Bóng Đá Plus trên MXH

Những vụ đột tử trên sân bóng (kỳ 1): Bi kịch của Marc-Vivien Foe
KINH THI • 21:39 ngày 12/06/2024
Ngày 26/6/2003. Marc-Vivien Foe đổ gục xuống mặt cỏ ở phút 72 của trận bán kết Cameroon - Colombia thuộc khuôn khổ Confederations Cup 2003, tại sân Gerland ở Lyon, Pháp. 

    Không ai làm anh ngã. Bây giờ thì ai cũng biết, Foe qua đời ngay trên sân vì bệnh tim. Và theo lời của cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter thì "sự kiện Foe qua đời ngay trên sân bóng làm cả thế giới bóng đá phải nghiêm túc xem lại tình trạng y tế trong môn thể thao đỉnh cao này".

    MỘT CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM…

    Foe qua đời ngay trên sân trước sự chứng kiến của hàng nghìn khán giả

    Ít ra, cũng còn có chỗ tích cực: ở giây phút cuối cùng trong cuộc đời Foe, anh đang cùng đồng đội tiến vào chung kết của một giải đấu tầm cỡ thế giới, ở đẳng cấp ĐTQG. Đấy là thành tích tốt nhất trong lịch sử bóng đá Cameroon. Chỉ vài chục phút trước khi qua đời, anh còn đang hát quốc ca. Và anh qua đời khi đang khoác áo ĐTQG lần thứ 64. 

    Tang lễ của Foe sau đó được thực hiện theo nghi thức quốc tang, với sự tham dự của Tổng thống Cameroon khi đó là Paul Biya cùng rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong thế giới bóng đá. Suy cho cùng, cái chết của Foe, tuy thương tâm và đầy bi kịch, vẫn là cái chết vinh quang, có ý nghĩa.

    Một trong những ý nghĩa đơn giản và cụ thể nhất là sự thừa nhận của chính cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter về tầm quan trọng của công tác y tế trong môn thể thao Vua. Bây giờ, rất nhiều sân bóng đã có sẵn máy trợ tim để giới hữu trách kịp trở tay trước các tình huống tương tự. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cầu thủ chuyên nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến bệnh tim, đã được đẩy mạnh. 

    Bản thân FIFA, từ kinh nghiệm thương đau của Confederations Cup 2003, sau đó đã giảm mật độ thi đấu, chỉ tổ chức giải này 4 năm/lần chứ không phải 2 năm/lần như ở thời điểm Foe qua đời. Nhưng, đấy chỉ là một góc nhìn. Không phải ai cũng tán đồng bình luận của ngài cựu chủ tịch FIFA - kể cả khi đấy chẳng phải là những lời nói suông.

    … NHƯNG VẪN CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG CÁCH

    Một năm sau khi Foe qua đời, người vợ góa Marie-Louise của Foe, cùng các luật sư, tuyên bố kiện LĐBĐ Pháp về sự tắc trách, khi họ tổ chức Confederations Cup mà không có những tiện nghi cần thiết để dự phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 

    Luật sư Alain Jakubowicz nói: "Người ta mất 45 phút chỉ để cấp cứu cho Foe ngay trên mặt cỏ. Đấy là vì không có cách nào để đưa anh đến bệnh viện trong khoảng thời gian sớm nhất có thể. Không có bác sĩ chuyên ngành ngay tại hiện trường. Không có dụng cụ cần thiết (ví dụ như máy trợ tim). Tóm lại là không có gì". 

    Quả thật, đã có những nhà chuyên môn đồng tình với luật sư Jakubowicz: đành rằng Foe qua đời vì bệnh tim. Nhưng còn phải nhấn mạnh: anh qua đời vì không có sự cấp cứu kịp thời và chuẩn xác. Vụ kiện rút cuộc không diễn ra vì màu sắc chính trị. Bố của Foe mới là chủ gia đình, và ông tuyên bố không chấp nhận việc con dâu đặt ra vấn đề pháp lý trước cái chết của Foe, mà lại không hỏi ý bố chồng!

    Trước khi qua đời, Foe là cầu thủ Lyon nhưng đang khoác áo CLB Anh Manchester City theo hình thức cho mượn. Rất nhiều nghĩa cử để tưởng nhớ Foe đã được Manchester City nói riêng cũng như giới bóng đá Anh nói chung thực hiện. HLV Kevin Keegan của Manchester City tuyên bố đội này không dùng số áo 23 nữa. 

    Nhưng, người ta đã làm gì ngoài chuyện tưởng nhớ Foe, mà đa số dường như chỉ mang tính hình thức? Tháng 10/2006, thủ môn Petr Cech của Chelsea chấn thương rất nặng sau khi đầu của anh va chạm với... đầu gối của một cầu thủ Reading. Bác sĩ xác nhận sau khi phẫu thuật: Cech đã có thể qua đời vì chấn thương ấy. Có hai điều đáng nói: ban đầu, chẳng ai nghĩ rằng chấn thương của Cech lại nặng như thế; và việc đưa Cech đến bệnh viện diễn ra một cách vô cùng chậm chạp. 

    Cech thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng trường hợp chấn thương của anh cho thấy người ta đâu có thật sự rút kinh nghiệm từ cái chết của Foe, trong một vấn đề liên quan đến tính mạng cầu thủ (khâu cấp cứu)! Ít ra, có thể khẳng định như thế trong khoảng thời gian từ lúc Foe qua đời đến khi Petr Cech chấn thương. 

    Cũng trên thực tế, còn có đến hàng chục cầu thủ khác - nổi tiếng hoặc không nổi tiếng - qua đời ngay trên sân cỏ hoặc chỉ vài ngày, vài giờ sau đó. Có thể xem đấy là những cái chết được báo trước?
    Kể lại chuyện Foe qua đời ngay trên sân bóng, dù là đúng cột mốc 10 năm ngày giỗ của anh, cũng chẳng để làm gì. Điều quan trọng là nhân dịp Confeds Cup 2013, và nhân cái cột mốc 10 năm tròn trĩnh ấy, giới chuyên môn có lẽ nên rà soát lại một lần nữa các vấn đề liên quan đến tính mạng cầu thủ, hơn là phát biểu về một Marc-Vivien Foe đã xanh nấm mồ.

    Cho dù nhiều người ghét cay ghét đắng HLV Jose Mourinho, vì những câu nói khó nghe của ông, thì các quan chức FA và Premiership cũng đành ngậm đắng nuốt cay khi Mourinho chỉ trích quá đúng: "Thật may cho Cech, khi rốt cuộc thì anh vẫn sống. Sự chậm chạp và cẩu thả của khâu cấp cứu tại giải VĐQG được xem là số 1 thế giới suýt nữa đã trở thành yếu tố giết người"!

     

    CÓ ĐẾN HÀNG CHỤC "FOE" KHÁC
    Dĩ nhiên, Marc-Vivien Foe không phải là cầu thủ duy nhất từng chết ngay trên sân bóng. Chỉ tính trong kỷ nguyên hiện đại, đã có hàng chục trường hợp khác, và đấy là chưa tính những tai nạn thuần túy (như bị sét đánh hoặc bị ngộ độc). Sau đây là những trường hợp điển hình.
    - Ngày 12/8/1989: tuyển thủ Nigeria Samuel Okwaraji (24 tuổi) tự ngã và qua đời trên sân, trong trận gặp Angola ở vòng loại World Cup. Anh bị bệnh lớn tim và cao huyết áp.
    - Ngày 2/2/1993: cầu thủ Michael Klein (33 tuổi, 90 lần khoác áo đội Romania) của Bayer Uerdingen chết vì một cơn nhồi máu cơ tim trên sân tập.
    - Ngày 5/10/2000: cầu thủ Catalin Hildan (24 tuổi, tuyển thủ Romania) của Dinamo Bucarest gục ngã trên sân, cũng vì nhồi máu cơ tim, trong trận gặp giao hữu với Oltenita.
    - Ngày 29/8/2001: cầu thủ Serhiy Perkhun (23 tuổi, tuyển thủ Ukraine) của CSKA Moscow bất tỉnh trên sân sau một cú va chạm mạnh với cầu thủ Budun Budunov của Anzhi Makhachkala. 8 ngày sau, anh qua đời vì chấn thương nặng ở não.
    - Ngày 25/1/2004: cầu thủ Miklos Feher (24 tuổi, tuyển thủ Hungary) của Benfica chết trên sân vì bệnh tim, trong trận gặp Vitoria.
    - Ngày 27/10/2004: cầu thủ Serginho (30 tuổi) của đội Sao Caetano chết trên sân vì bệnh tim, trong trận gặp Sao Paulo tại giải Brasileirao.
    - Ngày 28/8/2007: cầu thủ Antonio Puerta (22 tuổi, tuyển thủ TBN) của Sevilla gục ngã trên sân trong trận gặp Getafe. Sau đó anh qua đời trong bệnh viện, vì bệnh tim.
    - Ngày 29/12/2007: cầu thủ Phil O'Donnell (35 tuổi, tuyển thủ Scotland) của Motherwell sụp đổ trên sân trong trận gặp Dundee United. Anh chết vì bệnh tim trên đường đến bệnh viện.
    - Ngày 8/8/2009: cầu thủ Daniel Jarque (26 tuổi) của Espanyol qua đời vì bệnh tim, sau một cữ tập.

    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội