Trận đấu với U22 Thái Lan chứng kiến những thay đổi ấn tượng của HLV Philippe Troussier nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các cầu thủ trẻ trong tay mình. Sau khi bị dẫn trước ở hiệp một, chiến lược gia người Pháp đã có những sự điều chỉnh đáng chú ý để giúp U22 Việt Nam có một trong những hiệp đấu ấn tượng nhất ở SEA Games lần này.
45 phút đầu thiếu sức nặng
Việc phải nhận bàn thua sớm sau sai lầm của Lương Duy Cương có lẽ không khiến cách tiếp cận trận đấu của U22 Việt Nam có nhiều sự thay đổi. Với một đội hình gồm nhiều cầu thủ chưa có cơ hội đá chính ở những trận đấu trước đó, đội bóng của HLV Troussier vẫn thực hiện đúng những yêu cầu về mặt chiến thuật xuyên suốt từ đầu kì SEA Games tới giờ.
Đẩy khối đội hình lên cao và gây áp lực từ khu vực 1/3 giữa sân khi phòng ngự và nỗ lực tạo ra sự đa dạng trong các phương án tiếp cận khung thành đối phương trong khâu tấn công vẫn là những đặc điểm chính có thể thấy được từ cách chơi của U22 Việt Nam trong hiệp 1.
Với cách tiếp cận trận đấu kể trên, U22 Việt Nam tạo ra 2 cơ hội đáng chú ý trong 45 phút thi đấu đầu tiên, với sự cơ động của 2 cánh. Phút thứ 13, Công Đến có tình huống chuyển hướng tốt đến vị trí của Khuất Văn Khang – người được sử dụng thay thế Võ Minh Trọng trong vai trò wing-back trái. Số 8 của U22 Việt Nam xử lý bóng gọn gàng trước khi đưa bóng hướng đến cột xa cho tình huống di chuyển không bóng của Hồ Văn Cường – người chơi ở biên đối diện.
Đó là một hình ảnh tương đối điển hình cho lợi thế của cấu trúc triển khai bóng 3-2-5 trước hàng hậu vệ 4 người của đối phương, khi U22 Việt Nam có được quân số đông hơn khi tấn công vòng cấm. Một phương án tấn công vốn đã được thực hiện nhiều lần ở 3 trận đấu trước đó, với các tình huống chuyển hướng tấn công.
Chỉ vài phút sau đó, đội bóng của ông Troussier lặp lại miếng đánh đó với cơ hội có thể coi là nguy hiểm nhất trong hiệp thi đấu thứ nhất. Trung vệ lệch phải Nguyễn Ngọc Thắng cho thấy sự hỗ trợ đúng thời điểm với Hồ Văn Cường, và đưa bóng hướng đến cột xa cho tình huống xâm nhập của Văn Khang.
Với sự góp mặt của Huỳnh Công Đến là Lê Quốc Nhật Nam trên sân, U22 Việt Nam có được chất lượng ở các tình huống điều tiết bóng theo chiều ngang sân và tấn công vòng cấm đối phương với ý đồ tốt.
Dẫu vậy, sự hạn chế của cặp đôi này ở khả năng bao quát trận đấu, cùng việc cả Văn Trường ở vai trò tiền vệ tấn công lệch trái và Xuân Tiến ở vai trò tiền đạo đều không thể hiện được đúng phẩm chất của mình, U22 Việt Nam chưa cho thấy được sức nặng và sự áp đặt khi có bóng trong chân.
Thay đổi của ông Troussier
Kiểm soát thế trận có lẽ là lí do lớn nhất dẫn đến việc U22 Việt Nam sử dụng cùng lúc 2 quyền thay đổi người ngay ở đầu hiệp thi đấu thứ 2. Trung vệ lệch trái Phan Tuấn Tài góp mặt, cùng với đối tác của mình ở hành lang trái là Võ Minh Trọng. Khuất Văn Khang được trả lại vai trò sở trường của mình là tiền vệ tấn công lệch phải, điều giúp Văn Trường được chơi ở vị trí tiền đạo – khu vực hoạt động ưa thích của cầu thủ mang áo số 14.
Sự thay đổi ấy ngay lập tức phát huy tác dụng. Sự có mặt của Tuấn Tài và Minh Trọng ở hành lang cánh trái mang đến một hình ảnh quen thuộc cho U22 Việt Nam, với các nỗ lực triển khai bóng điềm tĩnh và có độ chuẩn xác cao hơn ở hành lang cánh này.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc đặt Văn Trường và Văn Khang vào những phạm vi hoạt động sở trường của hai cầu thủ này cũng khiến U22 Việt Nam sở hữu những điểm nhận bóng giữa 2 tuyến phòng ngự của đối phương chắc chắn, cơ động và giá trị hơn. Đó là điều mà Xuân Tiến cùng chính Văn Trường trong vai trò tiền vệ tấn công lệch phải của mình đã không làm được trong 45 phút thi đấu đầu tiên.
Chính Văn Trường là người đã có tình huống kiểm soát bóng và chuyển hướng đầy gọn gàng dẫn đến quả phạt tạo ra bàn thắng gỡ hòa của các cầu thủ áo đỏ.
Cuối cùng, là sự góp mặt của một bộ đôi sinh năm 2003 khác. Nguyễn Thái Sơn vào sân để thay thế Huỳnh Công Đến và ngay lập tức tạo ra tính khác biệt ở khu vực giữa sân với khả năng hoạt động rộng của mình, trong khi một Nguyễn Thanh Nhàn sung sức đã chơi 30 phút cuối trận cực kì bùng nổ.
Những phút còn lại của trận đấu chứng kiến một hình ảnh đột biến, nhanh nhẹn và tự tin của 3 cầu thủ tấn công cùng sinh năm 2003. Bộ ba Văn Khang, Văn Trường, Thanh Nhàn chỉ cách bàn thắng một khoảng cách rất nhỏ nữa thôi để khiến những thay đổi nhân sự của ông Troussier trở nên hoàn hảo.
Bất kể tính chất của trận đấu với U22 Thái Lan có là thế nào, cuộc đối đầu với tập thể được đánh giá là có chất lượng nhân sự cao nhất tại SEA Games lần này chắc hẳn sẽ mang đến những sự tự tin rất lớn cho U22 Việt Nam trước vòng bán kết. Những gì các cầu thủ đã thể hiện minh chứng cho chất lượng của chính họ, và cũng đồng thời giúp ban huấn luyện có thêm những phương án không chỉ 11 cái tên đá chính, mà còn là những nhân tố sẵn sàng tạo ra đột biến ở khâu tấn công trong quãng thời gian 30 phút cuối trận.
Chúng ta có quyền tiếc nuối về việc chỉ có một trận hòa, nhưng cũng như những trận đấu trước đó tại SEA Games lần này, cuộc đối đầu với U22 Thái Lan có giá trị còn lớn hơn mặt điểm số.