EURO 2020 hướng đến vòng 1/8: Cuộc chiến giờ mới bắt đầu

KINH THI
08:43 ngày 25/06/2021
Đành rằng số lượng giảm đi thì chất lượng sẽ tăng lên như một sự tỷ lệ nghịch tất yếu. Nhưng EURO 2020 bắt đầu hấp dẫn, với tính cạnh tranh tăng vọt sau vòng đấu bảng, còn vì bây giờ sẽ là giai đoạn knock-out đầy khắc nghiệt. “Cuộc chơi” đã hết, và “cuộc chiến” chuẩn bị bắt đầu.

Thể thức “24 đội loại 8” làm cho vòng bảng EURO 2020 khép lại một cách nhẹ nhàng, như số đông đã tiên liệu từ trước lúc khai cuộc. Tất cả các đội được cho là mạnh rút cuộc đều đi tiếp vào giai đoạn knock-out, kể cả khi lá thăm ngẫu nhiên đẩy Bồ Đào Nha, Đức, Pháp vào “bảng tử thần”.

Đức, Bồ Đào Nha, Croatia đều nếm mùi thất bại trong khi Anh, Tây Ban Nha, Pháp đều có lúc gây thất vọng, ở mức độ khác nhau. Ngược lại thì Bỉ, Hà Lan, Italia chiến thắng tuyệt đối ở vòng bảng. Nhưng tóm lại, vòng bảng đã khép lại rồi. Tất cả trở nên vô nghĩa bởi từ nay, tính đối kháng tuyệt vời của môn bóng đá sẽ được phát huy qua từng trận đấu loại trực tiếp, chẳng liên quan gì nữa đến điểm số hoặc ngôi thứ của các đội trong giai đoạn vừa qua.

Bây giờ, EURO không còn là “cuộc đua”, như kiểu đua đến ngôi vô địch Premier League hoặc Serie A nữa. Bây giờ là lúc người ta phải loại nhau. Loại được đối thủ trước mắt, bạn sẽ tiến thêm một bước đến ngôi vô địch, thế thôi. Nhưng, rất khác với thể thức của các giải Cúp Quốc gia, thậm chí khác luôn giai đoạn knock-out của Champions League, giai đoạn knock-out của EURO là một sự chia nhánh ngay từ đầu, giữa 16 đội có trình đội tạm gọi là khá khập khiễng về đẳng cấp chuyên môn. Thấy rõ hành trình, biết trước đối thủ, giới cầm quân dĩ nhiên có điều kiện tốt hơn để chuẩn bị so tài. Mặt khác, khó mà phủ nhận yếu tố may rủi khi nhìn vào nhánh đấu của các ứng viên vô địch.

Sáo rỗng một tí, cứ việc phán ngay: thắng liền 4 trận, bất kể đối thủ, bạn sẽ là nhà vô địch. Thực tế lại khác: có gần chục đội đủ tư cách nhắm đến ngôi cao và trong hàng ngũ này, ai cũng có thể thắng ai. Hành trình cụ thể trong cái tham vọng “thắng liền 4 trận” của Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha… rõ ràng rất khác nhau.

Đức và Anh (ảnh nhỏ)  sẽ đối đầu ngay  ở vòng  1/8

Anh và Đức phải trực tiếp đụng độ ngay trận knock-out đầu tiên. Nhưng trong nhánh của họ, chỉ còn Hà Lan là thật sự đáng kể, tính đến trước trận chung kết. Ngược lại thì Bỉ, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, Croatia, Tây Ban Nha dồn cả vào nhánh còn lại. Bên nặng, bên nhẹ quá rõ rồi. Điều đáng bàn ở đây là “nhánh nặng” hay “nhánh nhẹ” sẽ giới thiệu nhà vô địch EURO 2020?

Hãy tham khảo câu chuyện của giải đấu trước, EURO 2016. Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức nằm chung một nhánh. Cụ thể hơn thì Italia loại Tây Ban Nha. Đức loại Italia, Pháp loại Đức. Cuối cùng, Pháp vào chung kết và ngậm ngùi thua Bồ Đào Nha trong cuộc quyết đấu tranh ngôi vô địch. Hành trình vào đến chung kết của Bồ Đào Nha gồm các trận gặp Thụy Sỹ, Ba Lan, Xứ Wales; trong đó, Bồ Đào Nha chỉ thắng Xứ Wales trong giờ thi đấu chính thức. Tất nhiên, nhớ lại chỉ để tham khảo!

Có một sự khó lường
Trong số 16 đội đi tiếp, có đến 11 đội chỉ thắng 1 trận ở vòng bảng, 5 đội (Đức, Tây Ban Nha, Croatia, Thụy Sỹ, Đan Mạch) thắng trận duy nhất để đi tiếp ngay trong loạt trận cuối. Tình hình này làm cho độ khó của việc nhận diện, đánh giá các đội ở vòng knock-out tăng lên rất cao. Nói cách khác, sẽ có diễn tiến khó lường. Giải trước, với thể thức tương tự, Bồ Đào Nha vô địch dù không thắng trận nào ở vòng bảng.

6 - Ngoài hiện tượng “phản lưới nhà” thì câu chuyện lạ tiếp theo của vòng đấu bảng vừa qua là tỷ lệ sút hỏng phạt đền rất cao. Trong 14 quả phạt đền ở vòng bảng, có đến 6 quả bị sút hỏng, tức tỷ lệ sút hỏng là gần một nửa.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất