Bóng Đá Plus trên MXH

TCR, cuộc đua xe đạp khắc nghiệt hơn cả Dakar Rally
Cẩm Chi • 08:57 ngày 25/05/2020
Có thể chưa được nhiều người biết đến như Tour de France, nhưng cuộc đua xuyên lục địa (TransContinental Race: TCR) đang dần được công chúng biết đến nhiều hơn trong thời gian qua bởi tính khốc liệt của nó.

    Tại TCR, các VĐV phải quăng mình vào hành trình dài 5.000km trong 2 tuần với vô vàn hiểm nguy và điều đó biến cuộc đua này trở thành thử thách khắc nghiệt hơn cả Dakar Rally.

    Ý tưởng lớn

    Năm 2013, cua-rơ kỳ cựu Mike Hall cảm thấy phát chán với việc tranh tài trên những cung đường lặp đi lặp lại theo từng năm và không có gì nguy hiểm. Cộng thêm việc danh hiệu vô địch Tour de France ngày càng mất đi giá trị kể từ ngày Lance Amstrong bị vạch trần bê bối sử dụng doping, Hall muốn lập ra một cuộc đua xe đạp khốc liệt chưa từng có. Đó là lúc TCR ra đời.

    Không giống như Tour de France hay những giải đua xe khác, một chặng đua ở TCR dài tới 120-200km. Đường đua không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có vô số chặng diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở thách thức lòng can đảm của VĐV tham dự. Khó khăn nhất dành cho những ai muốn tranh tài ở TCR là họ phải chấp nhận tham gia cuộc chơi mà không hề được hỗ trợ bất cứ điều gì.

    Mọi hoạt động như nước uống, thay phụ tùng xe... các VĐV đều phải tự thực hiện trên hành trình đua. Nếu khung xe cong, gãy thì cua-rơ buộc phải dừng cuộc chơi chứ không hề có ô tô chuyên dụng chở xe đạp dự phòng đến như trước kia. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng tham vọng của Hall lập tức được nhiều người ủng hộ. TCR rõ ràng vượt xa những cuộc đua khác vì nó khiến con người phải trần trụi đối mặt thiên nhiên hoang dã.

    Ở lần đầu tổ chức, TCR có hành trình từ London đến Istanbul. Đến năm tiếp theo, những người tổ chức chọn đường đua từ Geraardsbergen (Bỉ) đến Meteora (Hy Lap). Năm ngoái, các cua-rơ quay lại với ý tưởng “xẻ ngang” châu Âu khi đưa ra lộ trình từ Biển Đen ở Bulgaria đến vùng duyên hải ven Đại Tây Dương tại Pháp. Đáng tiếc là người sáng lập ra giải đấu không còn được chứng kiến TCR lớn mạnh hơn sau từng năm nữa.

    Giống Thierry Sabine, nhà sáng lập Dakar Rally, Hall phải chịu cảnh sinh nghề tử nghiệp. Anh qua đời khi tham gia giải đua xuyên Đại Tây Dương tổ chức ở Australia 3 năm trước. Xe của Hall đâm vào một chiếc ô tô đang đi trên đường với tốc độ cao, một điều anh biết rõ nhưng không thể tránh khỏi. Hiện tại bạn gái Hall, Anna Haslock là người điều hành TCR với mục đích phát huy di sản mà anh để lại đến hậu thế.

    Cua-rơ Mike Hall, người sáng lập ra cuộc đua xuyên lục địa, đã chịu cảnh sinh nghề tử nghiệp

    Nguy hiểm không chừa ai

    Một điểm thú vị ở TCR là giải đấu không phân biệt nam nữ tham gia cuộc đua. Ai cũng có thể đăng ký miễn là họ sẵn sàng thách thức những người khác ở khả năng sống sót giữa môi trường tự nhiên đầy khắc nghiệt. Một bộ quy tắc gồm 10 điều của Hall được duy trì để đảm bảo sự công bằng trong cuộc đua và mọi cua-rơ đều phải thuộc nằm lòng. Trong số đó, hai điều quan trọng nhất là “không nhờ người ngoài giúp” và “phải đạp xe trên tinh thần tự lực và bình đẳng”.

    TCR 2019 thu hút hơn 1.000 cua-rơ tranh tài, nhưng một phần ba trong số họ không thể kết thúc hành trình như mong muốn. Điều đó cho thấy phần nào sự nguy hiểm vượt trội của TCR so với những cuộc đua thông thường khác. Kẻ thù của các cua-rơ không chỉ có những khúc cua hiểm trở, mà còn đến từ thú hoang bên đường. Innes Ogilvie phải bất đắc dĩ dừng cuộc chơi sau khi xe của anh đâm phải một con mèo rừng băng qua đường khi đang phóng với vận tốc 80km/h. Vai và lưng của Ogilvie bị rách hai mảng lớn, nhưng ít ra cua-rơ này vẫn sống sót.

    Cái chết của Hall vào năm 2017 cho thấy sự nguy hiểm ở những cuộc đua mang tính thách thức với thiên nhiên. Không có người hỗ trợ cũng đồng nghĩa với việc các cua-rơ có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào trên đường đua mà không được ai phát hiện và giúp đỡ. Một vài VĐV cho biết họ bị chó đuổi trối chết trên đường băng qua một ngôi làng, vì lũ chó nhà hung dữ nghĩ họ là... trộm. Nhưng chừng đó chẳng thể ngăn những người có máu mạo hiểm tiếp tục đến với TCR. Họ vẫn đua theo tôn chỉ Mike Hall để lại, vẫn cố gắng chinh phục tự nhiên dù không phải ai cũng thành công.

    Nhà vô địch nữ đầu tiên
    TCR 2019 chứng kiến lần đầu trong lịch sử giải đấu này có một nhà vô địch nữ. Đó là Fiona Kolbinger, cua-rơ nghiệp dư người Đức. Ở tuổi 24, Kolbinger đang theo học ngành Y khoa khi tham gia TCR và cô mới nhận bằng tốt nghiệp hồi tháng trước. Chiến thắng của cô gái trẻ trước nhiều cua-rơ chuyên nghiệp khiến truyền thông ngạc nhiên, nhưng lại được dự đoán từ lâu. Ở những cuộc đua dài cần có sức chịu đựng và sức bền vượt bậc, phụ nữ luôn chiến thắng nam giới.

    Đường đua càng ngày càng khó
    Ở kỳ TCR đầu tiên tổ chức năm 2013, tay đua Kristof Allegaert chỉ mất... 7 ngày 14 giờ để hoàn tất các chặng đua. Cua-rơ người Bỉ tiếp tục vô địch TCR thêm 2 lần nữa nhưng với thời gian cứ ngày một dài ra: 7 ngày 23 giờ, rồi đến 8 ngày 15 giờ. Đến năm 2019, nhà tân vô địch TCR phải mất tới 10 ngày 2 giờ 48 phút để về đích. Khoảng cách của người này với vị trí á quân lên tới hơn 11 giờ, cho thấy mức độ khốc liệt của TCR lớn đến thế nào.

    XEM THÊM

    Magic Johnson, huyền thoại NBA & 3 thập kỷ 'đánh đu' với thần chết

    Tái khởi động thể thao, bài toán khó của Mỹ

    ATP & WTA sẽ hợp thành một giải đấu?

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay