Drogba giúp quê hương kết thúc nội chiến

Kinh Thi Kinh Thi
09:00 ngày 06-04-2020
HLV huyền thoại Bill Shankly từng nói: "Tôi không đồng ý, rằng bóng đá quan trọng như một lẽ sống. Theo tôi, bóng đá quan trọng hơn nhiều". Trong câu chuyện về Didier Drogba, thì đấy là lẽ sống của cả một đất nước. Cựu tiền đạo Chelsea từng nói: "Tôi đã được chứng kiến sự hồi sinh của đất nước mình".
Drogba giúp quê hương kết thúc nội chiến

Bờ Biển Ngà, đất nước của Didier Drogba, đã chìm vào cuộc nội chiến từ năm 2002, mà sau này người ta thống kê rằng đã cướp đi khoảng 4.000 sinh mạng và làm cho hàng triệu người mất nơi cư trú. Chính quyền của tổng thống Laurent Gbagbo làm chủ miền Nam trong khi phiến quân do Guillaume Solo làm thủ lĩnh kiểm soát miền Bắc.

Cựu cầu thủ Sebastien Gnahore kể lại những năm tháng kinh hoàng mà anh đã thoát được ra nước ngoài: “Khi gọi điện cho người thân, tôi vẫn nghe rõ tiếng súng bên ngoài. Thân nhân của tôi phải trốn dưới gầm giường suốt nhiều ngày. Họ chỉ ra ngoài để kiếm lương thực. Điều tôi quan tâm duy nhất khi thức dậy mỗi buổi sáng chỉ là gia đình của mình có ổn thỏa không”.

Ngày 8/10/2005, đội tuyển Bờ Biển Ngà với những ngôi sao được gọi là thế hệ vàng của nền bóng đá này - Didier Drogba, Kolo Toure, Emmanuel Eboue, Didier Zokora... đến Sudan đá trận cuối cùng ở vòng loại World Cup 2006. Đấy sẽ là trận đấu hoàn toàn vô nghĩa, nếu Cameroon thắng Ai Cập tại sân nhà trong trận đấu cùng ngày.

Nếu Bờ Biển Ngà thắng, họ sẽ giành vé dự VCK World Cup, trong trường hợp Cameroon không thắng Ai Cập. Đấy là lý do vì sao Drogba và đồng đội phải nấn ná ở lại trên sân sau khi đã thắng Sudan 3-1. Họ hồi hộp theo dõi trận đấu song song tại Cameroon, qua radio.

Tỷ số khi ấy đang là 1-1 trong những phút chót. Thế rồi, Cameroon được hưởng phạt đền ở phút bù giờ thứ 4. Pierre Wome sút dội cột, văng ra ngoài. Thế là bùng nổi niềm vui lịch sử: Bờ Biển Ngà lần đầu tiên góp mặt ở đấu trường World Cup. Gượm đã. Chúng ta còn đang nói về một lịch sử khác!

Trong phòng thay đồ, ai đó đã đưa micro cho Drogba, trước ống kính truyền hình. Tất cả im bặt trước khi Drogba nhả từng chữ một, mà sau này anh nói đấy hoàn toàn là bản năng: “Hỡi mọi người dân Bờ Biển Ngà, thuộc mọi miền Bắc, Nam, Trung, Tây. Hôm nay, chúng tôi đã chứng tỏ được rằng mọi người dân Bờ Biển Ngà có thể cùng tồn tại, cùng chia sẻ niềm vui lọt vào World Cup. Chúng tôi đã hứa, rằng sẽ chiến thắng để làm cho mọi người hòa hợp với nhau...”.

Cuối năm 2005, Drogba đã giúp Bờ Biển Ngà lần đầu tiên góp mặt tại World Cup (2006) góp công lớn làm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ 2002-2007

Sau đó mới đến cao trào. Drogba không nói nữa. Anh không tuyên bố. Không phát biểu. Mà là khẩn cầu. Anh quỳ xuống. Đồng đội lần lượt quỳ theo. Drogba cầu khẩn: “Xin hãy tha thứ. Tất cả hãy tha thứ cho nhau. Đất nước tươi đẹp của chúng ta không thể đổ nát vì chiến tranh nữa. Xin hãy buông mọi vũ khí. Hãy bầu cử. Tất cả sẽ tốt đẹp hơn”. Toure, Eboue, Arouna Kone... đều khóc. Rồi tất cả lần lượt đứng dậy, ôm nhau, vui mừng, ca hát. “Hãy ngừng bắn và cùng chung vui...”.

Thực tế vẫn là thực tế. Sáng hôm sau, người dân Bờ Biển Ngà vẫn phải thức giấc trong nỗi kinh hoàng, căng thẳng, dè chừng lẫn nhau. Nhưng đoạn clip kéo dài chỉ khoảng 1 phút kia cứ lan tỏa mãi trong suốt nhiều tuần, nhiều tháng, với công hiệu rất rõ ràng.

Niềm vui World Cup không chỉ bao trùm Abidjan. Ngay tại “sào huyệt” của phe phiến loạn, thành phố Bouake lớn thứ hai ở Bờ Biển Ngà, người ta cũng hân hoan tận hưởng chiến thắng. Tất cả cùng uống... bia Drogba. Các phe quả đã xích lại gần nhau, chịu đàm phán với nhau. Nói rằng chiến tranh lập tức chấm dứt thì phi thực tế. Nhưng, nó quả sẽ kết thúc sau đó.

Đội tuyển bóng đá Bờ Biển Ngà đã góp công lớn làm chấm dứt cuộc nội chiến 2002-2007 ở đất nước của họ. Trong đó, cá nhân Didier Drogba đáng được xem là một biểu tượng.

Tại VCK World Cup 2006, Bờ Biển Ngà rơi vào “bảng tử thần”. Họ thua Argentina và Hà Lan trước khi thắng Serbia. Nhìn chung, đấy là một hành trình “xem được”. Cũng như bản thân Drogba đã có một sự nghiệp cá nhân “xem rất được” trên các sân cỏ châu Âu. Phải thế, họ mới thức tỉnh được đất nước.

Biểu tượng hòa bình
Vài tháng sau World Cup 2006, các bên chính thức ký thỏa thuận hòa bình và tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo tuyên bố kết thúc nội chiến. Trận sân nhà kế tiếp của Bờ Biển Ngà (thắng Madagascar 5-0) diễn ra tại “kinh đô phiến loạn” Bouake, như mong muốn của Didier Drogba. Đấy là một biểu tượng hòa bình, với Gbagbo và thủ lĩnh phe nổi loạn Guillaume Soro cùng hát quốc ca trên khán đài trước lúc bóng lăn. Báo chí giật tít: “5 năm nội chiến kết thúc với 5 bàn thắng”.

XEM THÊM

Ighalo từng làm đồng đội giận dỗi bỏ về nhà một mình

Cái nháy mắt của Ronaldo không phải ký ức đen tối nhất của Rooney

Diego Maradona và Juan Riquelme: Hai 'số 10' kỳ diệu nhưng không thể song hành

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x