Chuyện xưa, nhưng xem ra vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống đương đại, ở bất cứ lĩnh vực nào: ông thợ đóng giày và bức tranh kỵ sĩ.
Có một họa sĩ tài hoa, ngồi vẽ tranh giữa chợ. Bức tranh về một kỵ sĩ, đẹp đến từng đường nét một, ai đi qua cũng dừng lại xem và trầm trồ khen ngợi. Nhưng có một người không phục. Ông ta góp ý về chiếc giày của người kỵ sĩ trong tranh, bảo vẽ như thế là sai thực tế. Giày của kỵ sĩ là phải thế nọ, thế kia. Sau khi lắng nghe, anh chàng họa sĩ cảm thấy rất có lý và vẽ lại, không quên cảm ơn sự góp ý tuyệt vời của người lạ. Hỏi ra mới biết: ông kia là thợ chuyên đóng giày cho các kỵ sĩ, thảo nào rành rẽ đến thế.
Hôm sau, họa sĩ lại ngồi giữa chợ để hoàn thành bức tranh tuyệt vời. Kỳ này, ông thợ hôm trước lại ghé xem tranh, rồi góp ý về chiếc mũ của người kỵ sĩ, cho rằng mũ như thế là không đẹp. Chàng họa sĩ vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Rồi sau một hồi suy nghĩ, họa sĩ lắc đầu: “Theo tôi, ông không nên đi quá chiếc giày của mình”.
Mới đây, khi bình luận sau trận thua của Arsenal trước West Ham ở Premier League, bình luận viên Gary Neville có đả động một chi tiết tương tự: Arsenal thua vì... quá giỏi trong việc khai thác tình huống cố định để ghi bàn. Chẳng phải Neville nói gì cũng đúng. Nhưng trong câu chuyện này, Neville có lý khi bàn về tầm quan trọng của HLV chuyên trách tình huống cố định ở Arsenal, Nicolas Jover.
Trận thua West Ham khiến Arsenal phải dậm chân tại chỗ, gần như chấm dứt hy vọng trong việc đeo bám đội đầu bảng Liverpool. Đấy chỉ là một trận đấu cụ thể. Mùa này, Arsenal yếu về khả năng ghi bàn. Họ không có một trung phong thực thụ. Trách nhiệm ghi bàn do vậy được san sẻ cho nhiều cầu thủ sở trường ở những vị trí khác nhau. Hoàn cảnh này đòi hỏi một sự linh động cần thiết trong các giải pháp tấn công. Nhưng có vẻ như Arsenal chỉ chăm bẵm chờ đợi cơ hội ghi bàn từ các tình huống cố định.
Arsenal ghi bàn từ các tình huống cố định (đặc biệt là tình huống phạt góc) nhiều hơn bất cứ đội nào khác. Hẳn nhiên, đây là chỗ sở trường tuyệt vời, đáng được khai thác đến mức tối đa. Nhưng mặt khác, đối với chính Arsenal thì tỷ lệ ghi bàn từ tình huống cố định cũng cao đến mức bất thường. Ở đây, có tính hai mặt của một vấn đề: thật ra thì Arsenal hầu như không còn cách nào khác để ghi bàn, ngoài việc chờ phạt góc?
Chuyên gia huấn luyện tình huống cố định Nicolas Jover của Arsenal rất giỏi, và cực kỳ nổi tiếng trong lĩnh vực của mình (đáng gọi là nổi tiếng nhất hiện nay, trong thế giới bóng đá đỉnh cao). Còn khi ống kính truyền hình thường xuyên bắt được hình ảnh Jover “bàn bạc điều gì đó” với HLV trưởng Mikel Arteta, thì đấy lại là một câu chuyện rất khác. Tất nhiên, người ngoài cuộc không thể biết rõ chi tiết. Nhưng hãy nghe chính Arteta từng nói, trong một lần khen ngợi Jover: “Đấy là một người vô cùng đặc biệt. Chúng tôi rất, rất gần gũi với nhau trong công việc. Chúng tôi chia sẻ và cùng bàn bạc mọi chuyện. Không chỉ là tình huống mở hay tình huống cố định. Mọi tình huống trong trận đấu đều phải được kết nối với nhau. Làm sao để mọi tình huống trong trận đấu đều phải phát huy hiệu quả”.
Nếu như Arteta nói thật, thì có nghĩa là Jover không chỉ đặc trách tình huống cố định? Không có giới hạn nào cho Jover trong công việc huấn luyện Arsenal? Arteta từng lý giải: những gì diễn ra trên sân tập không phải là trận đấu thật. Cùng lắm, chúng tôi chỉ có thể tập đến mức độ gần nhất có thể, so với trận đấu thật. Phải làm sao kết nối việc tập tình huống “chết” với các diễn biến “sống” trong trận đấu thật…
Tóm lại, cứ theo như lời của Arteta, thì công việc của chuyên gia huấn luyện tình huống cố định Nicolas Jover không hề giới hạn trong phạm vi phối hợp sút phạt (hoặc phối hợp phòng thủ chống tình huống sút phạt của đối phương). Jover còn huấn luyện những gì nữa - đây là việc của Arteta, của Arsenal. Nhưng bỗng nhớ lại chuyện xưa: góp ý vô cùng thực tế của ông thợ đóng giày là quá tuyệt vời, hữu ích đối với chàng họa sĩ. Nhưng, bức tranh tổng thể phải là tác phẩm của người họa sĩ. Không thể để cho ông thợ đóng giày đi quá chiếc giày của ông ta được!