Bóng Đá Plus trên MXH

Barcelona: Khi linh hồn bị đánh cắp
18:24 ngày 08/08/2020
"More than a Club", câu khẩu hiệu đã gắn liền với Barcelona xuyên suốt chiều dài lịch sử, đang dần biến mất. Những năm gần đây, nhắc tới Barca là người ta bật ra ngay một cụm từ phản ánh đúng bộ mặt của đội bóng này: "Sự khủng hoảng".

    Từ bao lâu nay, đội trưởng Lionel Messi, người được đánh giá là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời, luôn là chất keo gắn kết các thành viên của gã khổng lồ xứ Catalan. Những màn trình diễn xuất sắc không có hồi kết của siêu sao người Argentina giúp Barca thu về hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhưng nó cũng tạo ra một vết nứt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đang ngày càng một lớn hơn ở Nou Camp.

    Đặc biệt là ở mùa giải này, một tập thể già nua không có định hướng rõ ràng đã dẫn tới những màn trình diễn và kết quả tệ hại, dẫu cho Messi như thường lệ vẫn vô cùng xuất sắc trên sân. Bên ngoài sân cỏ, việc tái tạo các khán đài của sân vận động vĩ đại một thời đã bị đình trệ do những khó khăn tài chính mà Barcelona gặp phải.

    Tính tới thời điểm này của mùa 2019/20, Barca trắng tay. Đội bóng để mất ngôi vương La Liga vào tay đại kình địch Real Madrid với 5 điểm ít hơn, và Champions League sẽ là sân chơi cuối cùng để Barcelona tìm kiếm vinh quang cho mình. 

    Vào rạng sáng ngày 9/8, Barca sẽ tiếp đón Napoli ở lượt về vòng 1/8. Trong trận lượt đi trên đất Italia, họ đã cầm hòa đối thủ 1-1. Thất bại chắc chắn sẽ là một thảm họa với Barca, và nếu điều đó xảy ra, họ sẽ trải qua mùa giải đầu tiên không có danh hiệu nào kể từ mùa 2007/08.

    "Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra, nhưng tôi thấy một tương lai đen tối", nhà báo Ernest Macià Ballus của kênh Catalunya Radio chia sẻ với CNN. 

    Vào đầu thập kỷ này, Barcelona, theo nhiều cách, là hình mẫu lý tưởng của bất kỳ CLB ưu tú nào của châu Âu. Họ sở hữu một HLV trẻ có tầm nhìn xa trông rộng với triết lý rõ ràng, một học viện trẻ năng suất với rất nhiều sao mai triển vọng cùng một chiến lược chuyển nhượng minh bạch. Việc Pep Guardiola được đôn lên dẫn dắt đội một Barca từ đội B năm 2008 đã báo hiệu sự khởi đầu của kỷ nguyên thành công nhất trong lịch sử CLB.

    Với nòng cốt là những "măng non" tốt nghiệp từ học viện của CLB, La Masia, Barcelona đã giành được 14 danh hiệu trong 4 mùa giải Guardiola nắm quyền, bao gồm cả "cú ăn ba" vô tiền khoáng hậu cho một CLB Tây Ban Nha.

    8 năm trôi qua, chỉ còn Messi, Sergio Busquets và Gerard Pique là những "sinh viên" của La Masia nổi tiếng vẫn còn hiện diện trên sân, trong khi phần còn lại của đội bóng xuất hiện trong tình trạng hỗn loạn. Vậy, điều gì đã xảy ra ở Camp Nou?

    Những vấn đề tài chính

    Kế hoạch cải tạo sân Camp Nou và khu vực xung quanh đầy tham vọng mang tên dự án "Espai Barça" của Barca, theo lịch trình sẽ được hoàn thành vào năm sau. Thế nhưng, hiện giờ, nó thậm chí còn chưa bắt đầu. Chi phí ước tính của dự án được báo cáo là từ 600 đến 800 triệu USD, số tiền mà đội bóng đang vật lộn để huy động vốn.

    Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 có thể là một phần nguyên nhân, nhưng thực tế đây là một dự án mà Barcelona đã muốn thực hiện trong hơn một thập kỷ. Việc thành phố bị phong tỏa do đại dịch đã khiến bóng đá trên toàn thế giới ngừng hoạt động, dẫn tới thu nhập của các câu lạc bộ thông qua việc bán vé và bản quyền truyền hình bị hao hụt đáng kể.

    Barcelona đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Theo một báo cáo được UEFA công bố vào đầu năm nay, quỹ lương của Barca ghi nhận con số cao nhất ở làng túc cầu thế giới.

    Theo khảo sát về lương thể thao toàn cầu được thực hiện bởi Sporting Intelligence, mức chi lương trung bình hàng năm của Barcelona cho mỗi cầu thủ là 12,3 triệu USD cho mùa giải 2019/20. Theo các báo cáo tài chính gần nhất của Barca, cho đến ngày 30/6/2019, tiền lương chi trả cho tất cả các đội thể thao của họ, bao gồm bóng rổ, bóng ném và các đội khác, là 671 triệu euro (792 triệu USD), và phần lớn trong số này thuộc về đội bóng đá (đội một).

    Năm đó, doanh thu của CLB là 990 triệu euro (1,16 tỷ USD) và dự kiến sẽ tăng vào năm 2020. Tuy nhiên, với việc nguồn thu từ bản quyền truyền hình, vé vào bảo tàng... không còn, các cầu thủ và nhân viên của đội một đã phải cắt giảm 70% lương vào tháng 3 nhằm "giảm thiểu tác động kinh tế" do đại dịch Covid-19 gây ra.

    Tất nhiên, Barcelona không phải là đội bóng lớn duy nhất ở châu Âu thực hiện việc giảm lương, nhưng điều đó cho thấy sự bấp bênh về tài chính hiện tại của gã khổng lồ xứ Catalan.

    Những khoản phí chuyển nhượng khổng lồ

    Những vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Barcelona từ bỏ việc đôn các tài năng trẻ ở lò đào tạo La Masia lên đội một - học viện đã nuôi dưỡng, ươm mầm và phát triển một loạt các ngôi sao cự phách, nổi bật là Messi, Guardiola, Andres Iniesta và Xavi - thay vào đó, chọn phương pháp vung những số tiền khổng lồ để chiêu mộ và trả lương cho các ngôi sao thành danh.

    Barcelona được cho là đã chi hơn 1 tỷ USD phí chuyển nhượng kể từ mùa giải 2013/14. Việc để Neymar sang PSG với giá 263 triệu USD năm 2017 đã tạm thời giúp Barca thu hẹp lỗ hổng tài chính, song khi khoản tiền này còn cầm chưa ấm tay, đội bóng đã ngay lập tức chi tiền để cố gắng tìm kiếm một người thay thế xứng đáng cho cầu thủ người Brazil.

    Khoảng 170 triệu USD là số tiền mà Barca đã trả cho tiền vệ Philippe Coutinho, người đã thi đấu kém hiệu quả ở CLB, để rồi dẫn tới phải chuyển sang khoác áo Bayern Munich theo dạng mượn sau chưa đầy hai năm ở Barcelona.

    Griezmann là một trong những bản hợp đồng thất bại của Barca

    Thêm 120 triệu USD khác, cộng thêm 45 triệu USD phụ phí, đã được chi cho Ousmane Dembele, cầu thủ chạy cánh trẻ tuổi của Dortmund. Ngôi sao người Pháp đã cho thấy tiềm năng của mình, nhưng sau 3 năm ở Barca, chấn thương triền miên khiến anh chỉ có vỏn vẹn 74 lần ra sân cho CLB.

    Gần đây nhất là bản hợp đồng trị giá 135 triệu USD dành cho Antoine Griezmann, cầu thủ cho tới nay đã không thể tái lập phong độ đỉnh cao như những gì từng thể hiện trong màu áo Atletico Madrid. Thậm chí mới đây, Barca đã bán tiền vệ trẻ triển vọng Arthur Melo cho Juventus để đổi lấy "ông lão" 30 tuổi Miralem Pjanic.

    Những bản hợp đồng này cùng nhiều bản hợp đồng khác không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đội bóng, cụ thể là kết quả thi đấu trên sân và tài chính, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến ý nghĩa của việc trở thành một FC Barcelona đích thực.

    "Linh hồn của CLB bị đánh cắp"

    Trở lại năm 2012, mùa giải sau khi khi Guardiola chia tay CLB, người kế nhiệm ông là Tito Vilanova từng đưa vào sân toàn bộ 11 cầu thủ đã tốt nghiệp lò đào tạo La Masia. Barcelona đã đánh bại Levante 4-0 vào ngày hôm ấy, và đó là một điều đã được báo trước trên khắp châu Âu. La Masia trở thành một học viện mang tiêu chuẩn vàng được mọi CLB khác khao khát.

    Messi, Busquets, Pique và Jordi Alba vẫn ở lại từ tập thể năm đó, nhưng dây chuyền sản xuất của La Masia đã chậm lại. Trong 8 năm sau đó, chỉ còn mình Sergi Roberto tốt nghiệp để trở thành cầu thủ thường xuyên ra sân của đội một.

    "Từ năm 2004 đến 2010, đã có chính sách đưa các cầu thủ từ La Masia lên đội một trong nhiều năm. Khi Guardiola là huấn luyện viên trưởng, mọi thứ dễ dàng hơn với những cầu thủ trẻ lớn lên ở La Masia. 

    Nhưng sau khi Pep ra đi, các HLV đến đây về cơ bản chỉ tập trung vào việc cố gắng giành chiến thắng, và ban lãnh đạo hiện tại không bắt họ phải cố gắng nuôi dưỡng cũng như chăm sóc những cầu thủ trưởng thành ở La Masia. Vì vậy, linh hồn của câu lạc bộ đã dần mất đi", Ernest Macià Ballus chia sẻ.

    Đi tìm Xavi mới

    Tuy nhiên, sẽ thiếu công bằng khi so sánh dây chuyền sản xuất hiện tại của La Masia với dây chuyền sản xuất ra Messi, Xavi và các đồng đội trước đây. Lứa của Messi được cho là lứa cầu thủ vĩ đại nhất mà bất kỳ học viện nào đã sản xuất, chứ chẳng riêng gì La Masia.

    Sự thành công vang dội của những "sinh viên tốt nghiệp" năm đó gồm Messi, Xavi, Andres Iniesta, Busquets, Pique, Carles Puyol và Victor Valdes đều khởi nguồn từ chiến thắng trước Man United ở trận chung kết Champions League năm 2009. Kể từ đó, gánh nặng được đè nặng lên vai của La Masia khi học viện này phải tìm ra những Xavi hay Iniesta mới.

    "Đó là về các thế hệ, bạn không thể mong đợi mỗi năm hoặc 5 năm một lần để thấy 4 cầu thủ trong đội hình xuất phát đến từ La Masia. Nó không thực sự hoạt động như vậy. Iniesta là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất lịch sử. Xavi, có lẽ cũng vậy", Cesc Fabregas nói với CNN.

    "Nhưng nếu bạn phân tích kỹ từ đầu, cách họ khởi đầu sự nghiệp, thì Iniesta thực sự bắt đầu được ra sân thường xuyên và được coi là một cầu thủ hàng đầu ở tuổi 22. Chúng tôi (Arsenal) đã chơi trận chung kết Champions League (2006) với họ. Iniesta vào sân sau giờ nghỉ và anh ấy đã thay đổi trận đấu. Lúc ấy anh ấy mới 22 tuổi. Iniesta bắt đầu chơi mọi trận đấu cho Barca và chiếm được chỗ đứng vững chắc ở đội hình chính ở tuổi 23.

    Barca biết tìm đâu ra Iniesta và Xavi thứ hai

    "Xavi đã có rất nhiều thăng trầm ở Barcelona. Xavi thực sự mà chúng ta đều biết cũng như ngưỡng mộ, và có lẽ là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử của Barcelona, chỉ bắt đầu thực sự ở tuổi 28 khi Pep gia nhập câu lạc bộ và nói: "Nghe này, cậu là chàng trai của tôi. Mọi thứ sẽ xoay quanh cậu".

    Năm 2008, sau chức vô địch EURO, tương lai của Xavi bị đặt dấu hỏi lớn sau hai mùa liên tiếp không thu về bất kỳ danh hiệu nào cùng Barcelona. Rồi ai đó đến, tin tưởng vào bạn và đột nhiên, bạn hóa thành một cầu thủ khác, một con vật khác và bạn tiếp tục thi đáu trong 4 hoặc 5 năm ở một cấp độ mà bạn thậm chí không ngờ rằng mình đã đạt đến.

    Vì vậy, đó là lý do tại sao đôi khi cần một chút may mắn. Đó là việc có một người nào đó tin tưởng bạn rất nhiều, điều đó tạo ra cho bạn cơ hội", Fabregas nói thêm.

    Messi vs. BLĐ Barca

    Không ai nghi ngờ về việc Messi sa sút, đặc biệt trong bối cảnh sức mạnh của Messi vẫn là siêu phàm, khi anh kết thúc mùa giải với danh hiệu "Vua phá lưới" La Liga lần thứ 7 - một kỷ lục xuất sắc. Thật không may cho Barca, Messi mùa này đã phải tiêu tốn năng lượng cho những trận chiến ngoài sân cỏ.

    Hồi tháng Hai, Messi, một người hiếm khi lên tiếng, đã công khai chỉ trích Giám đốc thể thao Eric Abidal sau khi đồng đội cũ của anh cáo buộc các cầu thủ Barca đã dùng các "công cụ" để khiến HLV Ernesto Valverde bị sa thải.

    Chủ tịch câu lạc bộ Josep Bartomeu đã gọi một cuộc họp khẩn cấp với cặp đôi và ngăn chặn một cuộc binh biến, nhưng Messi kể từ đó đã công khai sự bất bình của anh với câu lạc bộ trong hai lần nữa, một lần trong cuộc đàm phán giảm lương và sau đó là trận thua sốc gần đây trước Osasuna.

    "Messi đã làm rất tốt trong 15 năm và anh ấy đã làm cho chủ tịch tốt hơn, các cầu thủ tốt hơn cũng như mọi người xung quanh anh ấy tốt hơn. Bởi vì ảnh hưởng của anh ấy quá lớn - đã và đang rất lớn - Messi có thể bù đắp cho nó (sự thiếu lãnh đạo của câu lạc bộ). Nhưng bây giờ, Messi bắt đầu chậm lại dần và ổn định, và tất cả các vấn đề giờ xuất hiện", Ernest Macià Ballus nói thêm.

    Messi xung đột với Abidal

    Trong trận đấu với Eibar vào tháng Hai, hàng ngàn fan Barcelona đã giơ khăn tay trắng trên khán đài, một cách phổ biến để các cổ động viên Tây Ban Nha thể hiện sự bất bình của họ, kèm câu nói "Bartomeu, từ chức!" vang lên khắp khán đài sân Camp Nou. Người hâm mộ không hài lòng sau khi có thông tin cho rằng Bartomeu đã thuê một công ty tấn công các cầu thủ của câu lạc bộ trên mạng xã hội, điều mà cá nhân vị chủ tịch này và CLB đã phủ nhận.

    Khi yêu cầu đòi Bartomeu từ chức bất thành, các cổ động viên của Barca có quyền hi vọng bởi nhiệm kỳ của Bartomeu sẽ chỉ kéo dài thêm 1 năm nữa. Người hâm mộ coi cuộc bầu cử chủ tịch năm 2021 của Barcelona là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Đó sẽ là bước ngoặt đối với vận may của CLB, hay những sai lầm tương tự sẽ lặp lại?

    Rõ ràng, Barcelona đang chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng không hồi kết, và dù có đánh bại Napoli đi chăng nữa, tương lai của gã khổng lồ xứ Catalan vẫn vô cùng mịt mờ.

    XEM THÊM

    Tham vọng sở hữu Sancho của M.U sắp tan thành mây khói

    Varane 2 lần 'tặng quà' cho Man City, cộng đồng mạng được phen dậy sóng

    SỰ KIỆN NÓNG TRONG NGÀY

    Đỗ Trung • 18:24 ngày 08/08/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay