Khi Achraf Hakimi, thần tượng bóng đá Morocco, tiễn Tây Ban Nha về nước bằng cú đá panenka, tiếng la hét từ 4 góc khán đài trở thành tiếng lòng bất giác được phát ra. Đó không chỉ là một màn ăn mừng chiến thắng thể thao thuần tuý, mà là sự hô hào, là tiếng hiệu triệu lịch sử của một cộng đồng. Lần đầu tiên, một đội tuyển Ả-rập góp mặt ở vòng 8 đội mạnh nhất World Cup.
Hàng ngàn CĐV tràn xuống Souq Wakif, khu chợ hồi giáo tiểu thương, di tích lịch sử hiếm hoi còn giữ được những nét văn hoá truyền thống cổ đại của Ả-rập, nền văn minh lâu đời nhưng luôn là ẩn số với bất kỳ khách du lịch nào. Ô tô bấm còi inh ỏi, tiếng hát xuyên suốt màn đêm dù thực tế, là Morocco chứ không phải chủ nhà Qatar vừa tạo ra kỳ tích ở sân Education City. Niềm vui ấy lan toả tới khắp các ngóc ngách Qatar, len lỏi tới Rabat, Casablanca và vươn ra các cộng đồng Ả-rập khác nhau trên thế giới.
Đó là niềm vui của bóng đá Morocco, và cũng là niềm vui của khối các quốc gia Ả-rập. Các vấn đề về chính trị, xã hội, kinh tế không thể biến mất chỉ sau một trận bóng nhưng hôm qua, thứ duy nhất tồn tại là niềm hạnh phúc của cộng đồng 427 triệu dân trong thế giới Ả-rập.
Morocco không “cô đơn” trong lễ diễu hành thành tích tuyệt vời họ tạo ra trước Tây Ban Nha. World Cup được thắp sáng bởi người Ả-rập, khi người Palestine, Jordan, Algeria, Tunisia và cả Saudi Arabia tràn xuống đường, chiếm lấy từng m2 nhỏ bé trên những con phố ở Doha, như cái cách cộng đồng CĐV Ả-rập đã “chiếm sóng” trên các khán đài World Cup 2022 trước đó.
“Nước chủ nhà” toả sáng tại World Cup - bằng cách này hay cách khác - từ lâu đã được coi là giai thoại kinh điển trong bóng đá hiện đại. Mexico vào tới tứ kết ở hai kỳ World Cup mà họ là chủ nhà (1970 và 1986). 4 năm trước, Nga cũng đánh bại chính Tây Ban Nha để vào tới tứ kết. Câu hỏi được đặt ra: định nghĩa thế nào về khái niệm “nước chủ nhà”?
Những gì diễn ra trên đường phố Doha 3 tuần qua chỉ càng khẳng định, Qatar là đại diện cho cộng đồng 22 quốc gia Ả-rập đưa World Cup tới thế giới của họ. Người Ả-rập đã sử dụng World Cup lần này để thể hiện sự cuồng tín đối với bóng đá, với cầu thủ và cũng thể hiện với thế giới ngoài kia về lòng hiếu khách. Người Ả-rập đã nắm bắt cơ hội, giương cao lá cờ của mình với niềm tự hào, lòng yêu nước và sự đoàn kết. Sau tất cả, đấy có lẽ là mới là giá trị lớn lao nhất của World Cup, như câu khẩu hiệu Cristiano Ronaldo truyền đi trong đoạn phim quảng cáo của FIFA: “Bóng đá gắn kết thế giới”.