Bàn thắng xuất phát từ cú treo bóng qua đầu hậu vệ cuối bên phía U23 Thái Lan của Tuấn Tài, trước khi “hạ cánh” rất đúng nhịp để Văn Tùng băng vào hạ đối phương. Trang chủ của AFC ví bàn thắng đó tương tự cú vô-lê của huyền thoại Marco van Basten (Hà Lan) vào lưới ĐT Liên Xô trong trận chung kết EURO 1988. Trước đó, tác giả của đường chuyền là Tuấn Tài cũng có một bàn thắng sau cú sút đầy bất ngờ giúp U23 Việt Nam mở tỷ số.
Hai bàn thắng của U23 Việt Nam có dấu chân của cả đối thủ, nhưng nó mang màu sắc cá nhân nhiều hơn. Ở các giải bóng đá trẻ, luôn có nhiều pha làm bàn không tưởng bởi nó xuất phát từ tính ngẫu hứng của các cầu thủ trẻ. Nhâm Mạnh Dũng, người có cú đánh đầu quyết định giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 31 bỗng chốc hoá người hùng là nhờ sự ngẫu hứng cá nhân. Một ví dụ khác, nhắc đến Quang Hải là người ta ngay lập tức nhớ đến siêu phẩm “cầu vồng trong tuyết” ở trận chung kết U23 châu Á 2018…
Bóng đá luôn đề cao tính đồng đội, nhưng trong một tập thể, bất kỳ HLV nào cũng muốn sở hữu một ngôi sao có thể làm nên khác biệt hoặc có những cá nhân biết “xé bài” ở thời điểm cần phải như thế. Thật khó để đặt Văn Tùng bên cạnh Van Basten và cũng khó chờ đợi, cầu thủ này tái hiện lại “cực phẩm” của anh giống như trong trận đấu với U23 Thái Lan. Nhưng chúng ta không thôi hy vọng, trước một đội bóng có chuyên môn vượt trội như U23 Hàn Quốc, HLV Gong Oh Kyun lại có thêm những học trò tỏa sáng theo cách đặc biệt nhất.
Bóng đá trẻ luôn khó lường vì ngoài chuyên môn nó phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý cầu thủ. Cho nên, trong một ngày đẹp trời, biết đâu những bàn thắng như của cựu “Cậu bé vàng” Văn Quyến từng giúp ĐT Việt Nam đánh ĐT Hàn Quốc năm 2003 sẽ đến.