Giờ thì chẳng còn ai kêu ca rằng Man City sẽ gặp khó khăn khi Pep Guardiola không mua được tiền vào vào mùa hè năm ngoái. Những lời đàm tiếu câm bặt khi Man City ghi tới 82 bàn thắng cùng hiệu số +55 sau 31 trận trên mọi đấu trường mùa này. Thực tế là ở Premier League, 4 cầu thủ của Man City (không ai là tiền đạo cắm), đang vượt trội hơn Harry Kane, người suýt chút nữa đã được Guardiola mua về thay Sergio Aguero.
Đối với những người theo chủ nghĩa truyền thống, yêu thích mẫu tiền đạo số 9 và vẫn sống trong những hoài niệm về ngày tháng mà mẫu cầu thủ này tạo nên sự khác biệt. Vị thế của những chân sút kiểu này đang suy yếu dần, dù thật đáng ngạc nhiên rằng hiện tại là thời kỳ hoàng kim của lối chơi tấn công và những bàn thắng.
Đó là thời đại của Lionel Messi và Cristiano Ronaldo - hai tiền đạo đã phá hủy gần như tất cả các kỷ lục ghi bàn, và thời đại của chính Guardiola. Pep Guardiola đã khai sinh khái niệm cầu thủ “số 9 ảo” cho rằng việc sở hữu bóng và kiểm soát không gian mới là tối quan trọng. Với ông, tận dụng hai yếu tố đó thật tốt là nền tảng cho chiến thắng, và việc ghi bàn không bao giờ nên phụ thuộc vào chỉ một hoặc hai cá nhân trong đội bóng.
Đám đông theo quan điểm “phải mua Harry Kane” dường như quên mất rằng toàn bộ sự nghiệp trước đây của Guardiola là một trong những minh chứng cho việc có thể giành được các danh hiệu mà không cần một trung phong điển hình trong đội. Man City là nơi đầu tiên ông mạnh tay thay đổi và sau đó loại bỏ dần vai trò của chân sút vĩ đại Sergio Aguero.
Tất nhiên, đó cũng là thời đại của Jurgen Klopp và các HLV bậc thầy về pressing, những người mà kế hoạch tấn công được tạo dựng từ cách cả tập thể giành lại trái bóng, chứ không phải lệ thuộc vào khả năng solo siêu phàm của cầu thủ nào đó mỗi khi có được bóng.
Lần cuối cùng mà một cầu thủ số 9 ghi được nhiều bàn thắng cho Liverpool là Daniel Sturridge mùa giải 2015/16, thời điểm Klopp đến với đội bóng vào giữa mùa giải và mới bắt đầu xây dựng kế hoạch của mình.
Trong mùa giải cuối cùng trước khi Guardiola gia nhập Man City, chỉ có hai trong số mười cầu thủ ghi bàn hàng đầu của Premier League không phải là tiền đạo truyền thống: Riyad Mahrez và Alexis Sanchez. Những cái tên khác trong Top 10 ngày đó giờ hầu như chỉ toàn sắm vai dự bị:Troy Deeney, Olivier Giroud, Jermain Defoe, Odion Ighalo.
Trong số 10 cầu thủ ghi bàn hàng đầu của mùa giải 2021/22, có một cái tên còn sót lại từ bảng thành tích mùa 2015/16 là Jamie Vardy, nhưng ngoài tiền đạo cắm của Leicester City, chỉ có 3 cầu thủ khác đã chơi hầu hết các trận đấu của họ ở vị trí trung tâm hàng tấn công: Ronaldo, Diogo Jota và Michail Antonio. Hơn một nửa số câu lạc bộ hàng đầu ở Premier League có cầu thủ ghi bàn giỏi nhất là một ai đó không phải cầu thủ số 9 thực thụ.
Thông qua góc nhìn này, nên hướng đến sự chú ý vào Romelu Lukaku. Khi Chelsea quyết định bỏ ra 182 triệu bảng (phí chuyển nhượng cộng với tiền lương trong hợp đồng 5 năm của cầu thủ người Bỉ), họ chắc chắn sẽ hy vọng Lukaku ghi được nhiều bàn thắng hơn Armando Broja, một cầu thủ trẻ đang được Chelsea cho Southampton mượn.
Nhưng có vẻ như trường hợp của Lukaku là điển hình của một cầu thủ không hòa nhập được với đồng đội, thiếu cố gắng và không thể đối mặt với những áp lực. Màn đấu khẩu trên sân của Lukaku với Hakim Ziyech trong trận đấu với Brighton đã làm dấy lên những suy đoán xung quanh chủ đề này.
Nó diễn ra không lâu sau khi cuộc phỏng vấn gây tranh cãi của Lukaku được phát sóng trên kênh truyền hình Italia. Nhưng bất cứ ai đã gặp Lukaku hoặc nói chuyện với những cựu đồng đội, cựu HLV của Lukaku đều nhận xét anh là cầu thủ chuyên nghiệp, tốt bụng và trưởng thành. Vấn đề không phải ở tính cách của Lukaku mà ở những phẩm chất bóng đá của anh ấy.
Có cơ sở để nhận xét như vậy. Hãy theo dõi Lukaku thật kỹ và bạn sẽ thấy một cầu thủ đang làm theo những gì anh ấy được dạy bảo và nỗ lực trên sân tập để hoàn thiện bản thân - nhưng đội bóng của anh thì dường như đang làm điều gì đó khác biệt.
Ở trận đấu gặp Brighton, Lukaku không ít lần hướng mắt về trái bóng, chọn lựa thời điểm và xâm nhập vòng cấm để đánh đầu, tung cú dứt điểm. Anh thường chờ đợi cơ hội từ những đường bơm vòng vào phía sau hàng thủ đối phương hoặc những đường chọc khe của đồng đội. Vấn đề là các đồng đội của Lukaku ở Chelsea không chơi như vậy một cách liên tục.
Chelsea không cố gắng tạo ra cơ hội từ những quả tạt hoặc những đường bóng kiểu “cắt tiết”. Bóng được luân chuyển giữa các hậu vệ và tiền vệ di chuyển linh hoạt chứ Chelsea không lấy Lukaku làm “ngọn hải đăng” trong các pha tấn công của họ. Và Chelsea chuyền bóng bổng mỗi 90 phút ít hơn bất kỳ đội bóng nào trong giải đấu tính đến thời điểm này.
Chắc chắn là Lukaku đã suy giảm sự tự tin và độ chính xác trong những pha dứt điểm đã giảm xuống, nhưng chỉ số xG (chỉ số bàn thắng kỳ vọng) và tỷ lệ bàn thắng/ cú sút của tiền đạo này vẫn cao bằng mùa giải trước, khi anh ghi 24 bàn cho Inter Milan ở Serie A.
Điều đáng chú ý là Lukaku đóng góp ít bàn hơn cho Chelsea, và các đồng đội hiện tại thì tạo ra ít cơ hội cho anh so với bộ khung của Inter. Những cú chạm bóng trong vòng cấm hay thông số về số lần nhận đường chuyền ở phần sân đối phương của Lukaku đều giảm mạnh.
Đồng thời, anh không có pha kiến tạo nào (so với 11 pha kiến tạo ở Serie A mùa 2020/21) và chỉ thực hiện 146 đường chuyền, điều Virgil van Dijk từng làm được 134 lần trong một trận đấu. “Cậu ấy rất khác so với những gì chúng ta từng biết khi Lukaku chơi ở Anh”, Roberto Martínez, HLV trưởng ĐT Bỉ nói vào tháng 5/2021, ngay sau khi Lukaku vô địch Serie A cùng Inter.
Nhưng đâu mới là phong cách chơi bóng thực sự của Lukaku? Nhiều người cho rằng Lukaku là một tiền đạo cắm truyền thống. Cựu trung vệ Jamie Carragher của Liverpool - người đã từng đối đầu với cả Lukaku và Didier Drogba - cho rằng tiền đạo người Bỉ giống với một tiền đạo tận dụng cơ hội, còn Drogba (người mà Lukaku luôn bị so sánh), thì chơi chơi cơ động hơn nhiều.
“Trên lý thuyết, Chelsea có vẻ cân bằng hơn với Lukaku nhưng thực tế, họ linh hoạt và nguy hiểm nhất nếu không có cậu ấy trên sân” - Carragher chia sẻ.
Thomas Tuchel có thể là đối thủ đáng ngại nhất ở Premier League trong tiềm thức của Guardiola. HLV người Đức vừa lên ngôi vô địch Champions League cùng Kai Havertz - một số 9 ảo. Ông đã yêu cầu Chelsea ký hợp đồng mới một tiền đạo cắm và đưa Lukaku vào danh sách cùng Kane, Robert Lewandowski và Erling Haaland.
Vì vậy, nếu Lukaku là một mảnh ghép sai lầm thì Tuchel cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Dường như Lukaku đang phải mài mòn đi những khía cạnh sắc bén nhất để phù hợp với Tuchel. “Đây là một môn thể thao đồng đội và không có chuyện 10 người phục vụ 1 người. Mọi cầu thủ đều phục vụ đội bóng. Đây là nguyên tắc hàng đầu và sẽ không thay đổi,” Tuchel cho biết.
Đối với Klopp và Guardiola, cầu thủ trung tâm ở hàng tiền đạo của họ phải là một người biết chuyền bóng, biết gây áp lực lên hàng thủ đối phương, nhạy bén về chiến thuật và thường xuyên di chuyển quanh khung thành. Ghi bàn không nhất thiết phải là điểm mạnh nhất của họ.
Trong bóng đá ngày nay, những số 10 cổ điển gần như đã bị khai tử, các chân chạy cánh thường có xu hướng bó vào trong để ban bật hơn là chạy xuống đáy biên và tung ra những quả tạt liên tục. VCK EURO 2020 có số bàn thắng bằng đầu chỉ bằng một nửa so với EURO 2012.
Tất cả đều cho thấy rằng, thời của những trung phong cắm cổ điển đã hết, mẫu cầu thủ số 9 không còn nhất thiết phải là điểm nhận bóng cố định trong những đợt tấn công nữa.
“Nếu bạn có một đích ngắm nhất định, đối thủ có thể dễ dàng khóa chặt và phản công lại, bạn hẳn là không muốn điều đó” - một tuyển trạch viên hàng đầu của Premier League giải thích và đồng thời đề cập đến “Zone 14”.
Nếu chia sân đấu thành 18 hình chữ nhật, Zone-14 là khoảng không gian nằm phía trước vòng cấm. Ở vị trí này thì tỷ lệ các tình huống nguy hiểm có thể được tạo ra là rất lớn. Cơ hội được tạo ra và nguy cơ để mất bóng cũng hiện hữu, rất nhiều tình huống phản công thành bàn đã bắt đầu từ đó.
Các HLV ngày nay không muốn những cầu thủ thích giữ bóng lâu ở Zone 14 - đó là điều khiến các tiền đạo mục tiêu cổ điển, những người thích tranh chấp tay đôi, thích nhận những pha chọc khe trước khi kết liễu đối thủ phải dần lùi về đằng sau cánh gà.
Ngược lại, đó là tin tốt cho những tiền vệ nhanh nhẹn, kiểm soát bóng tốt. Và khi bạn nhìn vào những cầu thủ ghi bàn hàng đầu ở châu Âu, bạn sẽ tự hỏi bao lâu nữa thì mẫu tiền đạo mục tiêu sẽ chính thức “tuyệt chủng”.
Các thiện xạ hàng đầu của Premier League là Mohamed Salah, 29 tuổi, trong khi ở các giải đấu lớn khác của châu Âu, những cầu thủ ghi bàn tốt nhất đều ở độ tuổi 30 trở lên: Karim Benzema ở Tây Ban Nha, Lewandowski ở Đức, Ciro Immobile ở Ý và Wissam Ben Yedder ở Pháp.
Mùa trước, không có cầu thủ nào ghi nhiều hơn 7 bàn thắng cho Chelsea nhưng Tuchel đã có 16 cái tên khác nhau lập công, và có lẽ ông không cần phải cố gắng thay đổi điều đó.