ở Đông Nam Á, Thái Lan mất vị trí số 1 vào tay Việt Nam. Ở châu Á, đội bóng xứ Chùa vàng cũng không còn khiến các đối thủ phải dè chừng như thời Kiatisak còn đứng trong khu kỹ thuật.
Bài học từ người Thái là điều mà bóng đá Việt Nam cần phải tránh. Gần 4 năm ông Park Hang Seo liên tục lập chiến tích cùng các ĐTQG Việt Nam có những điểm tương đồng với thành quả mà trong giai đoạn 2013-2017, Kiatisak có được cùng ĐT Thái Lan. Nhưng đẳng cấp giữa bóng đá Đông Nam Á và châu Á vẫn còn khoảng cách rất lớn. Thất bại 2-3 vừa qua của chúng ta trước UAE, đội mới chỉ đứng hạng 8 châu lục cũng cho thấy rằng Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Vòng loại cuối World Cup 2022 chưa phải là mặt trận để ĐT Việt Nam tham vọng vào một bước nhảy vọt thần kỳ. Nhưng chúng ta có thể kỳ vọng thông qua đó, các cầu thủ sẽ tự tin hơn, bản lĩnh hơn và đoàn kết hơn!