Đủ một đội hình đá SEA Games 2025 lẫn vòng loại U23 châu Á 2026
Sau VCK U23 châu Á 2024, những cầu thủ sinh năm 2001 và 2002 như: Quan Văn Chuẩn, Duy Cương, Quang Thịnh, Minh Khoa, Văn Tùng, Minh Quang, Văn Toản, Võ Nguyên Hoàng, Ngọc Thắng, Đức Việt… sẽ chia tay với sự nghiệp tuổi “U” của mình. Tuy nhiên, U23 Việt Nam hiện tại vẫn còn hơn một nửa đội hình chuẩn bị cho tương lai trong 2 năm tới, mà cụ thể là đấu trường SEA Games 2025 và vòng loại U23 châu Á 2026.
Cũng nhắc lại, U23 Việt Nam là đội bóng trẻ nhất VCK U23 châu Á 2024 khi có độ tuổi trung bình 20-21. Đứng thứ 2 là Indonesia 20-56. Các đại diện Đông Nam Á khác như Malaysia có độ tuổi trung bình 21-30 và Thái Lan là 21-43. Những thống kê nói trên cho thấy, trong vài năm tới, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan tiếp tục là “đối trọng” ở các giải trẻ khu vực. Trong đó Việt Nam gửi đi nhiều hy vọng khi chúng ta có đến 11 cầu thủ nằm trong danh sách tham dự VCK có năm sinh từ 2003 đến 2005.
Các cầu thủ vẫn còn đủ tuổi tham dự SEA Games lẫn vòng loại U23 châu Á 2026 gồm (8 cầu thủ sinh năm 2003): Nguyễn Hồng Phúc, Khuất Văn Khang (Viettel), Nguyễn Đức Phú (VPF-CAHND), Nguyễn Thái Sơn (Thanh Hoá), Nguyễn Quốc Việt (HAGL), Bùi Vĩ Hào (Bình Dương), Nguyễn Văn Trường (Hà Nội), Hồ Văn Cường (CAHN). Còn lại có Nguyễn Đức Việt (sinh năm 2004, HAGL) và 2 cầu thủ sinh năm 2005 là Lê Nguyên Hoàng (SLNA) và Nguyễn Mạnh Hưng (Bình Phước).
Nằm trong lứa tuổi này còn phải nhắc tới những tài năng phải vắng mặt vì chấn thương như Nguyễn Thanh Nhàn (2003, PVF-CAND) hay Nguyễn Đình Bắc (2004, Quảng Nam). Ngoài ra còn phải kể đến một loạt cầu thủ sinh năm 2003 khác, đó là: thủ môn Đoàn Huy Hoàng (Bình Phước) Trần Trung Kiên (HAGL), Đinh Xuân Tiến, Phan Xuân Đại (SLNA), Nguyễn Đức Anh (Hà Nội FC), Trần Ngọc Sơn (Nam Định). Nhỏ hơn có các cầu thủ của SLNA như Trần Nam Hải (2004) Nguyễn Quang Vinh (2005) hay trung vệ Phan Văn Thành (2006)…
Hướng đi nào cho U23 Việt Nam?
Việc được tham gia thường xuyên trong màu áo của các đội tuyển trẻ giúp cho các cầu thủ tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, bấy nhiêu là không đủ để giúp họ có những bước tiến lớn đủ khả năng có thể chơi sòng phẳng với các đồng tuế khi bước ra đấu trường châu lục. Bản thân HLV Hoàng Anh Tuấn nói rằng, có 90% cầu thủ U23 Việt Nam ít được ra sân tại V.League và giải hạng Nhất.
Những cầu thủ như Duy Cương (SHB.ĐN), Thái Sơn (Thanh Hoá), Văn Chuẩn (Hà Nội FC), Vĩ Hào (Bình Dương) là những trường hợp hiếm hoi được ra sân thường xuyên. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, bản thân mỗi cầu thủ phải tự hoàn thiện bản thân mới có cơ hội cạnh tranh suất đá chính ở CLB bởi ở các giải chuyên nghiệp, mỗi đội bóng đều có mục tiêu, định hướng riêng nên khó có nhiều đất diễn cho người trẻ.
Nhận định của nhà cầm quân người Khánh Hoà không sai. Thế nhưng một tín hiệu đáng mừng là lứa cầu thủ sinh năm 2003 trở về sau đã và đang nằm trong kế hoạch nhân sự của các CLB. Dẫu vậy, để lứa cầu thủ kế cận của U23 Việt Nam có thêm những cơ hội thực chiến, chẳng còn cách nào khác là phải thường xuyên tham gia các giải trẻ hay các trận đấu giao hữu quốc tế…
Tóm lại, sẽ có một “phiên bản mới” của U23 Việt Nam trong năm 2025 và 2026, nhưng để sở hữu một phiên bản tốt nhất, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trong số này, chúng ta cần có một kế hoạch ngay từ bây giờ thay vì hy vọng vào sự thay đổi của các CLB.