Ai chịu trách nhiệm cho chấn thương liên miên của Đoàn Văn Hậu?

Trí Công Trí Công
19:57 ngày 14-09-2021
2 năm qua, Đoàn Văn Hậu trải qua 4 lần chấn thương gối, chuẩn bị lần thứ 2 phẫu thuật và chỉ thi đấu vỏn vẹn 17 trận. Những chấn thương triền miên của Văn Hậu là bài học lớn để chúng ta không sai lầm thêm nữa, trong cách nhận định chấn thương và sử dụng cầu thủ.

Đoàn Văn Hậu đã chấn thương thế nào?

Hôm qua, theo Bongdaplus, Đoàn Văn Hậu được đội ngũ y tế của Hà Nội FC xác nhận phải lên bàn mổ. Thời gian mà anh tiến hành phẫu thuật sẽ là vào tháng 10/2021. Từ nay cho đến thời điểm đó, Hà Nội FC sẽ lo thủ tục visa cho Văn Hậu sang Hàn Quốc. Và cũng từ thời điểm này cho đến nay, Văn Hậu sẽ cần nghỉ ngơi thật tốt trước khi lại bước vào cuộc chiến tiếp theo với cái đầu gối, dây chằng và sụn chêm của mình.

Sử dụng từ lại bởi đây không phải lần đầu trong 2 năm qua, Văn Hậu chấn thương đầu gối. Và đây cũng không phải lần đầu anh lên bàn mổ. Tháng 9/2019, Đoàn Văn Hậu dính chấn thương đầu gối trước khi lên tập trung ĐTQG Việt Nam, trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Nửa năm sau, Văn Hậu dính thêm một chấn thương đầu gối, trong trận hoà 3-3 giữa Jong Heerenveen và Jong Willem ở giải dự bị Hà Lan.

Đoàn Văn Hậu trải qua nhiều lần tái phát chấn thương đầu gối và phải phẫu thuật 2 lần - Đồ hoạ: Hữu Anh

Cả hai lần chấn thương đầu gối này, Văn Hậu đều không gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhưng khi trở về Hà Nội FC, trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2020, Văn Hậu bị phù dập dây chằng chéo trước, chéo sau và gân cơ khoeo, dập sừng sau sụn chêm, sừng trước sụn chêm ngoài độ 1 ở đầu gối. Cuối năm đó, anh phải lên bàn mổ lần đầu tiên và trải qua quãng thời gian 5 tháng để phục hồi ở PVF.

Gần đây, Văn Hậu được cho rằng bị lỏng dây chằng. Suốt quãng thời gian từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9, Văn Hậu phải tập riêng dưới sự giám sát của đội ngũ y tế ĐT Việt Nam. Để rồi mới đây, khi trở về CLB, ekip y tế đến từ Hàn Quốc của Hà Nội FC đã đánh giá Văn Hậu cần phải lên bàn mổ thêm một lần nữa.

Điều gì đã xảy ra với Văn Hậu?

Câu hỏi ở đây được đặt ra rằng, vì sao Đoàn Văn Hậu lại dính chấn thương triền miên như thế? Trước hết, quay trở lại câu chuyện từ giai đoạn tháng 8 đến tháng 10/2020, khi Văn Hậu dính chấn thương nặng ở đầu gối với phù dập dây chằng chéo trước, chéo sau và gân cơ khoeo, dập sừng sau sụn chêm, sừng trước sụn chêm ngoài độ 1, anh được chẩn đoán sẽ phải nghỉ hết năm.

Tuy nhiên đến đầu tháng 11, Văn Hậu đã được HLV Chu Đình Nghiêm đưa vào sử dụng, trong hai trận đấu quan trọng với Sài Gòn FC và Than Quảng Ninh ở hai lượt cuối cùng V.League 2020. Khi đó, Hà Nội FC đang ganh đua quyết liệt với Viettel. Và đó cũng là lý do mà HLV Chu Đình Nghiêm cần đến sự có mặt của Văn Hậu, nhằm đảm bảo cho những chiến thắng của Hà Nội FC trước 2 đối thủ kể trên (thắng 4-2 Sài Gòn FC và thắng 4-0 Than Quảng Ninh).

Nhưng nên nhớ rằng, một tháng trước đó, HLV Chu Đình Nghiêm từng ngập ngừng về thời gian trở lại của Văn Hậu. Ông nói khi đó rằng: “Tôi không biết thời điểm chính xác Văn Hậu sẽ lành chấn thương. Cậu ấy còn chưa quay lại tập với đội nên chưa thể đưa ra mốc thời gian quay lại”. Rồi đến khi quyết định mạo hiểm đưa Văn Hậu thi đấu 2 trận kể trên, ông Nghiêm đã nói: “Tôi hài lòng về màn trình diễn của Văn Hậu. Có một chút ngập ngừng ban đầu do lâu ngày em không chơi dẫn đến cảm giác bóng không được mượt mà. Nhưng cách Văn Hậu chơi trong hiệp 2 cho thấy em đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng bắt nhịp để sớm trở lại”. Bản thân Văn Hậu chia sẻ ở thời điểm đó: “Khi rời CLB Heerenveen về lại Hà Nội FC, tôi có quãng thời gian khó khăn vì bị chấn thương. Rất vui là mọi thứ tiến triển tốt và tôi được HLV tin tưởng cho đá trọn 90 phút gặp Sài Gòn FC. Rất khó để có được 100% phong độ sau chấn thương, nên tôi cố gắng từ từ để trở lại cảm giác tốt nhất. Dù như thế nào chúng tôi cũng không bỏ cuộc và sẽ chiến đấu hết mình vì khán giả và vì tất cả mọi người yêu mến CLB Hà Nội”.

Văn Hậu ra sân thi đấu ở cuối V.League 2020 khi cơ thể chưa thực sự sẵn sàng 100% - Ảnh: Đức Cường

Nhưng Văn Hậu đã không thể trở lại cảm giác tốt nhất như mong đợi của anh. Bởi như đã nói ở trên, cuối năm đó, Văn Hậu phải lên bàn mổ. Rõ ràng, sự mạo hiểm của Hà Nội FC, từ quyết định của HLV Chu Đình Nghiêm đến khâu đánh giá của đội ngũ y tế CLB đã phải đánh đổi bằng việc Văn Hậu không có đủ thời gian cần thiết để điều trị phục hồi chấn thương. Hệ quả, anh lên bàn mổ lần đầu tiên vào cuối năm trước.

Câu chuyện tương tự một lần nữa xảy ra sau đó, nhưng là với HLV Park Hang Seo và đội ngũ y tế của ĐT Việt Nam. Sau 6 tháng phẫu thuật và điều trị hậu phẫu, Văn Hậu trở lại theo triệu tập của HLV Park Hang Seo. Dù theo đánh giá của PVF, Văn Hậu sẽ chỉ có thể từ từ trở lại và khả năng thi đấu được trong tháng 6 nhưng ngay từ cuối tháng 5, HLV Park đã dần dần đưa Văn Hậu vào sân thi đấu, trước khi cho anh thi đấu giao hữu với Jordan và đá 3 trận ở những quãng thời gian khác nhau gặp Indonesia, Malaysia và UAE.

Nên nhớ, Trung tâm PVF đã gửi khuyến cáo lên HLV Park Hang Seo và Văn Hậu ở giai đoạn anh tập trung ĐTQG thế này: “Chúng tôi khuyến nghị Văn Hậu cũng như các cán bộ nhân viên làm việc với Hậu, cần tuân thủ giai đoạn 3-4 tuần tập luyện thích nghi với đội theo cường độ tăng dần trước khi cho cầu thủ tham gia thi đấu chính thức”. Rõ ràng, với khuyến cáo từ Trung tâm PVF đưa ra, Văn Hậu nên bắt đầu tham gia thi đấu chính thức vào khoảng đầu tháng 6, thậm chí là giữa tháng 6 nếu như muốn an toàn. Nhưng với tính chất quan trọng của 3 trận đấu cuối cùng của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 ảnh hưởng đến cơ hội lịch sử mà ĐT Việt Nam hướng tới, cũng như giá trị của Văn Hậu với hành lang trái của đội nhà, ông Park sau khi tham khảo ý kiến của đội ngũ bác sỹ đã quyết định dùng Văn Hậu ở giải đó.

HLV Park Hang Seo sớm sử dụng Đoàn Văn Hậu ngay từ cuối tháng 5/2021 - Ảnh: Đức Cường

Cũng như khi ở Hà Nội FC, Văn Hậu vẫn ra sân thi đấu cho ĐT Việt Nam. Nhưng dư âm sau đó với một chấn thương chưa hoàn toàn bình phục 100% đã khiến Văn Hậu tiếp tục bị chấn thương và dẫn đến chuẩn bị lên bàn mổ vào tháng 10, với lý do vẫn nằm từ cái dây chằng và sụn chêm đầu gối.

Về mặt khách quan, nhiều chuyên gia cho rằng, HLV Park Hang Seo, đội ngũ y tế của ĐT Việt Nam hay trước đó là HLV Chu Đình Nghiêm, đội ngũ y tế của Hà Nội FC đã vội vàng trong việc sớm dùng Văn Hậu. Nhưng về mặt chủ quan, là người hiểu rõ chấn thương của mình và cơ thể bản thân hơn ai hết, Văn Hậu cần phải có những trao đổi thẳng thắn với các thầy trong Ban huấn luyện, về khả năng đã sẵn sàng thực sự để trở lại sân cỏ hay chưa. Theo chuyên gia y sinh Lê Tuệ Đăng, việc phục hồi chấn thương dây chằng và sụn chêm cần rất nhiều thời gian và cũng cần yêu cầu khắt khe trong công tác điều trị: “Tất nhiên, kể cả mới phẫu thuật đứt dây chằng 3 tháng hoặc ngay cả đứt dây chằng không phẫu thuật thì người ta vẫn đá được. Nhưng đá được và hậu quả ra sao thì đó mới là vấn đề. Nhưng với cầu thủ chuyên nghiệp, việc quay lại sớm có thể sẽ dẫn đến tái phát chấn thương hơn sau này”.

Một vấn đề khác liên quan đến vĩ mô. Đó là nền tảng tập luyện tốt từ thời điểm còn là cầu thủ trẻ. Đây cũng là vấn đề nan giải với mọi VĐV Việt Nam. Từ một cầu thủ gầy, mỏng người, việc tăng cường tập thể hình, dày người ở Heerenveen để phát triển hơn về cơ bắp khiến Văn Hậu chưa kịp thích ứng với nền tảng mới. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến chấn thương của Hậu.

Bài học gì sau chấn thương của Văn Hậu?

Nhìn từ hiện tại ngược về quá khứ, nhìn từ những nguyên nhân để thấy những hệ quả, chấn thương của Văn Hậu là một bài học điển hình để chúng ta nghiêm túc hơn trong việc phát triển, sử dụng cầu thủ về mọi mặt. Về mặt vĩ mô, việc phát triển các cầu thủ trẻ nói riêng và VĐV Việt Nam nói chung, đặc biệt là thể chất cần được quan tâm nhiều hơn và có lộ trình rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, công tác y tế của từng CLB cần phải được sát sao hơn để có những đánh giá xác thực về chấn thương cầu thủ.

Về mặt cá nhân, chính những cầu thủ cần phải có trách nhiệm trong quan tâm đến bản thân, sự nghiệp hay các HLV trưởng cần có những quyết định hợp lý hơn trong khâu sử dụng những cầu thủ có tiền sử chấn thương. Trước thời điểm tháng 9/2019, Văn Hậu từng có 3 năm liên tiếp thi đấu liên tục. Năm 2017, anh thậm chí còn thi đấu ở 4 cấp độ ĐTQG khác nhau. Năm 2018, anh từng gặt hái thành công từ U23 Việt Nam đến ĐTQG Việt Nam ở cấp độ khu vực và châu lục. Năm 2019, anh là một trong những cỗ máy chiến đấu bùng nổ của Hà Nội FC và ĐTQG Việt Nam.

Văn Hậu ra sân ít ỏi trong 2 năm qua vì chấn thương - Đồ hoạ: Hữu Anh

Nhưng từ thời điểm chấn thương cho đến nay, tức là 2 năm, Văn Hậu chỉ đá vỏn vẹn 17 trận. Riêng trong năm 2021, Văn Hậu chỉ được thi đấu đúng 3 trận đấu. Với việc nhiều khả năng sẽ phải nghỉ 5 tháng tới đây, Văn Hậu đứng trước nguy cơ chia tay vòng loại World Cup 2022, AFF Cup 2020 và SEA Games 2021. Đó có thể xem là điều đáng tiếc với Văn Hậu. Nhưng nếu như lại vội vàng để nóng lòng trở lại, anh có thể phải trả một cái giá đắt. Hãy lắng nghe cơ thể thật sự và sẵn sàng trở lại khi bản thân đã thật sự ổn định. Nên nhớ, Văn Hậu mới 22 tuổi. Đỉnh cao sự nghiệp còn đợi anh ít nhất là 10 năm nữa.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x