Nửa tỷ euro cho kẻ khốn cùng
Dưới thời cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu, Barca liên tục thực hiện những phi vụ đầu tư và mua sắm vô tội vạ. Điều đó khiến đội chủ sân Camp Nou lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ. Với khoản nợ lên tới 1,173 tỷ euro, gồm 730 triệu euro là các khoản nợ ngắn hạn, Barca đứng trước nguy cơ phá sản, ít nhất cũng sẽ lụn bại đến mức phải mất hàng chục năm mới có thể hồi phục.
Đơn giản bởi, nếu không có tiền trả nợ, Barca không chỉ bị tịch biên tài sản, mà còn buộc phải bán hết ngôi sao trong đội hình. Thậm chí, dù các chủ nợ không đến xiết đi những cầu thủ đắt giá tại Camp Nou, Barca cũng chẳng có tiền mà trả lương cho họ. Barca đang là CLB có quỹ lương cao nhất thế giới, với khoảng 550 triệu euro mỗi mùa giải.
Riêng số tiền Barca phải trả cho hơn 20 cầu thủ đội Một đã lên tới gần 250 triệu euro mỗi mùa giải. Trong khi đó, họ còn có rất nhiều khoản chi khác, từ cho quan chức cho đến hàng ngàn nhân viên và cầu thủ từ các đội trẻ và các đội thể thao.
Theo tính toán, quỹ lương chiếm tới khoảng 65% tổng thu nhập của Barca. Đặc biệt, do thiệt hại từ đại dịch Covid-19, tỷ lệ này còn có thể lên tới 80%. Mặc dù Barca đã ra sức cắt giảm lương và nhân viên, song cũng không được là bao. Trong khi đó, doanh thu hàng năm của Barca trong thời buổi Covid này dự kiến sụt giảm tới 200 triệu euro.
Có nghĩa, Barca không chỉ đang gánh một khoản nợ khổng lồ, mà còn trong tình trạng ngày càng thua lỗ. Chính vì vậy, việc phải vay thêm tiền để cứu sống tạm thời CLB là điều chẳng đặng đừng với Barca. Thật may, họ vừa nhận được liều doping hạng nặng đó, với khoản vay 500 triệu euro từ Goldman Sachs. Thông tin trên vừa được một số quan chức giấu tên của Barca xác nhận.
Thực ra, đây là việc đã được dự báo từ lâu. Ngay sau khi lên nắm quyền chủ tịch Barca hồi tháng 3 vừa rồi, Joan Laporta đã hứa hẹn rằng ông sẽ tìm ra lối thoát cho đội bóng xứ Catalunya với một khoản vay lớn. Việc Goldman Sachs dang tay giúp Barca, vì vậy cũng không có gì bất ngờ.
Tập đoàn tài chính có trụ sở tại Mỹ này là đối tác thân quen của Barca từ nhiều năm qua. Đây chính là nhà đầu tư cung cấp khoản vay 90 triệu euro cho dự án Espai Barca, trong đó có việc xây SVĐ mới Johan Cruyff dành cho đội B. Ngoài ra Goldman Sachs còn từng đạt thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp khoản tài chính hơn 800 triệu euro cho kế hoạch xây dựng SVĐ Camp Nou mới trong tương lai.
Chỉ đủ cầm cự sự sống
Tất nhiên, khoản vay mới dù lớn, song Barca không được phép chi tiêu thoải mái. Phần lớn số tiền này là để thanh toán cho các khoản vay cũ chuẩn bị đến hạn phải trả, cũng như duy trì sự tồn tại của Barca trong thời gian tới; như việc thanh toán khoản lương khủng của CLB và các chi phí khác.
Thực tế, khoản tiền vừa được nhập vào chiếc két sắt tại Camp Nou sẽ chẳng còn lại bao nhiêu trong thời gian ngắn tới. Điều đó có nghĩa, Barca vẫn phải duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng, cũng như cắt giảm nhân sự và chi phí hoạt động trong thời gian tới. Bởi vậy, càng chẳng có gì hy vọng Barca sẽ có tiền để vung vãi trên thị trường chuyển nhượng như trước đây.
Tuy nhiên, như đã nói khoản vay này rất quan trọng với Barca. Nó sẽ giúp họ cầm cự trong thời gian tới, không bị xiết nợ tới mức có thể phá sản và không phải bán hết ngôi sao đến mức có thể lụn bại. Đó chỉ là liều doping hạng nặng để gã khổng lồ sa cơ cầm cự sự sống, không phải phương thuốc giúp họ tái sinh hoặc mạnh mẽ trở lại!
100. Trong tổng số tiền 500 triệu euro mà Barca vừa vay được từ Goldman Sachs, chủ tịch Laporta cam kết sẽ trích 100 triệu euro để trả tiền nợ lương các cầu thủ.