Công thức thích là vô địch của Thái Lan
180 phút chính thức sau 2 lượt đi và về khép lại với thất bại của Việt Nam trước Thái Lan. Có thể, đâu đó những yếu tố ngoại cảnh như lực lượng (Việt Nam không có đội hình mạnh nhất), trọng tài (một vài quyết định của trọng tài Al-Adba gây bất lợi với Việt Nam) và may mắn (Quang Hải sút 2 lần trúng xà ngang) ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc của hai đội. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, hành trình mà Thái Lan tiến sát tới ngôi vô địch cho tới hiện tại là xứng đáng hơn so với Việt Nam.
Một trong những yếu tố làm nên một Thái Lan vừa lập tới 3 kỷ lục AFF Cup sau chiến thắng 4-0 trước Indonesia, bao gồm chuỗi bất bại dài nhất lịch sử (14 trận), chiến thắng đậm nhất ở chung kết trong lịch sử (4-0), cầu thủ ghi bàn nhanh nhất lịch sử (Chanathip với 85 giây) chính là sự hiện diện của Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan.
Năm 2014 và 2016, trong giai đoạn vàng của đội tuyển Thái Lan dưới thời Kiatisak Senamuang, Chanathip và Theerathon vốn dĩ đã làm mưa làm gió. Nhờ sự xuất sắc của 2 cầu thủ này kết hợp với dàn quân được huấn luyện cực tốt từ Kiatisak, Thái Lan đã vô địch AFF Cup trong 2 năm đó. Năm 2018, Thái Lan bất ngờ đến AFF Cup với một đội hình gồm nhiều cầu thủ ở mức chất lượng vừa phải. Không có Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Thái Lan trầy trật ở giải đấu đó và dừng bước tủi hổ ở bán kết trước Malaysia. Đó cũng là năm mà Việt Nam mạnh nhất đã lên ngôi vô địch một cách thuyết phục.
Năm 2021 với phiên bản AFF Cup 2020, người Thái thay đổi suy nghĩ về cách nhìn nhận AFF Cup. Chính xác hơn, họ hiểu rằng một chức vô địch AFF Cup lúc này là điều bắt buộc để lật lại thế cờ tại Đông Nam Á. Nói như cách của Madam Pang, trưởng đoàn của Thái Lan, đây là cơ hội để Thái Lan lấy lại niềm tin sau 4 năm sa lầy bởi thất bại.
Đội hình mạnh nhất của Thái Lan được triệu tập. Yếu tố mạnh nhất ở đây chính là Chanathip và Theerathon hiện diện ở ĐTQG. 6 tháng trước, Thái Lan không có Theerathon (từ chối hội quân) và Chanathip (chấn thương). Họ hoà Indonesia, thua Malaysia và UAE rồi dừng bước ở vòng loại thứ 2 World Cup một cách nhục nhã. Nhưng 6 tháng sau, Chanathip bùng nổ ở bán kết và chung kết với 4 bàn thắng. 6 tháng sau, Theerathon khiến những hậu vệ biên của Đông Nam Á phải choáng váng với tư duy hiện đại.
Đó là công thức vô địch của Thái Lan, chí ít ở thời điểm hiện tại hoặc trong 1-2 năm nữa. Bởi với Theerathon – năm nay 31 tuổi và Chanathip – năm nay 28 tuổi thì họ vẫn đủ sức cống hiến ít nhất là AFF Cup 2022. Tất nhiên là nếu như Thái Lan vẫn “máu” AFF Cup nói riêng và muốn mình là số 1 Đông Nam Á nói chung.
Bài học cho những cầu thủ ưu tú của Việt Nam
Tất nhiên như đã nói, Việt Nam chưa hẳn đã lép vế so với Thái Lan. Đội hình mạnh nhất của Việt Nam cũng đã thủ hoà cả 2 lượt khi đấu với đội hình mạnh nhất của Thái Lan ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Đội hình mạnh nhất của Thái Lan cũng đã trải qua 3 trong 4 hiệp hoà 0-0 với đội hình vừa phải của Việt Nam ở 2 lượt bán kết đi và về. Đáng tiếc, những yếu tố cả về khách quan như đề cập bên trên đến chủ quan gồm sai lầm cá nhân cộng thêm sự hụt hơi về thể lực từ trụ cột và một giải đấu thiếu tính bất ngờ, đột biến từ toan tính của ông Park Hang Seo khiến Việt Nam thua người Thái.
Nhưng cũng nhìn từ hiệp đấu đầu tiên và cũng là bước ngoặt dẫn đến việc Việt Nam thua 0-2 trước Thái Lan, ngoài sai lầm cá nhân của Hồng Duy, Việt Nam đã để cho Theerathon và Chanathip tung hoành. Đó là sự khác biệt lớn của những cầu thủ ưu tú có thể dẫn dắt thế trận và định đoạt kết quả trận đấu.
Bên phía Việt Nam, chúng ta có Quang Hải, Hoàng Đức chơi rất tốt. Nhưng để đạt đến trình độ như Theerathon và Chanathip thì cần phải có một cuộc cách mạng. Cách đây vài năm trước, Chanathip cũng xuất sắc như Quang Hải của hiện tại. Nhưng anh không dừng lại ở đẳng cấp gói gọn Đông Nam Á. Anh cùng với Theerathon sẵn sàng chấp nhận thử thách ở nước ngoài mà cụ thể là Nhật Bản để nâng tầm trình độ của bản thân.
Sẽ không bao giờ có một Theerathon chơi “inverted wingback” hiện đại như bây giờ nếu như anh vẫn cứ chỉ chơi tại Thái Lan. Sẽ chẳng bao giờ có một Chanathip cầm bóng qua 2-3 cầu thủ và dứt điểm khôn ngoan như lúc này nếu như trình độ của anh ngày càng được nâng tầm nhờ cọ xát với những cầu thủ hàng đầu châu Á và ngoại binh kỳ cựu tại châu Âu hiện diện tại J.League 1.
Teerathep Winothai, thần đồng của bóng đá Thái Lan một thời chỉ ra rằng: “Tôi có thể nói thêm gì về Chanathip bây giờ. Cậu ấy chơi quá hay và ở một đẳng cấp khác. Cần nhớ rằng Chanathip khẳng định được năng lực ở J.League. Tỏa sáng ở Nhật Bản giúp cậu ấy tiến lên một đẳng cấp khác so với bóng đá Đông Nam Á. Cậu ấy học hỏi từ những cầu thủ hàng đầu, từ một nền bóng đá hàng đầu châu lục nên sự tiến bộ là điều dễ hiểu”.
Đi xa, nhưng là đi đâu?
Chanathip và Theerathon xứng đáng là tấm gương để những cá nhân ưu tú bên phía đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Hoàng Đức mạnh dạn phát triển năng lực của bản thân. Với những gì mà họ đã thể hiện trong cả năm 2021 nói chung và cách mà họ làm giảm tầm ảnh hưởng đến từ chính Chanathip và Theerathon ở hiệp 1 bán kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan nói chung là một lời khẳng định cho trình độ của bộ đôi này.
Nói không ngoa, Quang Hải và Hoàng Đức đang sở hữu tài năng vượt tầm Đông Nam Á. Nhưng họ sẽ không thể phát hiện và khai thác điều đó nếu như vẫn chỉ thi đấu tại V.League từ năm này qua năm khác. Đã đến lúc Quang Hải, Hoàng Đức – những niềm tin của bóng đá Việt Nam vươn tầm. Câu hỏi ở đây đặt ra rằng, họ sẽ đi đâu để được như Chanathip và Theerathon, thay vì đi vào vết xe đổ của chính những Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh?
Jernel Kamensek, nhà môi giới kỳ cựu từ châu Âu nhiều năm làm việc ở Việt Nam cho rằng, với năng lực của Quang Hải và Hoàng Đức, họ đủ khả năng chơi bóng ở Đông Âu. Hoặc phù hợp hơn, cả hai hãy lựa chọn xuất phát điểm xuất ngoại là Thái Lan trước khi nghĩ đến Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Sự ảo tưởng về năng lực có thể giết chết tài năng của Quang Hải và Hoàng Đức. Đồng ý là họ nên xuất ngoại để phát triển năng lực của bản thân. Nhưng họ cũng cần người vạch đường chỉ lối để năng lực ấy không bị lãng phí.