“Vua Midas” của bóng đá Italia
Với một người đam mê bóng đá nhưng không thể trở thành cầu thủ, Marotta phải làm gì? Trở thành một nhà quản lý hóa ra lại là một con đường sáng hơn việc đi theo nghiệp quần đùi áo số. Ở tuổi 19, Marotta đã được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách học viện của đội bóng quê nhà Varese. Chỉ một năm sau, ông được thăng chức lên làm GĐĐH và ngay trong mùa đầu tiên ở cương vị mới, người đàn ông sinh năm 1957 đã cùng với đội bóng trở lại Serie B.
Sau tiếng vang ở Varese, Marotta tiếp tục tạo dựng tên tuổi ở một loạt các đội bóng tầm trung như Monza, Como, Ravenna, Venezia và Atalanta. Nhưng chỉ đến khi cập bến Sampdoria, sự nghiệp của “Beppe” mới lên một tầm cao mới. Đi cùng với “I Blucerchiati” từ lúc chỉ ở giữa BXH Serie B, sau gần 10 năm, Marotta chia tay khi Sampdoria kết thúc mùa 2009/10 ở vị trí thứ 4 và giành tấm vé dự Champions League lần đầu tiên sau 18 năm.
Đến lúc này, không ai còn nghi ngờ về năng lực của Marotta được nữa. Chuyển tới đội bóng vĩ đại nhất Italia - Juventus, gần như là một điều hiển nhiên để thỏa mãn chí lớn của “Beppe”. Juve trước và sau sự xuất hiện của Marotta là hai bản thể hoàn toàn trái ngược. Trước mốc đó, “Lão bà” vẫn đang quay cuồng giải quyết những hậu quả của Calciopoli và không biết danh hiệu là gì. Nhưng kể từ lúc Marotta xây lại nền móng, thành công xô nhau đến liên tiếp, nổi bật nhất là mạch 9 Scudetto từ 2012 tới 2020.
Marotta không được chứng kiến 2 danh hiệu cuối bởi vào tháng 6/2018, sau mâu thuẫn không thể hòa giải với những giám đốc khác, ông đã rời Juve và gia nhập đại kình địch Inter, với mục tiêu không gì khác là lật đổ sự thống trị của... “Lão bà”.
Chức vô địch Serie A 2020/21 của Nerazzurri, đặt trong bối cảnh Juve suy thoái trầm trọng, một lần nữa chứng minh giá trị to lớn của Marotta. Thành tích này củng cố địa vị giám đốc bóng đá xuất sắc nhất Italia của Marotta. Người ta phải ví ông với “Vua Midas” khi cứ chạm vào đâu cũng thành vàng.
“Phù thủy” trên bàn đàm phán
Tài năng của Marotta thể hiện rõ nhất trong chính sách chuyển nhượng. Lấy ví dụ gần đây nhất là Lukaku. Khi Marotta đứng đằng sau thương vụ phá vỡ kỷ lục mua sắm trong lịch sử Inter, chiêu mộ Lukaku với giá 74 triệu euro từ M.U năm 2019, rất nhiều người nói đây là một sai lầm. Họ nói Marotta đã đánh mất “chất” của mình khi mua đắt một tiền đạo đã xuống phong độ trầm trọng.
Thế rồi Lukaku hồi sinh, ghi 64 bàn trong 95 trận và góp phần quan trọng vào chức vô địch Serie A lần đầu tiên sau 11 năm của Inter, những tiếng lao xao thưa dần. Đến khi tiền đạo người Bỉ “làm mình làm mẩy” đòi trở lại Chelsea cho bằng được vào mùa hè 2021, Marotta bán anh với giá hơn 113 triệu euro, tiếng chê bai tắt hẳn. “Beppe” huyền thoại không chỉ giúp đỡ các ông chủ khi cân đối tài chính theo yêu cầu của họ, đáp ứng nguyện vọng của cầu thủ mà quan trọng nhất là vụ chuyển nhượng này vẫn lãi.
Kinh ngạc hơn, chỉ sau một mùa, Marotta đàm phán để đưa Lukaku trở lại Giuseppe Meazza với chi phí chỉ 8 triệu euro cho một hợp đồng mượn không kèm mua đứt. Chelsea không vui vì con số nhỏ nhoi nhưng vẫn cảm kích vì đã tống khứ được một “của nợ”, Inter đương nhiên vui vì đón lại siêu trung phong với chi phí rẻ mạt. Tất cả các bên đều hài lòng dù đây là một trong những thương vụ bi hài nhất lịch sử. Tất cả là nhờ Marotta.
Hãy nhớ, cũng chính người đàn ông này mua Andrea Barzagli với giá chỉ 300.000 euro, chuyển nhượng tự do Andrea Pirlo và Paul Pogba, có Arturo Vidal và Carlos Tevez mà không mất quá 20 triệu euro, mua đi bán lại Achraf Hakimi chỉ trong một năm và lãi hơn 20 triệu euro... Thật sự, mỗi khi “Beppe” Marotta vung đũa thần, phép thuật lại xuất hiện.
Marotta tham vọng tăng chiều sâu đội hình cho Inter
Đưa Lukaku trở lại chỉ là một phần trong quá trình cường hóa lực lượng cho Inter của Marotta. “Mùa tới là một mùa bóng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Cho đến 15/11 sẽ có thêm tới 15 trận so với thông thường, bao gồm cả những trận đấu ở Champions League. Mục tiêu rõ ràng là để chuẩn bị cho World Cup 2022. Vì thế các đội bóng sẽ có phải có một lực lượng rất dày”.
Cải cách bóng đá Italia
Chứng kiến những thất bại của ĐT Italia và sự suy thoái doanh thu của các CLB Serie A, trong đó có cả Inter, Marotta đề xuất: “Chúng ta phải loại bỏ kiện tụng. Chúng ta phải cam kết hướng tới một con đường chung, tìm ra các hình thức thu nhập mới, tăng cường các nguồn như bản quyền phát sóng cho nước ngoài. Tái cơ cấu cả nền bóng đá là điều bắt buộc. So với Tây Ban Nha, doanh thu của chúng ta chỉ bằng 1/4 và so với nước Anh thì chỉ bằng 1/8”.
15. Tính đến trước phiên chợ Hè 2022, Marotta giúp Inter cân đối mua sắm khi chỉ lỗ hơn 15 triệu euro trên TTCN, dù đã chi tới hơn 455 triệu euro trong 4 năm qua. 2021/22 là mùa làm ăn hiệu quả nhất khi Inter lãi tới hơn 160 triệu euro.