Nhưng vì cách điều hành quá phiêu lưu của Peter Ridsdale, đội Leeds xuất sắc ấy nhanh chóng chìm vào tăm tối. Bài học của bóng đá nhà nghề: đừng điều hành CLB như Ridsdale.
Đúng cột mốc “sinh nhật thứ 100”, dưới sự dẫn dắt của HLV nổi tiếng Marcelo Bielsa, Leeds bước vào mùa bóng thứ 10 liên tiếp ở đẳng cấp hạng Nhì (Championship) trên sân cỏ Anh. Đấy chính là mùa bóng 2019/20 hiện thời.
Tồn tại suốt trăm năm qua, chưa bao giờ Leeds phải thi đấu ở hạng Nhì lâu như thế. Đúng ra thì còn tệ hơn: trước khi tranh tài ở Championship 2010/11, Leeds đã phải trải qua 3 mùa liên tiếp ở hạng Ba (League One). Đấy là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử Leeds United. Và đấy là hậu quả từ câu chuyện trèo cao té đau của Peter Ridsdale, doanh nhân giữ chức chủ tịch Leeds trong giai đoạn 1997-2003.
Lịch sử của Leeds vốn đã nhộn nhịp lắm rồi. Họ có đủ các danh hiệu VĐQG, FA Cup, Cúp Liên đoàn. Họ từng đá trận chung kết Cúp C1 châu Âu với Bayern, chung kết Cúp C2 với AC Milan danh tiếng. Họ nhiều lần đoạt Cúp Hội chợ - tiền thân của UEFA Cup mà sau này là Europa League. Sẽ phải mất nhiều thời gian để điểm qua những tên tuổi lớn từng khoác áo Leeds United: Eric Cantona, Ian Rush, Billy Bremner, Jack Charlton, Gordon Strachan, Rio Ferdinand...
So sánh với những trang sử hấp dẫn ấy, sự thăng trầm của Leeds trong vài năm trước và sau thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ vẫn ầm ĩ hơn rất nhiều. Có khi chất liệu đủ để làm hẳn một bộ phim hay.
Leeds đã vô địch bóng đá Anh mùa 1991/92 - mùa cuối cùng trước khi Premier League xuất hiện, với Eric Cantona khi ấy là người hùng của Leeds chứ chưa chuyển sang M.U một cách ngẫu nhiên. Nhưng thứ bóng đá sặc mùi tiền bạc ở nước Anh nói riêng cũng như châu Âu nói chung chỉ bùng nổ vài năm sau đó. Đề tài của bóng đá đỉnh cao từ giữa đến cuối thập niên 1990 phải là Champions League, là Premier League, là những hợp đồng truyền hình khổng lồ và giá chuyển nhượng cầu thủ tăng vọt đến mức điên rồ. Chẳng ai quan tâm cái đội Leeds cổ lỗ sĩ kia nữa.
Một doanh nhân địa phương, gắn bó với Leeds từ bé trong tư cách fan ruột, bước ra trước khi mùa bóng 1997/98 khai diễn. Đó là chủ tịch Peter Ridsdale, với chỉ một “chiêu” duy nhất để điều hành bóng đá nhà nghề: mua sắm cầu thủ để có thành công. Từ vị trí số 11 trước đó, Leeds vươn lên vị trí số 5 ở Premier League và luôn đứng trong Top 5 suốt 5 mùa bóng liên tiếp. Họ vào bán kết UEFA Cup và Champions League trong giai đoạn này. Nhưng sự đáng nhớ chủ yếu là ở lối chơi hấp dẫn trên sân. Hậu vệ Ian Harte là người Ireland mà chơi như một ngôi sao Brazil!
Dù đã nổi tiếng với khả năng đào tạo trẻ (Alan Smith, James Milner, Aaron Lennon, Jonathan Woodgate, Paul Robinson chỉ là một số trong rất nhiều ngôi sao vươn lên từ lò trẻ Leeds), Ridsdale vẫn luôn mạnh tay chi tiền trên thị trường chuyển nhượng. Rio Ferdinand, Mark Viduka, Jimmy Floyd Hasselbaink, Robbie Fowler, Robbie Keane xuất hiện. Đằng sau vẻ hào nhoáng trên sân cỏ là bản cân tài chính đáng âu lo. Thật đáng ngạc nhiên: quan điểm của Ridsdale là nếu đã rải tiền mà chưa tiến đến được sự thống trị, thì phải chi mạnh hơn nữa - dù đấy là... tiền vay.
Giống như một kẻ chỉ muốn luyện võ công tối thượng dù không đủ nội lực trong truyện kiếm hiệp, Leeds của Ridsdale... “tẩu hỏa nhập ma” khi các khoản nợ đáo hạn. Bán lại ngôi sao? Vấn đề ở đây không chỉ là mua đắt bán rẻ. Ridsdale thậm chí còn phải “đi đêm” để năn nỉ đội khác mua lại cầu thủ của Leeds (như M.U mua Smith). Trên bề mặt, người ta chỉ thấy các ngôi sao lũ lượt rời khỏi Leeds. Sau mới biết thêm: để xoay kịp tiền trả nợ, Leeds chấp nhận chỉ lấy tiền chuyển nhượng và vẫn trả lương tháng cho Fowler, gần 2 năm sau khi anh đã chuyển sang đội khác!
Cứ thế, Leeds suy sụp, thậm chí suýt phá sản và hoàn toàn biến mất trong làng bóng đỉnh cao từ sau mùa bóng 2003/04.
Nhận giải fair-play 2019 |
XEM THÊM
Grealish là giải pháp tốt hơn Maddison dành cho M.U
Covid-19 'khai tử' các bản hợp đồng bom tấn
Thấy và chưa thấy gì từ cuộc họp quyết định số phận Premier League?