Bóng Đá Plus trên MXH

Play-off kiểu Mỹ: Thể thức đặc biệt hái ra tiền nhưng không hợp với bóng đá

09:13 ngày 26/04/2021
Không chỉ gọi bóng bầu dục là… bóng đá, người Mỹ còn có thể thức play-off trong thể thao khác xa phần còn lại của thế giới. Play-off kiểu Mỹ không có nghĩa là vòng đấu tranh vé vớt, mà ngược lại, là nơi để họ tìm ra nhà vô địch xuất sắc nhất.

    Play-off kiểu Mỹ

    Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp đã trở thành một trong những ngành công nghiệp giải trí béo bở nhất thế giới. Theo báo cáo của Businesswire, thị trường thể thao toàn cầu sẽ đạt giá trị 614,1 tỷ USD vào năm 2022. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên từng năm, bất chấp ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

    Đáng chú ý, Mỹ vẫn là miền đất hứa của thể thao cho dù vị trí của “môn thể thao vua” bóng đá rất mờ nhạt. Tất cả là nhờ vào thể thức play-off đặc biệt của NFL, MLB, NBA và NHL.

    Đầu tiên phải kể đến MLB (Giải vô địch bóng chày quốc gia Mỹ) - giải đấu thể thao chuyên nghiệp lâu đời nhất nước Mỹ và Canada, bao gồm 30 đội tham dự, 15 đội chơi ở National League và 15 đội còn lại ở American League. Mùa giải MLB có tổng cộng 162 trận đấu và đây cũng là nơi mở đầu khái niệm play-off kiểu Mỹ.

    Sau một mùa giải thông thường, 8 đội đứng đầu hai “hội nghị” bước vào vòng play-off để xác định nhà vô địch của từng giải. Cuối cùng, các đội chiến thắng ở National League và American League sẽ gặp nhau ở World Series để xác định nhà vô địch cuối cùng. 

    Tương tự như vậy, NFL (Giải vô địch bóng bầu dục quốc gia Mỹ) cũng tạo ra sức nóng khủng khiếp nhờ thể thức play-off. Giải đấu này bao gồm 32 đội, chia thành hai giải nhỏ NFC và AFC. Trong mỗi giải nhỏ lại chia thành 4 bộ phận khác nhau: Bắc, Nam, Đông và Tây. Các đội chiến thắng ở các bộ phận này sẽ giành vé vào vòng play-off. Vòng play-off lại có 4 vòng khác nhau, kết thúc bằng sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh: Super Bowl.

    Theo báo cáo, NFL chính là giải đấu thể thao giàu nhất, có doanh thu và lợi nhuận cao nhất thế giới. Năm 2018, doanh thu của NFL lên đến 16 tỷ USD - một con số khủng khiếp. 

    Các môn thể thao khác ở Mỹ không nằm ngoài thể thức play-off giữa các vùng miền khác nhau. Nước Mỹ buộc phải dùng đến thể thức khác xa phần còn lại của thế giới không phải vì muốn chơi ngông hay chơi trội. Mà bởi vì đặc thù địa lý rộng lớn của họ, khi việc thi đấu sân nhà - sân khách trở nên bất cập nếu gộp chung tất cả các CLB vào một giải đấu duy nhất.

    NBA (bóng rổ), NHL (khúc côn cầu), MLS (bóng đá) Mỹ cũng bắt buộc tổ chức theo hệ thống trên. Quy chuẩn của các giải đấu thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ đều chia thành 2 hội nghị (miền Đông, miền Tây), mỗi hội nghị lại chia nhỏ thành 2 đến 4 bộ phận tùy môn. Từ những giải đấu nhỏ này, các đội xuất sắc nhất sẽ được bước vào vòng play-off và cạnh tranh chức vô địch.

    Không phù hợp với bóng đá

    Cho dù play-off kiểu Mỹ đã chứng minh sự tối ưu của nó với thể thao nước này, thì bóng đá vẫn là ngoại lệ. MLS cho dù đã rất cố gắng phát triển, thu hút ngôi sao lớn từ châu Âu trong những năm qua nhưng vẫn lép vế so với các bộ môn khác. Đặc biệt, MLS kém hấp dẫn ngay cả với những người yêu mến bóng đá.

    Lý do rất đơn giản, những ai yêu mến trái bóng tròn đều quen với các thể thức thi đấu thông thường, các đội thi đấu vòng tròn hai lượt để xác định nhà vô địch bằng điểm số. Với các giải đấu cúp, các đội sẽ đá vòng bảng rồi đến vòng loại trực tiếp và đến chung kết. Play-off ở đây là trận đấu mang tính chất tranh “vé vớt”.

    Để có những trận play-off hấp dẫn như thể thao Mỹ, các giải đấu buộc phải tách ra làm hai bộ phận có sức mạnh tương đồng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra bất cập - như MLS khi các đội phải gặp nhau quá nhiều lần trong một mùa giải. Chưa kể, việc lên xuống hạng gần như không thể xác định khiến giải đấu trở nên nhàm chán. Trên thực tế, Super League châu Âu dựa trên thể thức này và lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ giới mộ điệu. Hơn bất cứ thứ gì khác, những phản ứng đó là câu trả lời cho việc play-off kiểu Mỹ có áp dụng được vào bóng đá hay không.

    Phức tạp như giải VĐQG Argentina

    Giải VĐQG Argentina nổi tiếng là giải bóng đá có thể thức thi đấu và cách tính điểm phức tạp nhất thế giới. Primera Division xác định đội xuống hạng bằng hệ thống Promedios, tính điểm dựa trên… 4 mùa giải liên tiếp (mùa hiện tại và mùa trước đó). Nếu một CLB không thi đấu đủ số mùa, thì hệ thống này tính điểm dựa trên các mùa họ chơi ở hạng cao nhất. Ngoài ra, giải VĐQG Argentina cũng áp dụng thể thức chia bảng, đá play-off như thể thao Mỹ, với mỗi khu vực bao gồm 12 đội bóng.

    Tháng 3 điên rồ

    Ngoài play-off, thể thao Mỹ còn một thể thức đặc biệt khác được áp dụng cho giải bóng rổ hạng nhất, đó là tháng 3 điên rồ (March Madness). Nó giống như một vòng chung kết bóng rổ cho các trường đại học và các đội bóng hạng thấp, được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. 68 đội từ khắp nước Mỹ - bao gồm 32 đội giành chiến thắng từ các giải hạng Nhất và 36 đội do Ủy ban tổ chức giải lựa chọn sẽ tranh tài để tìm ra nhà vô địch. 

     

    Cẩm Chi • 09:13 ngày 26/04/2021

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay