Những môn thể thao 'đặc sản' Đông Nam Á

Điệp Anh
07:19 ngày 14-12-2019
Bên cạnh những môn thể thao phổ biến khắp thế giới như bóng đá, bơi lội và điền kinh, SEA Games còn có những môn có thể coi như “đặc sản” của Đông Nam Á. Kỳ đại hội lần thứ 30 vừa khép lại và đây là lúc chúng ta nhìn lại những “đặc sản” này.
Những môn thể thao 'đặc sản' Đông Nam Á

Võ gậy
Võ gậy là môn võ có xuất xứ từ Philippines. Môn võ dùng gậy làm vũ khí chính này không thực sự phổ biến ở Đông Nam Á. Không ngạc nhiên khi cả 2 lần võ gậy xuất hiện trong SEA Games thì đó đều là những kỳ SEA Games được tổ chức tại Philippines (2005 và 2019).

Tại SEA Games 2019, chỉ có 4 đoàn dự tranh môn võ gậy là Philippines, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Đoàn chủ nhà áp đảo hoàn toàn khi giành 14/20 HCV. Đoàn Việt Nam xếp thứ 2 với 4 HCV.

Muay
Người ta vẫn hay bông đùa rằng nếu như muốn người Thái Lan, người Lào, người Campuchia và người Myanmar tranh cãi với nhau thì cứ cho họ nói về môn kickboxing của Đông Nam Á này. Người Thái gọi đó là Muay Thai. Nhưng người Lào gọi là Muay Lao. Người Campuchia và người Myanmar cũng có tên gọi riêng cho môn này. Nói chung là trừ người Thái Lan ra, không ai thích gọi bằng tên Muay Thai.

Môn Muay được phổ biến ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar

Đoàn Campuchia từng dọa nếu dùng tên Muay Thai, họ sẽ tẩy chay môn này ở SEA Games. Thế là những SEA Games gần đây, các bên thống nhất gọi nó bằng cái tên đơn giản: Muay.

Dù thế nào thì Muay vẫn có thể coi là một niềm tự hào của Đông Nam Á nói chung. Vì nó đã được công nhận là môn thể thao Olympic.

Pencak Silat
Silat là thuật ngữ chung để chỉ một nhóm môn võ ra đời và phát triển ở Indonesia, Malaysia, Singapore và miền Nam Thái Lan. Ở Indonesia, Silat được kết hợp với môn võ bản địa Pencak để tạo nên môn thi đấu trong thể thao. Pencak Silat bắt đầu góp mặt vào nội dung tranh tài ở SEA Games kể từ kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á ở Jakarta vào năm 1987.

Rất may cho Indonesia là các đoàn hàng xóm của họ không phản đối cái tên Pencak Silat như cách các hàng xóm của Thái Lan phản đối cái tên Muay Thai. Các đoàn còn lại không quan trọng Pencak Silat hay “cái gì Silat”. Miễn sao môn này được đưa vào SEA Games là họ tán thành. Vì họ đánh giá có thêm Pencak Silat là cơ hội “đào huy chương” của họ gia tăng.

Pencak Silat là môn võ xuất phát từ Indonesia

Tuy nhiên, có vẻ các đoàn kể trên đã nhầm. Bởi Việt Nam tuy không có truyền thống về Pencak Silat nhưng kể từ khi Pencak Silat được “nhập khẩu” về Việt Nam thì đoàn Việt Nam lại thường thi đấu rất thành công môn này. 

Pencak Silat đã được đưa vào nội dung thi đấu ở ASIAD 2018. Cũng dễ hiểu khi đó là kỳ ASIAD được tổ chức tại Jarkata và Palembang của Indonesia.

Cầu mây
Cầu mây có lẽ là một trong những môn thể thao đặc trưng Đông Nam Á và phổ biến nhất ở SEA Games hiện nay. Như ở SEA Games 2019, có tới 9 đoàn cử VĐV tranh tài cầu mây.


Cầu mây thực sự là môn thể thao Đông Nam Á ngay từ tên gọi của nó. Tên Sepak Takraw của cầu mây là kết hợp giữa từ “Sepak” trong tiếng Malaysia nghĩa là “sút” và từ “Takraw” trong tiếng Thái Lan nghĩa là “quả cầu mây”.

Cầu mây  là một “mỏ vàng” của Thái Lan

Với những ai không ở Đông Nam Á, khi tìm hiểu về cầu mây, họ thường được liên tưởng tới môn bóng chuyền hay cầu lông cho dễ hình dung. Khác với hai môn kia, cầu mây đòi hỏi người chơi không được dùng tay. Thay vào đó, VĐV cầu mây chỉ có thể sử dụng chân, gối, đầu và ngực.

Đá cầu
Đá cầu cũng khá giống với cầu mây. Khác biệt cơ bản là cầu mây sử dụng quả cầu mây còn đá cầu sử quả cầu.

Nhưng so với cầu mây, đá cầu không phổ biến trong khu vực Đông Nam Á bằng. Dù có nguồn gốc xâu xa từ Trung Quốc, đá cầu được chơi nhiều ở Việt Nam và Campuchia. Trong đó, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt về môn này.

Giống như võ gậy, đá cầu hiếm khi “chui” được vào SEA Games. 2 kỳ SEA Games có đá cầu là SEA Games 2003 ở Việt Nam và SEA Games 2009 ở Lào.
Dù sao, đá cầu cũng mang đến sự tò mò thích thú với nhiều người ngoài khu vực Đông Nam Á. Còn nhớ khi Chris Smalling sang du lịch Việt Nam, trung vệ người Anh này đã rất khoái chí được thử sức với môn đá cầu.

“Cầu mây không đối kháng”
Tên gọi chính thức của môn này là Chinlone. Ở Việt Nam, Chinlone được gọi là Tâng bóng nghệ thuật. Tuy nhiên, trái bóng được sử dụng để tâng không phải quả bóng da mà là trái cầu mây.

Khác với cầu mây chia 2 đội thi đấu đối kháng, Chinlone chỉ mang tính biểu diễn. Một nhóm gồm 6 người xếp thành vòng tròn, tâng bóng cho nhau sao cho bóng không chạm đất. Nên ví Chinlone là “cầu mây không đối kháng” là vì thế.

Đáng tiếc cho Vovinam
So với các môn võ khác ở Đông Nam Á, Vovinam không phổ biến bằng. Dù vậy, môn võ có nguồn gốc từ Việt Nam này cũng đã góp mặt vào SEA Games 2011 ở Indonesia và SEA Games 2013 ở Myanmar.

Ban đầu, Vovinam được xác định tái xuất ở SEA Games 2019. Tiếc rằng đến phút chót khi chốt lại các môn thi đấu, BTC SEA Games 2019 lại gạch tên Vovinam. Họ thay thế Vovinam bằng polo.

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x