NHỮNG MIẾNG TẤN CÔNG ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH
“Trước U22 Myanmar, hậu vệ Văn Cường đã ghi 2 bàn. Đó là đại diện tiêu biểu cho diện mạo, lối chơi bóng đá tấn công chúng tôi muốn thực hiện. Nhưng tôi muốn bàn thắng của đội phải đến từ những pha dàn xếp có tính toán. Tình huống ghi bàn của Văn Cường là theo bài, tập luyện từ trước, qua nhiều lần rèn giũa”, HLV Troussier nói như vậy sau chiến thắng 3-1 của U22 Việt Nam trước U22 Myanmar tại trận tranh HCĐ môn bóng đá nam SEA Games 2023.
Đây không phải lần đầu ông Troussier nói về cách tấn công chủ động của U22 Việt Nam. Nhìn từ 6 trận đấu tại SEA Games 2023, những phương án tấn công của U22 Việt Nam càng được thể hiện một cách rõ nét và tạo ra hiệu quả cao. Điển hình nhất là những tình huống phối hợp ở hành lang cánh trái - nơi có sự góp mặt của Võ Minh Trọng, cầu thủ kiến tạo 4 bàn thắng cho U22 Việt Nam tại đại hội lần này. Những tình huống tiền vệ tấn công di chuyển lôi kéo hậu vệ đối phương, tạo khoảng trống cho Minh Trọng băng lên gần như đã trở thành “bài tủ” của U22 Việt Nam
Không chỉ dừng lại ở đó, U22 Việt Nam cũng có những miếng tấn công khác. Hình ảnh 3 bàn thắng của U22 Việt Nam trong trận đấu cuối cùng gặp U22 Myanmar có thể xem là những bàn thắng điển hình cho các miếng phối hợp tấn công khác nhau mà cầu thủ trẻ có thể tạo ra.
Một, đến từ nhóm phối hợp sở trường ở biên cánh trái với người kết thúc tình huống là tiền vệ biên phải - Hồ Văn Cường dâng lên dứt điểm. Một đến từ bài tấn công trực diện ở hành lang cánh phải, với đường chuyền xuyên tuyến quen thuộc của Ngọc Thắng. Ngoài ra, những tình huống từ hai biên rót bóng vào vòng cấm địa để Văn Tùng kết thúc một chạm cũng trở nên hiệu quả, mỗi khi tiền đạo thuộc biên chế Hà Nội FC hiện diện trên sân.
PHÒNG NGỰ VÀ BẢN LĨNH CÒN NON
Tiềm năng trong tấn công của U22 Việt Nam là có. Song đáng tiếc là đội bóng của HLV Troussier lại không cho thấy được bản lĩnh của một nhà vô địch ở các thời điểm quyết định tại SEA Games lần này.
Thật sự phải thừa nhận rằng, khó lòng tìm ra một cầu thủ mang dáng dấp thủ lĩnh trong đội hình U22 Việt Nam. Thực tế, đội bóng áo đỏ cho thấy hình ảnh của một tập thể trẻ sẵn sàng thi đấu ở cường độ liên tục trong cả tấn công và phòng ngự, hơn là một tập thể có thể điều chỉnh tốc độ của trận đấu theo ý mình. Và việc thiếu đi kinh nghiệm thi đấu và bản lĩnh đã khiến U22 Việt Nam phải nhận những bàn thua không đáng có, đặc biệt là ở trận bán kết với U22 Indonesia.
Chất lượng phòng ngự cá nhân cũng là một trong những điểm tồn tại lớn của U22 Việt Nam. Người hâm mộ Việt Nam đã quá quen thuộc với hệ thống phòng ngự 3-4-3 hay 5-4-1. Ở đó các trung vệ luôn có được các tình huống tranh chấp mạnh mẽ ở trước mặt, cũng như khả năng kiểm soát khoảng trống sau lưng một cách quyết liệt. Với U22 Việt Nam tại giải đấu lần này, đó lại chính là những thứ họ chưa thể hoàn thành tốt, đặc biệt ở các thời điểm đối thủ chủ động đẩy cao tốc độ trận đấu.
Hành trình SEA Games đã khép lại với những cảm xúc đối lập dành cho lứa cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam. Các học trò của HLV Troussier rõ ràng vẫn còn nhiều thiếu sót để cạnh tranh tấm HCV lần thứ 3 liên tiếp. Dẫu sao, chiến lược gia người Pháp phần nào đã hiện thực hóa tầm nhìn của mình trên cương vị HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam. Một đội bóng sẵn sàng kiểm soát thế trận, đa dạng các phương án tấn công đã bắt đầu được hình thành.
KẾT QUẢ CỦA U22 VIỆT NAM
Vòng bảng
Việt Nam - Lào: 2-0
Singapore - Việt Nam: 1-3
Malaysia - Việt Nam: 1-2
Việt Nam - Thái Lan: 1-1
Bán kết
Việt Nam - Indonesia: 2-3
Tranh HCĐ
Việt Nam - Myanmar: 3-1