Nền bóng đá từng 5 lần vô địch World Cup chẳng có ai ngoài Neymar, suốt cả thập kỷ qua. Neymar là cầu thủ Brazil duy nhất lọt vào Top 3 Quả bóng vàng trong 15 năm trở lại đây kể từ khi Kaka đoạt danh hiệu cao quý này vào năm 2007. Trong cả hai lần lọt vào Top 3 các năm 2015 và 2017, Neymar đều đứng thứ ba sau Ronaldo và Messi.
Trong khi đó chỉ riêng giai đoạn 1999-2007, Brazil đã chiếm 4 Quả bóng vàng nhờ Rivaldo (1999), Ronaldo (2002), Ronaldinho (2005) và Kaka (2007). Đấy mới là Brazil mà chúng ta từng biết, một nền bóng đá hùng mạnh với những siêu sao xuất chúng. Rivaldo từng phê phán thẳng mặt Antony vẽ vời quá nhiều mà thiếu hiệu quả. Nên nhớ, Antony là bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới ở mùa giải trước với 95 triệu euro (từ Ajax sang MU), gấp 3 lần tổng phí chuyển nhượng trong cả sự nghiệp Rivaldo. Nhưng so sánh kèo trái độc địa của Rivaldo với cái chân trái “hoa lá cành” của Antony là một sự thiếu tôn trọng với cựu sao Barcelona.
Tất nhiên Brazil chưa bao giờ thiếu cầu thủ giỏi. Vinicius nằm trong nhóm 5 ngôi sao tấn công hay nhất thế giới lúc này, Casemiro cũng là một trong những tiền vệ giỏi nhất ở vị trí của mình. Nhưng họ chưa thể đạt đến tầm vóc xoay chuyển càn khôn như thế hệ Kaka, Ronaldinho, Ronaldo hay xa hơn là Zico, Romario, Socrates, Pele. Người Brazil gần nhất chạm ngưỡng siêu sao, Neymar, lại trở thành nạn nhân cho chính lối chơi rê dắt của mình. Dù không ai có thể phủ nhận những kỹ năng bậc thầy của Neymar là trăm năm có một.
Sự biến mất của những siêu sao người Brazil, trước hết, nằm trong dòng chảy chung của bóng đá thế giới. Bóng đá hiện đại ngày càng đòi hỏi cầu thủ phải trở thành một cỗ máy toàn diện, tối ưu cả về thể lực, lối chơi lẫn tư duy hòa nhịp với bóng đá đỉnh cao châu Âu. Bản sắc Brazil đôi khi phải nhường chỗ cho sự thích ứng với cường độ của Premier League, đó là điều mà chính Gabriel Jesus từng thừa nhận.
Cơn bão toàn cầu hóa có lợi cho cầu thủ Argentina, những người thực dụng và giỏi thích ứng hơn là cầu thủ Brazil vốn mang dòng máu Jogo Bonito (bóng đá nghệ thuật và ngẫu hứng) đậm đặc. Họ có thừa khả năng để thích ứng và tỏa sáng ở châu Âu nhưng phải trả giá bằng việc đánh mất bản ngã.
Cũng có thể, câu chuyện Brazil vắng bóng siêu sao chỉ mang tính chu kỳ. Những tài năng kiệt xuất vẫn tiềm ẩn đâu đó trên các đường phố Sao Paulo. Nền bóng đá số một Nam Mỹ với hơn 200 triệu dân vẫn là vùng đất ngọa hổ tàng long. Và khi Neymar vẫn là thần tượng của giới trẻ, Richarlison vẫn bị la ó vì những pha biểu diễn không cần thiết, người Brazil rõ ràng vẫn tôn thờ thứ bóng đá đặc sắc của họ.
Nhưng với những người làm bóng đá Brazil, họ ý thức rõ hơn ai hết việc thiếu vắng trầm trọng ngôi sao. Cuối cùng, họ đành chọn một ngôi sao thực thụ trên băng ghế chỉ đạo, một người nước ngoài, Carlo Ancelotti, để dẫn dắt một đội tuyển Brazil nhàn nhạt trong thời kỳ quá độ.
Đây là bài viết thuộc Big Stories “Vì sao Brazil là ‘công xưởng’ của bóng đá thế giới?”.
Quý độc giả có thể xem thêm các bài khác thuộc Big Stories này tại link sau: https://bongdaplus.vn/bong-da-brazil/vi-sao-brazil-la-cong-xuong-cua-bong-da-the-gioi-4057382307.html