ĐT Qatar có thật sự dở tệ như lời đồn hay không?  

KHÔI NGUYÊN
Từ 09:43 ngày 08-11-2022
Không phải ai cũng đồng tình với việc Qatar được trao quyền đăng cai World Cup 2022. Có hai luồng quan điểm phản đối đáng chú ý nhất, trong đó có quan điểm cho rằng Qatar là vùng trắng bóng đá, không xứng đáng được tổ chức World Cup. Điều này có đúng không?  

Thứ nhất, là lập luận về đạo đức: World Cup không nên được tổ chức ở một quốc gia coi thường nhân quyền, nơi ước tính đã có khoảng 6.500 công nhân thiệt mạng trong thập kỷ qua, và một phần trong số họ qua đời khi đang xây dựng các công trình cho giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới.  

Thứ hai, đây là một đất nước không có di sản bóng đá. Đội bóng chủ nhà của World Cup năm nay rất yếu kém và không có tiếng tăm gì trên đấu trường quốc tế. Đây là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức bởi một quốc gia chưa từng vượt qua vòng loại kể từ năm 1934, khi ngày hội bóng đá lần đầu diễn ra tại Ý.  

Nhưng ngược lại, có ý kiến cho rằng ĐT Qatar không quá yếu ớt như chúng ta vẫn lầm tưởng. ĐT Qatar sẽ phải đương đầu với ĐT Cộng hòa Ireland và Bồ Đào Nha, nhưng Stephen Kenny và Fernando Santos đã có những phát hiện về đội bóng Qatar sau hai trận giao hữu, đó là đội bóng này có lối chơi tấn công thú vị, triết lý rõ ràng mà hầu hết các cầu thủ trên sân của họ đều nắm rõ nó. Trong ngắn hạn, Qatar là một đội bóng tốt và có tiềm năng.  

Những cầu thủ nước ngoài tên tuổi không phải là điều mới mẻ đối với bóng đá Qatar. Gabriel Batistuta, Sonny Anderson, Claudio Caniggia, Samuel Eto’o, Wesley Sneijder, Marcel Desailly, Juninho Pernambucano, Raul và cả Pep Guardiola đều từng trải qua những năm tháng cuối sự nghiệp ở QSL.  

HLV Pep Guardiola cũng đã chọn Qatar là bến đỗ cuối cùng trước khi giải nghệ

Để so sánh, mùa giải QSL hiện tại tương đối khiêm tốn về số lượng ngôi sao. Toby Alderweireld đã ký hợp đồng với Al-Duhail vào mùa hè năm ngoái, Santi Cazorla đã giành được giải thưởng “Cầu thủ của năm” cho màn trình diễn của anh ở Al-Sadd mùa trước và giờ thì Andre Ayew cũng đạt được thành tích tương tự.  

Trước khi đến Leeds United theo một hợp đồng cho mượn, Pierre-Michel Lasogga chơi cho Al-Khor, Javi Martinez đã ký hợp đồng với Qatar SC và James Rodriguez cũng gia nhập Al-Rayyan từ Everton.  

Trước đây, những tên tuổi lớn đến với bóng đá Qatar khi đã ở những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp, họ chỉ chơi ở đó để “dưỡng già” và nhận được khoản tiền thưởng hậu hĩnh. Mặc dù đó vẫn có thể coi là động lực chính cho những thương vụ của hiện tại, và không ai trong số các cầu thủ nước ngoài hiện đang chơi ở Qatar còn ở đội tuổi sung mãn nhất, nhưng nhìn chung họ vẫn là những cái tên có thể tiếp tục thi đấu ở các giải đấu hàng đầu châu Âu.  

Việc đưa những cầu thủ nổi tiếng đến với QSL không chỉ nhằm mục đích làm hình ảnh và thương mại như trong quá khứ, mà nhằm bổ sung những tài năng và cải thiện tiêu chuẩn của giải đấu, đồng thời nâng cao chất lượng cầu thủ “địa phương” để phục vụ cho đội tuyển quốc gia.  

Trên thực tế, có thể nói những ngôi sao lớn nhất của Qatar Stars League (QSL) đều là người Qatar, hoặc ít nhất là đã từng chơi cho ĐT Qatar (chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về điều đó ở phần sau).  

Như đã đề cập, Cazorla là cầu thủ xuất sắc nhất năm ngoái, nhưng trong 2 năm trước đó, Akram Afif, một tiền đạo cánh trái nổi tiếng đã được so sánh với Mohamed Salah.   Gần đây, khi xem anh ta chơi cho CLB Doha Al-Sadd, đội bóng lớn nhất của đất nước và là nhà cung cấp hầu hết các cầu thủ cho ĐTQG, bạn không thể rời mắt khỏi đôi chân của Afif. Tiền đạo này là mẫu cầu thủ đáng để được theo dõi ngay cả khi anh ta không có bóng và ai cũng sẽ tò mò rằng tiếp theo Afif sẽ làm gì.  

“Không có giới hạn nào cho anh ấy,” HLV Al-Sadd và huyền thoại của Barcelona, Xavi nói sau khi Afif giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á vào năm 2019. “Anh ấy là một tài năng không thể tin được, một cầu thủ lớn. Tôi đã nói với anh ấy nhiều lần rằng anh ấy là một cầu thủ tuyệt vời. Anh ấy có thể chơi ở mọi nơi (trên thế giới). Nó phụ thuộc vào chính Afif: tâm lý của anh ấy, tham vọng của anh ấy vì anh ấy có đẩy đủ mọi phẩm chất để chơi bóng”.  

Xếp sau Afif là Almoez Ali, một trung vệ và tay săn bàn thiên bẩm, đội trưởng của CLB Al-Duhail ở Doha. Anh đã ghi 9 bàn khi Qatar vô địch Asian Cup 2019, đánh bại kỷ lục do Ali Daei thiết lập, gần đây Ali là cầu thủ giữ kỷ lục ghi bàn tại đấu trường quốc tế của Qatar và năm nay trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại Asian Cup, CONCACAF Gold Cup và Copa America.  

Akram Afif, một tiền đạo cánh trái nổi tiếng đã được so sánh với Mohamed Salah

Tiếp theo là đội trưởng ĐTQG Hassan Al-Haydos, 30 tuổi và đang thi đấu cho Al-Sadd, một cầu thủ có lối chơi uyển chuyển, mượt mà, gợi nhớ hình ảnh của Mesut Ozil nhưng hoạt động năng nổ hơn cựu cầu thủ Arsenal một chút.  

Những ngôi sao nước ngoài chắc chắn là có sức ảnh hưởng, nhưng một thành tố rất quan trọng đối với sự phát triển của đội tuyển quốc gia là Học viện Aspire, về cơ bản là một trường đại học xa xỉ thành lập năm 2004,được nhận nguồn tài trợ dồi dào để đào tạo nên các cầu thủ bóng đá và vận động viên các môn thể thao khác ở Qatar.  

Đó là nơi hội tụ của những tài năng xuất sắc nhất từ khắp nơi trên đất nước. Họ được đào tạo ở Aspire từ khi còn nhỏ và sau đó thường được gửi đến một trong những CLB châu Âu mà Aspire có liên kết hoặc sở hữu (chẳng hạn như Eupen ở Bỉ, Cultural Leonesa của Tây Ban Nha và LASK ở Áo).  

Giám đốc bóng đá hiện tại của học viện là Tim Cahill. “Không có Học viện Aspire thì không có ĐTQG”, cựu tiền vệ của Everton và Australia, Cahill trả lời Goal vào đầu năm nay. “ĐT Qatar - họ là một khối thống nhất. Thật đặc biệt khi thấy các cầu thủ cùng nhau phát triển, thấy được sự ăn ý và khả năng lãnh đạo của họ”.  

Những cầu thủ tốt nghiệp Aspire thường trở thành trụ cột của ĐTQG. Hầu hết các thành viên của học viên đều đạt được cột mốc đó ở một số giai đoạn, nhiều người trong số họ đã cùng nhau vượt qua các thử thách và trưởng thành; 5 trong số các cầu thủ xuất phát chung kết Asian Cup giữa Qatar và Nhật Bản hai năm trước đã cùng chơi cho đội U19 Qatar vô địch giải đấu năm 2014.  

Trong khi hầu hết các quốc gia đều thích thú khi nghĩ về cách tiếp cận bóng đá của Qatar, đây chắc chắn là định nghĩa của việc quy hoạch dài hạn, một hệ thống được thiết kế toàn bộ để tạo ra một ĐTQG không hề bị bối rối khi được làm chủ nhà tại World Cup 2022.  

Qatar đã nhận được rất nhiều kỳ vọng khi bước vào chiến dịch vòng loại World Cup 2018. Đội bóng gồm những thành viên được cho rằng sẽ trở thành thế hệ vàng bóng đá Qatar, những người đã vô địch giải U19 châu Á năm 2014 dưới thời HLV Felix Sanchez.  

Cùng năm đó, ĐT Qatar cũng đã giành được Cúp vùng Vịnh Ả Rập, giải đấu có 8 quốc gia tham dự. Viễn cảnh Qatar sẽ lọt vào một trận chung kết ở một giải đấu lớn là có thể xảy ra. Họ trải qua vòng bảng với 7 chiến thắng trong số 8 trận (trong đó có màn vùi dập Bhutan 15-0), nhưng khi phải đụng độ các đối thủ mạnh hơn, Qatar xuống dốc và chỉ thắng được 2/10 trận và xếp cuối bảng đấu gồm sáu đội, kém đội xếp thứ hai là Trung Quốc 5 điểm, đội họ đã đánh bại ở giai đoạn trước đó, và kém 15 điểm so với đội đầu bảng Iran.  

HLV Jose Daniel Carreno đã bị sa thải sau khởi đầu tồi tệ ở giai đoạn hai, sau đó người thay thế ông, người đồng hương Uruguay Jorge Fossati, từ chức sau 2 trận đấu còn lại của chiến dịch. Quyền dẫn dắt ĐTQG được trao cho HLV đội U19 Sanchez và kể từ đó mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp.  

Tại Asian Cup 2019 ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar là đội bóng ít nhận được thiện cảm từ cả người hâm mộ bóng đá chân chính lẫn dân cá độ. Tình hình chính trị giữa UAE cùng nhiều quốc gia trong khu vực và Qatar vào thời điểm đó căng thẳng đến mức việc họ có được phép đặt chân vào nước sở tại hay không vẫn còn bị nghi ngờ, và các quan chức từ ủy ban tổ chức địa phương đã từ chối nói chuyện với các đối tác Qatar mà thay vào đó gửi thông điệp thông qua trung gian.  

Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, Sanchez đã tạo nên tâm lý chiến đấu cho ĐT Qatar, kết hợp với sự trưởng thành của đội bóng gồm nhiều thành viên của đội U19 mà ông từng dẫn dắt họ đến vinh quang 5 năm trước. Qatar đã lên ngôi một cách thần kỳ.  

Họ đã chiến thắng vòng bảng, ghi 10 bàn và không để thủng lưới trong 3 trận đấu, bao gồm chiến thắng 2-0 mãn nhãn trước Ả Rập Xê-út, vượt qua Irag bằng bàn thắng duy nhất ở lượt đấu thứ hai và sau đó oanh liệt đánh bại Hàn Quốc có ngôi sao Son Heung-min.  

Điều đó dẫn tới một màn trình diễn tuyệt vời khác ở trận bán kết với UAE. Bầu không khí trở nên sôi sục sau khi Qatar ghi bàn thắng thứ hai, một cơn mưa những chiếc giày dội xuống sân từ khán đài của các CĐV nhà (đó được coi là hành động có tính xúc phạm nghiêm trọng ở UAE), và một chiếc giày đã rơi trúng đầu tiền vệ Salem Al Hajri của Qatar. Lê chân về nhà sau thất bại là một chuyện, nhưng phải làm điều đó sau khi để đối thủ đáng ghét cùng khu vực vùi dập 4-0 quả là một cơn ác mộng đối với các cầu thủ của ĐT UAE.  

Cơn mưa những chiếc giày dội xuống sân từ khán đài của các CĐV UAE

Phải chăng danh dự của ĐT UAE sẽ được vãn hồi nhờ Nhật Bản, đội bóng đã giành ba cúp vô địch châu Á? Thực tế lại hoàn toàn trái ngược: Almoez Ali đã đưa Qatar vượt lên dẫn trước trong trận chung kết bằng một cú đá xe đạp chổng ngược và Abdulaziz Hatem ghi thêm bàn thắng thứ hai trước khi Akram Afif ấn định chiến thắng 3-1 từ chấm phạt đền. Đây không phải là một cú sốc giống như trường hợp Hy Lạp tại EURO 2004, nhưng ít ai tin rằng nó sẽ xảy ra.  

Bốn tháng sau, Qatar cũng làm khách mời tại Copa America, nơi họ rơi vào bảng đấu có Argentina, Colombia và Paraguay nhưng không hề chấp nhận bị bẽ mặt trước các đối thủ sừng sỏ. Ở giải đấu đó, Qatar để thua hai trận và hòa một trận với những màn trình diễn tương đối chấp nhận được.  

Nhưng ở Gold Cup mùa hè 2021, giải đấu tương đương với Copa America, họ không chỉ đứng đầu bảng đấu của mình mà còn lọt vào tới bán kết, gặp ĐT Mỹ. Đó là trận đấu mà Qatar nắm quyền kiểm soát trận đấu, bỏ lỡ một quả phạt đền và chỉ thua bởi một bàn thắng muộn màng của đối thủ.  

Qatar có thể là đội bóng chủ nhà World Cup ít kinh nghiệm nhất từ trước đến nay, nhưng không thể coi thường khả năng của họ. Trong một kỳ Word Cup, hầu hết các đội chủ nhà đều không có sự chuẩn bị tốt, các trận giao hữu cũng không được quá chú trọng.  

Nhưng Qatar thì khác: ngoài những chuyến du đấu tới các giải đấu ở khu vực khác với vai trò khách mời, về cơ bạn họ hoạt động như một đội hình “trong bóng tối”, sẵn sàng tham gia vào bất kỳ trận đấu nào, với bất kỳ đội bóng nào đang trống lịch.  

Thật khó để nói rằng tất cả những “điểm thăm quan” đều chào đón Qatar với một thái độ nồng hậu cùng mức giá miễn phí. Nếu Qatar là một quốc gia thiếu kinh nghiệm và không có tiềm lực tài chính hùng mình, rất có thể họ sẽ phải tự tìm cách chuẩn bị mọi thứ.  

Có lẽ không phải ngẫu nhiên, trước khi họ đối đầu với Mĩ trong trận bán kết CONCACAF Gold Cup, một hợp đồng tài trợ đã được công bố cho thấy Qatar tài trợ cho các chương trình huấn luyện cấp cơ sở ở mỗi quốc gia trong số 41 quốc gia của CONCACAF.  

Bên cạnh tất cả thành công của Aspire và các cầu thủ trẻ Qatar, những nhân tố nước ngoài vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể đối với bóng đá Qatar. Cahill bắt đầu đảm nhận vai trò của mình tại Aspire đầu năm nay, anh làm việc dưới trướng của giám đốc Ivan Bravo, cựu giám đốc chiến lược của Real Madrid.  

HLV ĐTQG Sanchez, người đã thành danh với tư cách là huấn luyện viên đội trẻ Barcelona, đã làm việc ở Qatar từ năm 2006, bắt đầu công việc ở học viện và huấn luyện tất cả các lứa trẻ của Qatar trước khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế cấp độ đội tuyển cao nhất vào năm 2017.  

Không thể không nhắc đến Xavi. Ảnh hưởng của Xavi thể hiện rõ qua phong cách thi đấu của Al-Sadd, đội bóng anh dẫn dắt. Các đường chuyền qua lại, cách cầu thủ hoán đổi vị trí và một đội hình 3-2-4-1 uyển chuyển, linh hoạt.  

Với việc Al-Sadd cung cấp 11 thành viên trong đội hình đội tuyển Qatar tham dự Gold Cup, không thể phủ nhận tác động mà Xavi mang đến cho ĐTQG. “Tôi nghĩ anh ấy hiểu rõ đội bóng hơn chúng tôi,” Sanchez chia sẻ.

Người Qatar đều biết rằng một thời điểm nào đó Xavi sẽ ra đi để trở về Barcelona, nhưng tất cả đều biết rằng ông đã làm những điều tốt nhất cho bóng đá Qatar.   Đã có lúc bạn phải mỏi mắt để tìm các cầu thủ gốc Qatar trong đội hình ĐTQG của họ. Trong một thời gian dài, người lập kỷ lục về số lần xuất hiện trong màu áo đội tuyển là Sebastian Soria, một người Uruguay chuyển đến Qatar vào năm 2004 và nhanh chóng được nhập tịch.  

Ảnh hưởng của Xavi thể hiện rõ qua phong cách thi đấu của Al-Sadd

Một trường hợp khác là Rodrigo Tabata, một cầu thủ gốc Brazil đã làm rung chuyển Al-Rayyan vào năm 2011. Tabata đã cố gắng lấy hộ chiếu Nhật Bản nhưng bất thành, sau đó anh nhập tịch và được khoác áo đội tuyển Qatar 18 lần. Dù điều này đã trở nên quen thuộc, nhưng cần nhắc lại rằng 9 cầu thủ trong thành phần đội tuyển Qatar vô địch Gold Cup được sinh ra bên ngoài Qatar.  

Một số người như Almoez Ali có gốc Sudan, trở thành công dân Qatar khi còn trẻ, không hẳn được coi là một “ngoại binh”, nhưng những cầu thủ khác như Pedro Miguel, một người Bồ Đào Nha với nick name Ro-Ro, đến chơi bóng ở QSL năm 2011 cũng đã được trao quyền công dân. Sự phụ thuộc vào các cầu thủ nhập tịch đang giảm bớt, nhưng họ rõ ràng vẫn có ảnh hưởng đáng kể.  

Năm 2011, khi Sepp Blatter gây chấn động thế giới với tuyên bố World Cup năm sau sẽ được tổ chức tại Qatar, đội tuyển quốc gia của họ đứng thứ 113 trong bảng xếp hạng FIFA và bị coi như một trò đùa.  

Tuy nhiên, trận bán kết Gold Cúp diễn ra ở mùa hè này đã giúp họ đạt thứ hạng 42 thế giới, cao nhất từ trước đến nay trên bảng xếp hạng FIFA, vượt qua Scotland, Ireland, Bắc Ireland, Na Uy của Erling Haaland, Ghana, Bờ Biển Ngà và Ai Cập.  

Việc FIFA trao quyền đăng cai World Cup cho Qatar có thể coi là một sự sỉ nhục tồi tệ về mặt đạo đức, nhưng dù chúng ta có mong muốn hay không, đội tuyển Qatar hoàn toàn có thể khiến tất cả phải bất ngờ thông qua những màn trình diễn của họ trên sân cỏ tại World Cup năm nay. 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x