Premier League đã chi gần 3 tỷ euro vào thị trường chuyển nhượng mùa này. Nhưng với việc 2 đội bóng Everton và Nottingham Forest vừa bị trừ điểm vì vi phạm PSR (quy tắc bền vững & lợi nhuận), sức mua ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè sắp tới của các đội bóng xứ sở sương mù nhiều khả năng sẽ giảm. CEO của một đại diện tại Premier League vừa phải thốt lên: “Ai rồi cũng phải sợ PSR cả thôi!”. PSR là bộ luật do ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh đặt ra dựa trên Luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA. Đây là điều luật nhằm ngăn các CLB tiêu vượt qua khả năng, dẫn đến nợ và khủng hoảng về sau.
Harry Kane rời Tottenham gia nhập Bundesliga mùa Hè năm ngoái với phí chuyển nhượng lên đến 100 triệu euro và anh đang dẫn đầu danh sách "Vua phá lưới" giải đấu của Đức. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ xuất hiện làn sóng cầu thủ từ xứ sở sương mù đổ bộ sang Đức trong phiên chợ Hè sắp tới. Theo một người đại diện có tiếng của Đức, về chất lượng, ngoại trừ Bayern Munich, mặt bằng chung ở Bundesliga không so được với 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, đặc biệt là Premier League. Chưa kể, mức lương mà các đội bóng của Đức đưa ra thường không cao như ở Anh.
Nghị định tăng trưởng là biện pháp tài chính cho phép Serie A tiết kiệm khoảng 50% tiền thuế so với mức lương thực nhận của cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, tất cả sẽ bị bãi bỏ sau ngày 31/12/2023. Hành động này khiến các CLB tại Serie A trở tay không kịp trước thực trạng quỹ lương sẽ tăng lên đáng kể. Sức hấp dẫn của Serie A trong tương lai cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng do các câu lạc bộ không thể kham nổi tiền lương cầu thủ và huấn luyện viên hàng đầu. Serie A sẽ phải đối mặt với cuộc tháo chạy hàng loạt của các ngôi sao lớn, chẳng hạn như Victor Osimhen sẽ chuồn khỏi Napoli trong mùa Hè 2024.
Luật sửa đổi năm 2021 của Brazil cho phép các CLB của quốc gia Nam Mỹ này tìm kiếm các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Do vậy, nhiều tập đoàn lớn đã và đang nhảy vào "mảnh đất" màu mỡ này. Đơn cử như việc City Football Group mua CLB Bahia hay Eagle Football Holdings (EFH) thâu tóm Botafogo. Được "bơm tiền", các đội bóng của Brazil mạnh tay hơn trong mua sắm và trả lương cầu thủ. Từ trước đến giờ, Brazil được xem là quốc gia xuất khẩu cầu thủ. Nhưng có thể từ giờ trở đi, sẽ xảy ra hiện tượng nhiều cầu thủ ở các châu lục khác nhau chuyển đến thi đấu tại giải VĐQG Brazil.
Nền giáo dục bóng đá Nhật Bản đang ngày càng tốt lên và trình độ J-League ngày càng được nâng cao. Thành công của Kaoru Mitoma (Brighton), Wataru Endo (Liverpool) và Takehiro Tomiyasu (Arsenal) càng tạo thêm uy tín cho bóng đá xứ sở hoa Anh Đào. Theo thống kê, hiện có khoảng 20 ngôi sao Nhật Bản đang chơi bóng tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Tương tự, trình độ bóng đá Hàn Quốc cũng gần tương đương với châu Âu. Ít nhất 5 ngôi sao của họ đang tỏa sáng ở lục địa già, điển hình là đội trưởng Son-Heung Min (Tottenham) và trung vệ Kim Min-Jae (Bayern Munich).
Chuyện những siêu sao sắp hết thời gia nhập các CLB lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là quen thuộc. Xu hướng này vẫn tiếp tục ở mùa giải trước, với Edin Dzeko (sang Fenerbahce) và Mauro Icardi (Galatasaray). Theo "siêu cò" Utku Cenikli, các CLB ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sự thay đổi lớn. Thay vì mua sao "quá lứa lỡ thì", họ có kế hoạch chiêu mộ những cầu thủ trẻ tiềm năng, tài bồi, rồi bán với giá cao. Thành công trong thương vụ bán Arda Guler cho Real Madrid của Fenerbahce trong mùa Hè năm ngoái là gợi ý để các đội bóng của Thổ quyết tâm theo đuổi hướng đi mới.
Thành công của Erling Haaland (Man City), Rasmus Hojlund (MU) khiến nhiều CLB danh tiếng của châu Âu bắt đầu quan tâm mạnh đến thị trường Bắc Âu. Gần đây, người ta hay nhắc lại phát biểu của HLV Ole Gunnar Solskjaer. Ông này từng tuyên bố: "Tôi đã khuyên MU mua Haaland từ vài năm trước. Nhưng lúc đó, lãnh đạo CLB lại không mặn mà với các cầu thủ Bắc Âu. Thật là đáng tiếc". Các bộ phận "săn đầu người" của 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu gần đây đang "xới tung" Bắc Âu để đãi cát tìm vàng. Gần đây nhất, Malmo đã bán tiền vệ Hugo Larsson cho CLB Frankfurt với giá 9 triệu euro.
Roland Itoua - tuyển trạch viên quốc tế cấp cao của CLB Lorient chia sẻ: “Ưu tiên của chúng tôi là tìm một cầu thủ có tiềm năng, cho họ cơ hội, chờ họ chín muồi, rồi bán với giá cao”. Giống như nhiều CLB khác ở Ligue 1, Lorient có mối liên hệ chặt chẽ với các câu lạc bộ châu Phi. Đội bóng này hiện đang xem tiền đạo Mohamed Bamba là báu vật. Chân sút người Bờ Biển Ngà đang là niềm hy vọng số 1 của Lorient trong nỗ lực vật lộn trụ hạng. Cầu thủ 22 tuổi này hứa hẹn sẽ mang lại cho đội đang xếp thứ 16 tại Ligue 1 một khoản không nhỏ, nếu họ quyết định bán anh.