Khi trận cầu mệt mỏi tại Europa League giữa Tottenham và MU diễn ra ở Bilbao, cảm xúc của người hâm mộ trong và ngoài nước hẳn là trái ngược nhau. Các CLB ở châu Âu có lẽ sẽ cảm thấy xấu hổ về chất lượng giải đấu của họ khi hai đội bóng chỉ đứng thứ 16 và 17 của Premier League lại lọt vào trận chung kết.
Tuy nhiên, với nhóm các CLB đang ngày càng khao khát vươn lên ở giải đấu hàng đầu nước Anh, họ hẳn sẽ theo dõi trận đấu với tâm trạng đầy phấn khích, thầm nghĩ mình hoàn toàn có thể đứng trên cả hai đội bóng này ở mùa giải tới.
Khi bảng xếp hạng Premier League khép lại vào cuối tuần qua, điều đáng sợ với MU chính là sự thay đổi về tư duy của hầu hết các CLB, và điều đó trở nên đáng lo ngại hơn khi Quỷ đỏ chỉ giành được 2 điểm trong 8 trận trước vòng đấu cuối. Đây rõ ràng là cột mốc ảnh hưởng lớn tới việc liệu trật tự vốn có tại Premier League còn tiếp tục tồn tại trong những năm tới hay không.
Khi xem xét khả năng phá vỡ trật tự cố hữu của nhóm "Big Six" gồm Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City, MU và Tottenham trong suốt thập kỷ qua, người ta đi đến kết luận rằng một "cơn bão hoàn hảo" là điều kiện bắt buộc để một đội bóng khác có thể chen chân vào - hoặc thậm chí là đẩy một đội trong số đó ra ngoài.
Công thức thành công thường được cho là một thành viên hiện tại của "Big Six" phải vắng mặt tại Champions League trong 3 mùa giải liên tiếp, trong khi một đội bóng "ngoại đạo" lại giành quyền tham dự giải đấu này 3 mùa liên tiếp.
Thu nhập từ Champions League là yếu tố duy nhất có thể thay đổi cục diện, bởi chỉ riêng việc góp mặt cũng mang lại tối thiểu 30 triệu bảng, và nếu tiến sâu vào vòng knock-out và sở hữu hệ số UEFA tốt, số tiền có thể lên đến từ 100 triệu đến 150 triệu bảng.
Cho đến nay, chưa có "kẻ nổi loạn" nào góp mặt hai mùa liên tiếp tại Champions League. Tuy nhiên, sau những gì đã diễn ra mùa này, câu chuyện giờ đây có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu Aston Villa và Newcastle là hai ứng viên sáng giá cho việc "gắn bó lâu dài" với nhóm dẫn đầu, thì MU lại đang đối mặt nguy cơ lớn nhất bị gạt khỏi cuộc chơi.
Lần gần nhất Quỷ đỏ có hai mùa liên tiếp dự Champions League là 2020/21 và 2021/22. Việc không thể vô địch Europa League - đồng nghĩa không thể giành suất dự Champions League thông qua "cửa sau" như Tottenham - khiến họ lần đầu tiên không góp mặt tại bất kỳ sân chơi châu Âu nào trong một thập kỷ.
Dù MU vẫn là CLB có doanh thu cao thứ 4 thế giới, nhưng các đội bóng khác đang dần bắt kịp. Thất bại ở Bilbao đã khiến Quỷ đỏ hụt khoản tài chính khoảng 80 triệu bảng - một đòn giáng mạnh vào tình hình kinh doanh vốn đã vô cùng khó khăn. MU đã mất đi "vầng hào quang" từng khiến các đối thủ sợ hãi, trong khi những đội bóng thuộc tầng lớp trung lưu tại Premier League đang ngày càng tham vọng hơn.
Khi các đội bóng mới thăng hạng gần như không thể bắt kịp khoảng cách tài chính chỉ trong một mùa hè, với minh chứng là cả 6 đội mới lên hạng trong hai mùa gần nhất đều xuống hạng ngay lập tức, thì có bao nhiêu CLB tại Premier League sẽ bước vào tháng 8 tới với mục tiêu duy nhất là trụ hạng?
Wolves? Everton? Những năm qua, họ từng buộc phải sống với tư duy đó. Nhưng hiện tại, Everton đã đổi chủ sở hữu, xây sân vận động mới giúp tăng doanh thu, và tái bổ nhiệm David Moyes - hy vọng tái hiện thời kỳ họ luôn có mặt trong Top 8 từ mùa 2006/07 đến 2013/14.
Crystal Palace là đội gần nhất với tâm lý "trụ hạng là đủ". The Eagles xếp từ hạng 10 đến 15 với 45 đến 49 điểm (mùa này là 53 điểm) trong suốt 12 mùa liên tiếp tại Premier League, song giờ đây họ có thêm niềm tin khi đã có được một danh hiệu. Việc "tồn tại" từng là mục tiêu, nhưng hiện không còn như vậy, nhất là khi ngót một nửa số đội tại giải đấu đã giành quyền dự cúp châu Âu mùa tới.
Còn bao nhiêu lần trật tự này bị đảo lộn nữa trước khi cái mác "Big Six" chính thức bị khai tử?
"Mọi người bây giờ đều thấy điều đó", một giám đốc thể thao tại Premier League chia sẻ. "Nhất là khi nhìn vào tình trạng tài chính hỗn loạn của MU. Giờ đây, chúng ta đang nói về một nhóm 12 đội mới thay vì bộ tứ hay Big Six cũ. Nhóm 12, thậm chí 14 đội này sẽ là những đội thường xuyên tranh chấp các vị trí trong Top 6 hoặc Top 8".
Nếu điều đó trở thành hiện thực, và các đội "truyền thống" không còn chắc suất dự châu Âu, khoảng cách doanh thu vốn mang lại lợi thế cạnh tranh cũng sẽ bị thu hẹp đáng kể. Sự sa sút của MU mùa này có thể là trường hợp cực đoan, song trước đây, một mùa thất bát của các ông lớn thường được xem là ngoại lệ - dễ dàng khắc phục bằng cách mua sắm các ngôi sao từ những đội nhỏ hơn.
Sir Alex Ferguson từng biến việc chiêu mộ "Vua phá lưới" hoặc cầu thủ hay nhất giải đấu thành thông lệ - để thể hiện sức mạnh. Nếu không giúp MU mạnh hơn, thì ít nhất cũng khiến đối thủ suy yếu. Dù vậy, các quy định về lợi nhuận và tính bền vững đã khiến điều đó khó khăn hơn, trong khi các đội nhỏ không còn chấp nhận đứng dưới đáy chuỗi thức ăn nữa.
Các CLB tầm trung đang sở hữu lực lượng tốt nhất trong nhiều năm mà không cần bán bớt - một đặc ân có được nhờ sự bùng nổ của doanh thu bản quyền truyền hình. Palace đã giữ được Marc Guehi và Eberechi Eze. Trong khi ấy, Nottingham - đội gây bất ngờ mùa này - đang sở hữu nhiều cầu thủ lọt vào tầm ngắm của các ông lớn tại Anh và châu Âu: Morgan Gibbs-White, Murillo, Anthony Elanga, Elliot Anderson, Callum Hudson-Odoi hay Nikola Milenkovic đều có giá trị cao.
Có thể một vài người sẽ ra đi mùa hè này, nhưng không ai trong số họ có điều khoản phá vỡ hợp đồng - điều giúp CLB có quyền chủ động và ra giá cao.
Vậy trật tự "Big Six" đã chết rồi sao?
"Tôi nghĩ vậy", HLV Mikel Arteta của Arsenal trả lời báo giới Anh trong tháng này. "Mặt bằng chung giờ đã vượt xa so với những gì chúng ta từng chứng kiến trong 12 tháng trước. Tôi biết nhiều HLV khác và chúng tôi cũng đã bàn về điều đó.
Cách mà giải đấu này đang phát triển, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt - thực sự khiến người ta phải choáng ngợp. Khoảng cách giữa chiến thắng và thất bại ở Premier League lúc này là rất mong manh. Mùa tới sẽ còn khó khăn hơn nữa. Nếu bạn hỏi bất kỳ HLV nào vào cuối mùa rằng 'Anh có thể đảm bảo dự Champions League mùa sau không?', tôi không nghĩ ai sẽ dám nói 'Có'. Điều đó nói lên tất cả".
Đó chính là sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tại Premier League và sự hội tụ lại của giải đấu này. Trong giai đoạn từ mùa 2009/10 - thời điểm kỷ nguyên "Big Six" bắt đầu - đến mùa 2017/18, đội đứng thứ 10 chưa bao giờ giành quá 50 điểm (trung bình 47,3 điểm). Nhưng từ đó đến nay, bao gồm cả mùa này với đội thứ 10 là Brenford có 56 điểm, điều này đã xảy ra trong 6/7 mùa gần nhất (trung bình 53 điểm).
Cùng lúc, đội xếp thứ 4 - thường là suất cuối cùng dự Champions League - từng đạt trung bình 71,7 điểm ở giai đoạn đầu, nhưng chỉ còn 68,5 điểm trong 6 mùa gần đây. Khoảng cách trung bình giữa đội thứ 4 và đội thứ 10 từng là 24,4 điểm, song nay chỉ còn 15,5 điểm - hiện tại là 13 điểm giữa Chelsea (69) và Brentford (56).
Trong đó, trước vòng cuối, nhóm 5 đội tranh suất dự Champions League chỉ hơn kém nhau 3 điểm, còn nhóm Brighton, Brentford, Fulham, Bournemouth, Palace - những đội tiêu biểu cho mô hình phát triển bền vững - chỉ cách nhau 6 điểm.
Sự hiện diện của Pep Guardiola đã kéo giãn khoảng cách của giải đấu trong những năm gần đây - với Man City đạt trung bình 91 điểm/mùa trong 7 mùa qua - nhưng ngay cả họ cũng có thể đang trở lại mặt bằng thực tế. Mùa này, Man xanh chỉ sở hữu 71 điểm sau 38 vòng.
Người ta có xu hướng nghĩ rằng sẽ lại có một đội khác thống trị thay Man City, nhưng nếu các CLB bắt đầu vô địch với số điểm "bình thường" thì sao? Với số lượng đội bóng cạnh tranh đông đảo như hiện nay, một cuộc "lật đổ" kiểu Leicester 2016 có thể sẽ không còn là cú sốc lớn nữa.