Phải thừa nhận, ông Park Hang Seo hay. Ông vừa làm được nhưng cũng vừa nói được, mà nói rất đúng và trúng, không vòng vo tam quốc theo kiểu lịch sự, ngoại giao như các vị HLV ngoại khác khi tới Việt Nam. Ông Park nói thẳng rằng: "Điểm yếu của cầu thủ Việt Nam là luôn sợ hãi trước những đối thủ chơi thể lực". Ở đây, người viết chỉ muốn bổ sung ý này: Điểm yếu là luôn sợ hãi ở những trận then chốt.
Ông Park nói điều trên với thái độ bực tức khi chứng kiến các cầu thủ của mình thi đấu kém mạnh mẽ trong trận đấu cuối cùng trên đất Hàn Quốc. Đối thủ chỉ là đội xếp bét bảng giải K.League 2, thế nhưng, với ông Park thua yếm thế như vậy là không được bởi: "Các anh là đội tuyển quốc gia". Mà đã là đội tuyển quốc gia thì có thể đá thua hay thắng, nhưng phải có tinh thần mạnh mẽ, tích cực.
Ông Park này, nếu mà không mắc chứng bệnh ông chỉ ra thì bóng đá Việt Nam đã có một vài chức vô địch rồi chứ không phải chỉ một Cúp Vàng AFF Suzuki Cup năm 2008. Bởi nhìn lại bóng đá Việt Nam từ giai đoạn hội nhập trở lại với khu vực, ĐT Việt Nam đã dự 5 trận chung kết và tất cả đều có một kết quả: Về Nhì.

Ông Park không vui với sự sợ hãi của các cầu thủ Việt Nam trước một đội bóng hạng hai Hàn Quốc
Trong đó, đáng tiếc nhất là trận chung kết SEA Games 22 năm 2003, dù được thi đấu trên sân nhà, dù có được lực lượng khá tốt với Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em, Hữu Thắng nhưng chúng ta vẫn thua Thái Lan (1-2), một đối thủ mà hễ gặp là tâm lý sợ thua lại lấn át tinh thần thi đấu, nhất là ở những trận đấu có tính chất quyết định cuối cùng.
Nhưng ngay cả khi không gặp Thái Lan, ĐT Việt Nam vẫn thua một cách tức tưởi. Đáng tiếc nhất là trận chung kết SEA Games 25 năm 2009. Khi đó, chúng ta bừng bừng khí thế tự tin, lạc quan từ thầy trò HLV Henrique Calisto – những nhà đương kim vô địch AFF Cup 2008 – đến gần toàn bộ 90 triệu người dân Việt Nam.
Không tự tin sao được khi mà đối thủ chỉ là Malaysia, đội đã bị chúng ta đánh bại 3-1 ở vòng bảng. Ấy thế mà ĐT Việt Nam vẫn phải ngậm ngùi nhận huy chương Bạc vì một bàn thắng có phần tắc trách của hàng phòng ngự. Thật không thể tin nổi, ĐT Việt Nam đã đánh mất cơ hội vàng tốt nhất tại SEA Games chỉ vì căn bệnh tâm lý.

Đó là căn bệnh khiến U23 Việt Nam tuột vàng ở SEA Games 22
Đó là còn chưa kể đến thất bại đầy cay đắng tại trận chung kết Tiger Cup 1998, tiền thân của AFF Cup. Chúng ta đã đánh bại Thái Lan ở bán kết, chỉ gặp một Singapore vẫn còn chưa phải là thế lực đáng sợ, và lại được thi đấu trên sân nhà. Ấy thế mà, chúng ta vẫn thua, đành đổ lỗi cho vận đen khi cầu thủ đối phương dùng lưng ghi bàn ở một pha tranh chấp với thủ môn Tiến Anh mà trọng tài chỉ cần chờ khiếu nại là sẽ từ chối bàn thắng.
Đen đủi, thiếu may mắn, "Cô chưa thương"… là những lý giải mang tính chống chế. Thực chất vẫn chỉ có một nguyên nhân duy nhất: Các cầu thủ Việt Nam thi đấu với sự sợ hãi, tâm lý bất an và chưa có đủ bản lĩnh của một nhà vô địch thực sự. Khách quan mà nói, chức vô địch AFF Cup 2008 cũng đến từ may mắn chứ không phải từ một vị thế mạnh mẽ, trấn áp đối thủ.

Cũng như tại trận chung kết năm 2009 trên đất Lào
Chúng ta sợ đối thủ kỵ giơ, chúng ta sợ những đối thủ được đánh giá mạnh hơn, và chúng ta sợ cả những hành động của mình trong trận chung kết, sợ rằng sẽ mắc sai lầm, sợ rằng sẽ bị thua. Chỉ cần không sợ hãi, chúng ta sẽ thi đấu tốt và đạt được những cái gọi là kỳ tích, như đã làm được ở VCK U23 châu Á và ASIAD vừa qua.
Thế nên ông Park rất bực mình vì sự sợ hãi của các học trò khi đối mặt với một CLB hạng hai Hàn Quốc. Các cầu thủ Việt Nam sợ những thất bại sắp tới sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng mà họ đã tạo được trong năm nay. Và nỗi sợ đó chính là rào cản của ĐT Việt Nam trên hành trình AFF Cup 2018 tới đây. Ông Park hiểu rất rõ rằng, một nhà vô địch không thể có trái tim chuột nhắt!