Đây là nơi ăn chốn ở của 3.000 công nhân nhập cư từ Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ tới Qatar từ 5 năm trước để hoàn thiện phần mái vòm sân Al Bayt. Nếu từng nhìn thấy hình ảnh khu ổ chuột ở Nam Á hay châu Phi trên truyền hình, SAIC thậm chí còn tồi tệ hơn khi phóng viên tìm tới và trải nghiệm tận mắt.
Len lỏi giữa những dãy nhà kính khổng lồ là các cabin “bé tí hin”, không cửa sổ và chỉ đủ kê chiếc giường tầng cho 3-4 người. Không nói là “chỗ ở”, nhiều người sẽ lầm tưởng đấy là… nhà vệ sinh công cộng. Chai lọ, đồ dùng nấu nướng cất dưới gầm giường. Mùi chua lòm của ẩm thấp đặc quánh trong không khí. Mặt sau dãy cabin là nơi tập kết sắt vụn và rác thải, bụi mù quanh năm suốt tháng.
Mất 730 triệu USD để hoàn thiện công trình sân Al Bayt, nhưng một công nhân như Sanjay Anita - tới từ miền Nam Ấn Độ - chỉ nhận lương 240 USD mỗi tháng. Tiết kiệm lắm, Anita cũng chỉ có thể gửi về nhà 190 USD. “Phần còn lại là để sinh tồn”, Anita không giấu nổi ngao ngán.
Cho những ai chưa hình dung tính khắc nghiệt của khí hậu ở Qatar: Vào 05h00 hàng ngày, mọi người trong “khu trọ ổ chuột” này đều thức dậy. Không phải để đi làm, mà là vì… nóng quá không ngủ nổi. Làm gì thì làm, tới 07h00 tất cả đều có mặt ở công trường, bởi ở đó mới có nước sạch. Họ sẽ tranh thủ dùng nước vệ sinh qua loa trong quá trình tưới cây cỏ.
SAIC không phải là nơi duy nhất như thế bạn có thể bắt gặp ở Qatar. Ở đâu có SVĐ, ở đâu có công trình World Cup là ở đó, bạn sẽ tìm thấy “tận cùng của thế giới”. “Chỉ là, những người như Anita không có lựa chọn. Nếu có lựa chọn, tôi đã không tới đây”, Anita vừa nói, vừa lấy khăn che miệng vì… quá bụi.