Cách đây không lâu, Ranieri từng giải thích về biệt danh kỳ cục của mình, và nó liên quan tới ông chủ cũ Roman Abramovich: "Chelsea có nhiều tiền, nhưng phải đến cuối mùa hè, chúng tôi mới mua sắm điên cuồng. Chelsea chiêu mộ tân binh mỗi ngày, và điều quan trọng là tôi phải kết nối những người này dù CLB đã bắt đầu mùa giải mới. Đó là lúc nhiều người gọi tên là 'Gã thợ hàn', vì tôi đã xoay tua đội hình rất nhiều. Nhưng khi các tân binh cập bến, tôi phải tìm cách để giúp họ đá ăn ý với đồng đội mới".
Là thợ hàn cũng được, ít ra nó không xấu. Trái lại, đấy là biểu hiện của sự quyết tâm muốn mang lại lợi ích cho đội bóng chủ quản - thứ không còn thấy nơi Ranieri lúc này.
Ranieri làm việc ở Watford trong 112 ngày và thật buồn khi nhiều nhân chứng trong cuộc nói rằng ông dường như đã lường sẵn màn chia tay ngay từ ngày đầu.
Ranieri vẫn là một quý ông chuẩn Italia, lịch thiệp với mọi người. Nhưng trái tim của ông thì không ở Watford, điều đó rất rõ ràng. Người ta hiếm khi thấy Ranieri ở canteen, không thấy ông ngồi một góc tâm sự với ai đó, cũng chẳng bao giờ ở lại khuya trong văn phòng.
Lẽ ra trước khi soạn hợp đồng với Ranieri, nhà Pozzo - những ông chủ của Watford, nên gọi trước cho phía Fulham. Đấy là bến đỗ gần nhất của Ranieri tại Ngoại hạng Anh, và cái kết cũng tệ không kém.
Chỉ 2 năm sau chiến tích lẫy lừng cùng Leicester, Ranieri được bổ nhiệm làm người đứng đầu sân Craven Cottage. Nhưng chỉ sau 106 ngày, với chỉ 3 chiến thắng trong 19 trận, Ranieri bị sa thải.
Phương pháp tập luyện của Ranieri bị đánh giá là lỗi thời, không kích thích được sự hào hứng của cầu thủ. Sự khát khao của ông cũng bị nghi ngờ, hoặc chí ít là ông không truyền được nó cho học trò.
Rõ ràng là không có nhiều biến chuyển nơi Ranieri kể từ lúc đó. Ở Watford, Ranieri dẫn dắt đội bóng đánh bại MU 4-1, nhưng chiến tích đó không xóa mờ được sự thật là họ chỉ giành được 7 điểm trong tối đa 36 điểm.
Di sản mà Ranieri nhận được là một Watford đứng thứ 14, để rồi khi ông trao trả thì đội bóng đứng thứ 19 - kém vị trí an toàn 2 điểm. Quan trọng là, Ranieri cho cảm giác ông không muốn trở thành một phần của Watford.
"Rất khó để thấu hiểu cầu thủ khi Ranieri chẳng bao giờ ở đó", một nhân viên của Watford chia sẻ. Ranieri cứ như một nhân viên bán thời gian, luôn có công việc khác cần thực hiện ở nhà và chỉ chăm chăm hết giờ để biến mất.
Với một tập thể nhiều vấn đề, cần hơn 100% cố gắng từ những thành viên. Nhưng Ranieri thậm chí không thể so sánh với chính mình ngày trước, và trát sa thải đến như một sự giải thoát, cho cả... hai.