Chuyện bình thường trên thế giới
Ở thời điểm diễn ra AFF Cup 2024, khi di chuyển cùng với ĐT Việt Nam, Nguyễn Filp thường đeo kính. Khi ấy, nhiều người chỉ nghĩ rằng, đây đơn thuần chỉ là phụ kiện thời trang của thủ môn Việt kiều này. Dẫu vậy theo tìm hiểu từ một người bạn thân của Filip Nguyễn, phóng viên Bóng đá biết được, thủ môn sắp 33 tuổi này không đạt thị lực tuyệt đối 10/10. Như bao người bình thường, Nguyễn Filip lựa chọn kính mắt như một công cụ hỗ trợ việc quan sát xung quanh. Điều tương tự cũng diễn ra với Patrik Lê Giang. Thủ thành mang trong mình hai dòng máu Slovakia và Việt Nam cũng phải đeo kính để nhìn rõ mọi vật.
Câu chuyện Nguyễn Filip và Patrik Lê Giang bị cận thị khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ. Bởi ở trên sân, họ không hề bộc lộ bất cứ nhược điểm gì về quan sát. Tất nhiên khi thi đấu, Nguyễn Filip hay Patrik Lê Giang đều sử dụng kính áp tròng. Ngoại trừ các đồng đội và bạn thân, không nhiều người nhận ra sự hiện diện của “trợ lý” này trên đôi mắt của các thủ môn kể trên.
Thực tế trên thế giới, chuyện các ngôi sao bóng đá bị cận là điều bình thường. David de Gea, thủ môn từng có giai đoạn thi đấu thăng hoa tại Man United, cũng đeo kính áp tròng khi ra sân thi đấu. Hậu vệ biên nổi tiếng Alvaro Arbeloa hay đặc biệt là Andres Iniesta - một trong những tiền vệ có nhãn quan chiến thuật tốt bậc nhất thế giới, cũng bị cận. Họ phải đeo kính mắt thường xuyên khi ra đường hay sử dụng kính áp tròng cỡ nhỏ lúc vào sân thi đấu.
Quan trọng ở ý thức rèn luyện
Câu chuyện cận thị với vận động viên thể thao nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh khoảng cách giữa mắt người và smartphone ngày càng gần hơn trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất nhiên, điều đó không phải là lời biện hộ để cầu thủ mặc định việc cận thị không ảnh hưởng trong thi đấu thể thao. Alvaro Arbeloa từng tâm sự, anh khổ thế nào trong tình thế một bên kính áp tròng bị mất lúc thi đấu.
Các thủ môn như Nguyễn Filip hay Patrik Lê Giang cũng không cho phép mắt mình tăng độ. Việc hạn chế sử dụng điện thoại, tích cực tăng phản xạ về mắt là điều đã và đang được thực hiện ở các thủ môn này, một cách chủ quan hay khách quan từ phía HLV thủ môn tại CLB. Còn nhớ ở thời điểm thi đấu cho Slovan Liberec tại CH Séc, Nguyễn Filip liên tục rèn luyện thị giác, thông qua bài tập di chuyển của bóng với cường độ và tốc độ tăng dần. Khi gia nhập CLB Công an Hà Nội hay ĐT Việt Nam, anh cũng thường trao đổi với HLV thủ môn về những bài tập tương tự nhằm giữ vững sự ổn định trong quan sát, phản xạ.
Patrik Lê Giang cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh việc tập luyện trong phòng gym hay rèn sức bền bằng cách chạy quanh sân Thống Nhất, thủ môn này cũng chú trọng về khả năng bao quát các vật thể xung quanh. Cảm nhận bằng nhiều giác quan, trong đó có thị giác là điều mà Patrik Lê Giang quan tâm thường xuyên.
Mới nhất, Nguyễn Filip cũng chia sẻ một số thống kê đáng chú ý xoay quanh màn trình diễn của 6 thủ môn đang chơi tại V.League. Anh cùng với Patrik Lê Giang đạt tỷ lệ khá về khả năng cứu thua thành công (Nguyễn Filip đạt 77%, còn Lê Giang gần chạm ngưỡng 70%). Ở số lần can thiệp thành công vào pha bóng, Nguyễn Filip ở mức 18 trên tổng số 19 lần. Còn Patrik Lê Giang thành công ở cả 13 lần can thiệp tình huống.