Hoàn toàn ngược lại: ai cũng chỉ trích thủ môn Kepa Arrizabalaga, trong bàn thua của Chelsea ở trận thắng Brighton rạng sáng qua, trừ... HLV Frank Lampard (Chelsea). Chẳng những không rầy Kepa, Lampard còn nói ông “rất hài lòng” về thủ môn này.
Bóng đá Anh nói chung hoặc Premier League nói riêng luôn là nền bóng đá hàng đầu thế giới về tính giải trí. “Công đầu” trong đặc điểm này thuộc về báo chí Anh. Họ thích khai thác phát biểu về nhau của giới bóng đá (chứ không nhất thiết cứ là HLV nói về cầu thủ của mình) có khi còn hơn cả việc bình luận chuyên môn, phân tích chiến thuật. Đấy cũng là vì “nồi cơm” của họ: khán giả Anh muốn biết chuyện đời tư của cầu thủ, muốn nghe HLV phát biểu trước và sau trận.
Nhiều năm trước, có một bài báo mô tả “những bầy cừu trong sân bóng Anh”. Đấy là các cổ động viên sẵn sàng trả tiền vé rất đắt nhưng vào sân chỉ để reo hò hoặc la ó theo đúng những gì anh hoạt náo viên làm mẫu, luôn nhớ... đi toilet trước giờ giải lao để tránh ùn tắc, và trong nhiều trường hợp thì nhớ rời sân trước khi trận đấu kết thúc để tránh kẹt xe.
Vì sao đội bóng của họ thắng, hoặc thua, cứ nghe HLV nói sau trận. Thích thế thôi, có gì là quan trọng! Cựu danh thủ David Platt thậm chí đã khẳng định: vào thời của ông, các cầu thủ Anh không cần biết đến sơ đồ nào khác. Họ đã ra sân thì đương nhiên chơi 4-4-2. Cứ đá ầm ầm!
Ở nơi khác, ví dụ Brazil, mỗi khán giả đã là HLV rồi, cần gì nghe HLV nào nữa. Đội bóng thua thì dĩ nhiên vì HLV chọn sai đội hình (khác với ý mình). Cầu thủ lừa bóng qua người nhiều nhất thì là ngôi sao...
Đấy là văn hóa bóng đá - mỗi nơi mỗi khác. Mourinho là HLV người Bồ Đào Nha trong khi Lampard là người Anh, cũng rất khác nhau. Ai thấy lạ khi Lampard “hài lòng” về Kepa, hãy nhớ lại xem đã có mấy HLV ở Anh - nhất là các HLV ĐTQG - chỉ trích sai lầm ngớ ngẩn, gây hậu quả khôn lường, của cầu thủ mình? Trong nhiều trường hợp, thủ phạm dẫn tới bàn thua sẽ được lý giải: “Đấy là cầu thủ xuất sắc. Và đấy là một tai nạn. Hy vọng anh ta sẽ nhanh chóng quên đi”.
Tóm lại, Mourinho chỉ trích cầu thủ, hay Lampard động viên cầu thủ, đều chỉ là... nói cho có - tất nhiên là trong cái lĩnh vực mà họ có quyền nói dối, chẳng làm phiền ai.
Chẳng lẽ Mourinho nói thật lòng về đặc điểm lười biếng của các cầu thủ Tottenham, để đối phương biết cần khai thác chỗ nào trong trận đấu sắp tới? Và chẳng lẽ Lampard nói thật lòng về Kepa, và đối phương sẽ khai thác tối đa cơ hội tung cú dứt điểm về phía thủ môn này?
Chẳng ai nói thật, trong môn bóng đá vốn dĩ rất gần với quy luật “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Giấu (ưu, nhược điểm của đội mình) còn chưa được, ai lại nói huỵch toẹt ra bao giờ!
XEM THÊM
Kết quả Brighton 1-3 Chelsea: Havertz im tiếng, Chelsea giành trọn 3 điểm nhờ hàng thủ