5 năm kể từ sau khi chia tay ông Chu Đình Nghiêm, CLB Hà Nội đã thay đổi HLV trưởng tới 9 lần, bao gồm cả việc đưa về những chiến lược gia nội, ngoại, và luân chuyển nhân sự tạm thời trong nội bộ đội bóng. Và với sự xuất hiện mới nhất của ông Makoto Teguramori (Nhật Bản), Hà Nội đã có lần thứ 10 thay đổi vị trí HLV trưởng. Các HLV được CLB Hà Nội đưa về có đủ sự đa dạng về quốc tịch và hầu như đến từ các nền bóng đá có trình độ phát triển cao.
Từ Đông Á với những gương mặt Park Choong Kyun, Chun Jae Ho, Daiki Iwamasa và Makoto Teguramori, tới Đông Âu (Bozidar Bandovic). Trong khi đó, nhóm HLV nội thì có ông Đinh Thế Nam, Hoàng Văn Phúc và Lê Đức Tuấn. Trong đó, ông Phúc và ông Tuấn đều từ 1 đến 2 lần ngồi sắm vai HLV tạm quyền.
Điểm chung của 9 vị HLV trước đây là không ai được tại vị quá 1 năm và thế nên lúc này nhiều người rất e ngại cho tân HLV trưởng Makoto Teguramori. Trên thực tế, Hà Nội rất mạnh về tài chính và họ sẵn sàng chi đậm để có được thương hiệu lớn đã làm việc ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, kể cả Thái Lan. Những nhà cầm quân của Hà Nội đều có mức lương cao, được toàn quyền quyết định về chuyên môn, nhân sự từ cầu thủ đến ekip trong ban huấn luyện.
Tức là lãnh đạo đội bóng Hà Nội chỉ cung cấp tài chính, quản trị và điều hành còn vấn đề chuyên môn do HLV trưởng toàn quyền quyết định. Về cơ bản thì công thức này thể hiện sự chuyên nghiệp lớn nhưng hiệu quả mang lại với Hà Nội là vấn đề vô cùng nan giải. Có rất nhiều ý kiến cho rằng triết lý huấn luyện, xây dựng lối chơi của các nhà cầm quân tại Hà Nội có sự “vênh” khá lớn so với tư duy chơi bóng cũng như sở trường của các cầu thủ đội bóng Thủ đô. Dưới thời HLV Phan Thanh Hùng rồi sau đó là Chu Đình Nghiêm, Hà Nội vận hành cách đá phối hợp nhỏ, tăng việc kiểm soát bóng ở giữa sân nên điều đó đã “ăn” vào máu các cầu thủ.
Tính ra hiện nay có rất nhiều cầu thủ trụ cột của Hà Nội vốn là học trò của HLV Chu Đình Nghiêm như Văn Quyết, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Hai Long, Thành Chung, Văn Toàn, Xuân Tú, Văn Xuân. Thế nên, để họ thích ứng với chiến thuật khác là điều không hề dễ dàng. Đây là vấn đề lớn nhất với các nhà cầm quân của Hà Nội trong thời gian qua bởi khi áp dụng triết lý mới, lối chơi khác so với thời HLV Chu Đình Nghiêm dẫn dắt thì lập tức Hà Nội trở thành đội bóng mà bất cứ đội bóng nào có thể đánh bại.
Hơn nữa, vấn đề mối quan hệ thầy-trò cũng là điều có thể gây nên sự sứt mẻ nơi đây. Thế nên, với các HLV trưởng, khi làm việc ở Hà Nội thì ngoài yếu tố chuyên môn thì sợi dây giữa thầy-trò trong cuộc sống đời thường cũng là đáng lưu tâm nếu như các “thầy” muốn trụ lâu và đem lại thành tích tốt.